Góp phần giáo dục lý tưởng cách mạng cho đoàn viên thanh niên
Chiều ngày 23/4, tại trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (KHXH&NV) – Đại học Quốc gia Hà Nội, đã diễn ra Hội thảo “Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng trong sinh viên” do Thành đoàn Hà Nội tổ chức. Đồng chí Nguyễn Ngọc Lương- Bí thư Trung ương Đoàn dự và phát biểu tại hội nghị.
Tại hội nghị, các đại biểu đã cùng trao đổi, tham gia góp ý kiến vào các nội dung: Dự thảo Kết luận của Hội nghị lần thứ III BCH Trung ương Đoàn khóa XI về tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng cho ĐVTN, trong đó tập trung đóng góp ý kiến về nội dung, phương thức, vai trò của tổ chức Đoàn Thanh niên đối với công tác giáo dục lý tưởng cách mạng cho thế hệ trẻ hiện nay; đóng góp về nhiệm vụ, giải pháp nhằm đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác giáo dục lý tưởng cách mạng cho ĐVTN trong tình hình mới của Đoàn Thanh niên các cấp phù hợp với từng khối đối tượng, lĩnh vực hoặc tiếp cận trên góc độ về giáo dục, tâm lý học, truyền thông…; chia sẻ các mô hình hay, cách làm hiệu quả đối với công tác giáo dục lý tưởng cách mạng cho thế hệ trẻ tại đơn vị để nhân rộng trong thời gian tới.
Giáo dục lý tưởng cách mạng cho thanh niên là bài toán khó
Giáo dục lý tưởng cách mạng cho đoàn viên, thanh niên là nhiệm vụ chính trị quan trọng của tổ chức Đoàn nhằm xây dựng, củng cố niềm tin, bản lĩnh chính trị cho đoàn viên, thanh niên, xây dựng thế hệ thanh niên có hoài bão, lý tưởng, khát vọng và trách nhiệm để xứng đáng làm chủ nước nhà.
Những năm gần đây, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đã có nhiều đổi mới nội dung và phương thức giáo dục và đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên, hiện nay, một bộ phận thanh niên giảm sút niềm tin, thiếu lý tưởng cách mạng; một số ít thanh niên bị các thế lực thù địch lôi kéo, kích động chống phá sự nghiệp cách mangj của Đảng và dân tộc ta.
Một bộ phận thanh niên không tha thiết phấn đấu vào Đảng, không muốn tham gia sinh hoạt Đoàn, thờ ơ về chính trị, không quan tâm và không muốn tham gia các hoạt động chính trị, thậm chí có những biểu hiện bất mãn, nhận thức lệch lạc.
|
Các chuyên gia, thầy cô giảng viên chia sẻ tại hội thảo |
Nhận định về thực tế này, TS. Nguyễn Thị Thúy Hằng – Đại học KHXH&NV thẳng thắn bày tỏ: ĐVTN vẫn còn nhiều thiếu sót, nhược điểm, đặc biệt xung quanh vấn đề tư tưởng. Đặt trong bối cảnh hiện nay, thời đại công nghệ thông tin với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, sự bùng nổ của internet khiến cho cuộc đấu tranh trên mặt trận tư tưởng vẫn là cuộc chiến dai dẳng, khốc liệt.
“Thanh niên có lòng nhiệt tình, hăng hái tiếp nhận cái mới, nhưng thiếu từng trải, thiếu kinh nghiệm, có thể bị lôi kéo bởi những tư tưởng lệch lạc, nên cần có tổ chức Đoàn, Hội, những thủ lĩnh thanh niên có uy tín dẫn dắt phong trào thanh niên. Phải làm sao để mỗi đoàn viên, thanh niên có “trái tim nóng và cái đầu lạnh”, sôi nổi, nhiệt tình nhưng cũng rất tỉnh táo, cảnh báo trước âm mưu phá hoại, chia rẻ của các thế lực thù địch”, TS. Hằng nhấn mạnh.
Đồng tình với TS. Nguyễn Thị Thúy Hằng, PSG.TS Vũ Quang Hiển – nguyên chủ nhiệm bộ môn Khoa Lịch sử Đảng chia sẻ, nhận thức chính trị của một bộ phận thanh niên ngày nay còn mơ hồ, thiếu niềm tin, dễ bị lung lay khi có sự tấn công của các luận điệu sai trái. Việc giáo dục lý tưởng cách mạng cho ĐVTN trong bối cảnh hiện nay còn rất nhiều khó khăn, nhiều rào cản gây ảnh hưởng đến hiệu quả nâng cao lý tưởng, hoài bão của thanh niên.
Việc giáo dục hiện nay như một bài toán khó, việc của chúng ta là làm sao để tạo dựng niềm tin vào lý tưởng cho ĐVTN dựa trên cơ sở vận dụng các nền tảng khoa học vững chắc và có hệ thống để lý giải; phải có sự thay đổi về mặt tư duy và nhận thức chính trị. Trong môi trường sư phạm, mỗi thầy cô giáo cần thể hiện vai trò định hướng, phản bác lại những luận điệu sai trái, đi ngược lại với các chủ trương của Đảng và Nhà nước cho thanh niên, sinh viên. – PGS.TS Vũ Quang Hiển đề nghị.
Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cũng cho rằng, thanh niên hiện nay còn ít quan tâm hoặc ngại tham gia vào những hoạt động sinh hoạt chính trị và các hoạt động xã hội, có nhận thức chính trị non kém, chưa xác định được lý tưởng sống đúng đắn, coi nhẹ những giá trị truyền thống nhân văn cao đẹp của dân tộc. Một số bộ phận thanh niên chưa có động cơ học tập và định hướng nghề nghiệp đúng đắng, thiếu các kỹ năng và phẩm chất cần thiết của lao động trẻ trong điều kiện cạnh tranh và hội nhập…
Nâng cao lý tưởng cách mạng cho thanh niên qua các hoạt động Đoàn
Theo PGS, TS. Nguyễn Văn Kim, Bí thư Đảng ủy, Phó Hiệu trưởng trường ĐHKHXH & NV – Đại học Quốc gia Hà Nội, trong giáo dục lý tưởng cách mạng cho bạn trẻ ngày nay cần phải đồng bộ các giải pháp, cụ thể: nhấn mạnh tinh thần học tập, chủ động sáng tạo trong mỗi bạn trẻ; phong trào Đoàn cần hòa quyện chung trong phong trào xây dựng, phát triển đất nước, trong đó có tinh thần lập thân lập nghiệp. Bên cạnh đó, mỗi bạn trẻ cần có tinh thần trách nhiệm bản thân, gia đình, xã hội; nói đi đôi với làm; tiên phong, gương mẫu.
Chia sẻ về những phương pháp giúp nâng cao lý tưởng cách mạng trong sinh viên, bạn Phạm Thị Ngọc Hoa - sinh viên khoa Triết, trường ĐHKHXH& NV – Đại học Quốc gia Hà Nội, cho biết: Việc tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng có thể học tập theo 2 kênh. Kênh thứ nhất là học trên giảng đường thông qua những bài giảng của thầy cô, nhiều thầy cô với phương pháp truyền đạt hấp dẫn khiến chúng em như muốn “nuốt từng chữ” thầy giảng. Ngoài ra chúng em còn được đi học tập thực tế, tham quan các địa điểm lịch sử khiến cho việc học tập không khô khan và nhàm chán.
|
Các sinh viên tham góp ý kiến tại hội thảo |
Kênh học tập thứ 2 là học tập thông qua các hoạt động Đoàn, Hội. Khi tham gia các hoạt động Đoàn, chúng em sẽ được tăng thêm hiểu biết, tiếp thu được nhiều kinh nghiệm trong thực tiễn; được làm quen với những kỹ năng làm việc chuyên nghiệp; được trải nghiệm những kỹ năng sống mà chưa từng được cung cấp trong sách vở.
Bạn Trần Việt Anh, sinh viên khoa Lịch sử, trường ĐHKHXH& NV – Đại học Quốc gia Hà Nội, cho biết thêm, cuộc vận động “Mỗi ngày một tin tốt, mỗi tuần một câu chuyện đẹp” luôn có sẵn tại trường ĐHKHXH&NV, diễn ra hàng ngày, hàng giờ chứ không đợi đên lúc được kêu gọi hay một dịp lễ nào đó. “Chúng em cho rằng, làm việc tốt là để góp sức, chung tay xây dựng cộng đồng, xây dựng đất nước, chứ không phải để tạo tiếng tăm. Từ một vài việc tốt để có thể tạo sự lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng cần sự chung tay chia sẻ, quảng bá rộng rãi”,…
Nhân dịp này, Việt Anh cũng đề xuất tổ chức Đoàn, Hội trong nhà trường cần lập ra một đội chuyên môn có nhiệm vụ tìm hiểu, đưa tin kịp thời các tin tốt, câu chuyện đẹp trong sinh viên để tạo sự lan tỏa. Bên cạnh đó, có cơ chế để khuyến khích mỗi đoàn viên, sinh viên trở thành một kênh thông tin, “tai, mắt” của đoàn và lan tuyền các tin tốt.
Là một giảng viên gần gũi với các phong trào của sinh viên, Th.S Phạm Hoàng Giang – giảng viên khoa Triết học đề nghị, xây dựng hoạt động Đoàn cho sinh viên cần bắt đầu từ những câu chuyện thực tiễn, từng đối tượng, ngành nghề khác nhau. Cần quan tâm sân chơi thu hút sinh viên? điển hình như ở khoa Triết đã có CLB hỗ trợ sinh viên học tập; hoạt động phục vụ nghiên cứu khoa học, mời các chuyên gia, diễn giả và thúc đẩy để sinh viên chủ động tham gia tổ chức.
Bên cạnh đó, các hoạt động phải quan tâm đến sở thích, mong muốn của thanh niên và đặc biệt phải quan tâm để thúc đẩy sinh viên sống đẹp, phải làm thế nào để sinh viên tích cực tham gia học tập, nghiên cứu khoa học và các hoạt động phong trào, vì cuộc sống cộng đồng. Vai trò của Đoàn Thanh niên thôi chưa đủ, cần có sự vào cuộc của Nhà trường, các tổ chức khác tham gia, gắn bó, đồng hành với thanh niên. – Th.S Phạm Hoàng Giang bày tỏ.
|
Đồng chí Nguyễn Ngọc Lương - Bí thư Trung ương Đoàn kết luận hội thảo |
Ghi nhận các ý kiến đóng góp tại hội thảo, đồng chí Nguyễn Ngọc Lương – Bí thư Trung ương Đoàn cho biết, công tác giáo dục lý tưởng cách mạng của Đoàn trong thời gian qua đã có nhiều sự đổi mới tích cực như tuyên truyền thông qua các ấn phẩm infographic, videoclip hay cung cấp bộ trắc nghiệm trực tuyến, tổ chức các cuộc thi online, tận dụng sức ảnh hưởng của những nhân vật nổi tiếng với giới trẻ từ đó tạo sự mới mẻ, hấp dẫn và thu hút thanh niên tham gia hoạt động nhiều hơn.
"Lý tưởng cách mạng không phải là điều gì quá xa vời mà thực ra rất gần gũi, đó là những vấn đề đang hàng ngày đeo bám, phục vụ cho nhiệm vụ phấn đấu, học tập, sinh hoạt thiết thực của thanh niên. Vì vậy, bản thân mỗi thanh niên cần nắm rõ những vấn đề, đây là những hạt nhân để góp phần giáo dục lý tưởng cách mạng cho ĐVTN" – đồng chí Nguyễn Ngọc Lương nhấn mạnh.
Dịp này, đồng chí Bí thư Trung ương Đoàn đề nghị, các cấp bộ Đoàn nói chung và thanh niên, sinh viên nói riêng, với phương châm “Mỗi ngày một tin tốt, mỗi tuần một câu chuyện đẹp”, hãy tham gia để lan tỏa những thông tin tốt đẹp. Bên cạnh đó, cũng cần trang bị cho mình những tri thức, hiểu biết và có lý tưởng vững vàng để nêu quan điểm của mình phản bác những vấn đề sai lệch.
Theo doanthanhnien