Góc nhìn Việt Nam đầu thế kỷ 20
|
Những hình dung cụ thể về quá khứ
Theo Bảo tàng Lịch sử quốc gia, những bức ảnh tư liệu được trưng bày tại triển lãm “Góc nhìn Việt Nam - Việt Nam đầu thế kỷ 20 qua tư liệu ảnh của Viện Viễn đông bác cổ Pháp” phần lớn lần đầu công bố tại nước ta. “Nó cho thấy một hình dung cụ thể bằng hình ảnh về VN thời đó. Nhiều bức ảnh là minh chứng cho hiện trạng các di tích kiến trúc trong quá khứ mà hiện nay - do chiến tranh, thời gian - đã bị thay đổi, hủy hoại”, ông Nguyễn Văn Cường, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia nói.
|
Một trong những ví dụ về hình ảnh nay đã không còn như xưa chính là Phật viện Đồng Dương, tỉnh Quảng Nam. Trong cuộc trưng bày nói trên có 2 bức ảnh chụp Phật viện này. Một bức chụp các cụm tháp ở đây. “Phật viện Đồng Dương nay đã bị phá hủy hoàn toàn, gồm 3 cụm tháp liền nhau”, ông Cường cho biết. Bức ảnh còn lại chụp tượng môn thần Dvarapala. Bức tượng thế kỷ 9 - 10 này được nhà nghiên cứu Henri Marchal ghi lại trước năm 1935. Sau đó, năm 1935, tượng được nhập vào Bảo tàng Chăm Tourane Đà Nẵng. Trong ảnh, tượng thần được chụp tại chỗ, trong một hốc cây phủ đầy cây dại ở cửa vào của Phật viện.
Việc thực hiện ghi chép tư liệu khảo cổ học được thực hiện chính xác đến mức nó là cơ sở quan trọng để phục dựng nhóm tháp tại Mỹ Sơn sau này. Một bức ảnh cho thấy ông Mercier, người phụ trách các công trình tại thực địa, đã sắp xếp một nhóm thợ rập khuôn tại Mỹ Sơn. “Nhóm thợ này đã tận dụng giàn giáo tháp A1 để lấy nhiều họa tiết trang trí trên đỉnh mái kiến trúc vốn hầu như không thể tiếp cận được những lúc thông thường. Với sự trợ giúp của giàn giáo, nét vẽ và ký hiệu chính xác của di tích cũng đã được tô nổi và sau đó được dựng lại ở Bảo tàng Louis Finot trong khu vực dành cho điêu khắc và kiến trúc so sánh”, thông tin từ EFEO cho biết.
Hình dung quá khứ cũng thật sáng rõ khi chúng ta nhìn bức ảnh chụp kiến trúc bằng gạch lộ tại ngôi mộ cổ số 8 ở Lạch Trường, tỉnh Thanh Hóa. Tác phẩm do Olov Janse chụp. Theo EFEO, ông đã khai quật một nghĩa địa lớn gồm 30 ngôi mộ được xây bằng gạch, có một phòng lễ tang ở khu trung tâm và một dãy phòng. Một số phòng có đồ dùng cho tang lễ bằng gốm hoặc bằng đồng. “Cũng phải nói thêm, tại Lạch Trường, ông Olov Janse đã tìm thấy cây đèn hình người quỳ. Đây chính là hiện vật được phong tặng Bảo vật quốc gia ngay đợt đầu tiên”, PGS-TS Vũ Quốc Hiền cho biết.
|
Thu nhận những cái mà nếu không làm sẽ bị tiêu tan
|
Có được những bức ảnh hiếm hoi đó là bởi ngay từ khi ra đời, Viện Viễn đông bác cổ Pháp đã sở hữu một thư viện và một kho ảnh. Từ 1933 - 1959, EFEO bổ sung nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp Jean Manikus cùng người phụ tá Nguyễn Hữu Thọ. Họ cùng nhau có những đóng góp lớn cho việc hình thành một phòng di sản gồm 50.000 phim âm bản. Khi EFEO rời trụ sở ở Hà Nội, một bộ sao tư liệu ảnh này đã được gửi về Paris nơi trụ sở của viện được thành lập chính thức năm 1961. Hiện kho có 180.000 phim âm bản. Nhà nghiên cứu Auguste Barth nói: “Từ khi thành lập, EFEO thực hiện nhiệm vụ thành lập các bảo tàng nhằm thu nhận những cái mà nếu không làm sẽ bị tiêu tan”.
Chính vì thế, bên cạnh ảnh khảo cổ, các bức ảnh dân tộc học cũng là thế mạnh của cuộc trưng bày này. Một trong những bức ảnh như vậy là về buổi lễ tại nhà bà Trần Thị Thành, 113 phố Trúc Bạch, Hà Nội. Chú thích cho biết, trung tâm của bức ảnh là bà đồng, đã được hồn quan lớn đệ nhị nhập vào, đang sửa soạn dâng lễ vật lấy phúc. “Khi có hồn nhập vào, bà đồng vừa trả lời các câu hỏi vừa nhảy múa. Sau đó, giống như ngài ban tài ban lộc, bà đồng ban phát các lá bùa, trầu, tiền, hoa quả cho những người ngồi hầu mang về nhà”, các ghi chú từ thời 1935 đó cho biết.
Trong một bức ảnh khác, có những cô đồng tại một trong những khóa đồng ở đền Gềnh, làng Phú Viên nay thuộc Hà Nội, thờ Thánh Mẫu Thoải (1953). Cận cảnh là một cô đồng hóa thân thành một thần nữ. Những bức ảnh tư liệu này càng có giá trị hơn khi việc thờ Mẫu giờ đã khác xưa. Tín ngưỡng này cũng từng bị gián đoạn một thời gian.
|
Ở nhóm ảnh khác, lễ tế Nam Giao tại Huế được chụp khá kỹ lưỡng. Nhóm ảnh về lễ hội đền Gióng cũng cho thấy hình dung cụ thể hơn về di sản văn hóa phi vật thể này. Cần nhắc lại rằng, nhiều tư liệu của EFEO đã được các nhà nghiên cứu sử dụng khi lập hồ sơ UNESCO cho hội Gióng.
Theo thanhnien