Giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thế hệ trẻ thời công nghệ
Hội thảo với chuyên đề "Giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thế hệ trẻ theo Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh" được tổ chức chiều ngày 18/5 tại Hà Nội
Hội thảo chuyên đề tập trung thảo luận một số nội dung chính như: luận giải, làm sâu sắc hơn, đầy đủ hơn, toàn diện hơn giá trị, ý nghĩa của Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh; Đánh giá những kết quả đã đạt được trong thực hiện Di chúc của Người, những mô hình hay, cách làm sáng tạo; sự quan tâm, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền đối với công tác bồi dưỡng, giáo dục thế hệ trẻ. Các vấn đề còn tồn tại cần khắc phục để thực hiện hiệu quả hơn, toàn diện hơn những lời Di huấn của Người.
Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đề xuất nhiều nhiệm vụ, giải pháp, kiến nghị với Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị để thực hiện tốt hơn nữa công tác bồi dưỡng, giáo dục lý tưởng cách mạng cho thế hệ trẻ.
Chủ trì Hội thảo gồm có các đồng chí: Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Duy Bắc, Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; Lại Xuân Lâm, Phó Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương; Nguyễn Ngọc Lương, Bí thư Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh
Giới trẻ sẽ học theo những tấm gương người thật, việc thật
Đồng chí Nguyễn Ngọc Lương phát biểu, nhìn chung, thế hệ trẻ Việt Nam được giáo dục, chăm sóc, nuôi dưỡng ngày một tốt hơn. Phần lớn thanh thiếu nhi tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và con đường phát triển của đất nước, sống có trách nhiệm với Tổ quốc, gia đình và bản thân, đồng thời có nhiều đóng góp quan trọng trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tuy nhiên, một bộ phận giới trẻ giảm sút niềm tin, thiếu ý thức chấp hành pháp luật, sống thực dụng, thiếu lý tưởng, xa rời truyền thống văn hoá tốt đẹp của dân tộc.
PGS, Tiến sĩ Lê Quý Đức, Nguyên Phó viện trưởng Viện Văn hóa và Phát triển, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho biết, thanh niên hiện nay “nhạt Đảng, khô Đoàn” thực chất là xa rời lý tưởng cách mạng. Ông đã chỉ ra những nguyên nhân là cái “gốc” căn bản của hiện tượng tiêu cực về tư tưởng, đạo đức, lối sống của một bộ phận thế hệ trẻ hiện nay, trong đó chủ yếu giới trẻ nhìn vào người thật, việc thật dẫn đến những suy nghĩ lệch lạc và hành động tiêu cực.
Ông cho rằng trước khi trách cứ thanh thiếu niên, những người có trách nhiệm với thế hệ trẻ cần phải tự trách chính mình. Một bộ phận cán bộ, đảng viên có biểu hiện phai nhạt lý tưởng, tha hóa đạo đức, lối sống, thiếu gương mẫu, thiếu trung thực.
Bên cạnh đó, sự hành xử bạo lực, hành vi hung tính của người lớn mang tính hủ bại, đồi bại đã ít nhiều gieo rắc vào hành vi ứng xử của giới trẻ trong quan hệ của họ với nhau và trong quan hệ với gia đình và ngoài xã hội. Sự giả dối, thói nịnh bợ, tâng bốc trước mặt, nói xấu sau lưng của một số người lớn khiến giới trẻ mất niềm tin và phương hướng dẫn đến buông thả chính mình.
“Các bạn trẻ sẽ nhìn vào chính những người đi trước, những người xung quanh mình để định hướng lý tưởng sống và phấn đấu rèn luyện”. Đồng chí Nguyễn Thị Ngọc Khánh nhấn mạnh
Với thực trạng đó, Bí thư Đoàn Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Tp.Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Ngọc Khánh chia sẻ cần tăng cường tuyên dương các gương điển hình tiêu biểu, cũng như nhân rộng và phát huy các gương điển hình sau tuyên dương. Tổ chức Đoàn cũng đã phát động cuộc vận động “Mỗi ngày một tin tốt-Mỗi tuần một câu chuyện đẹp” để giới trẻ luôn nhìn vào những câu chuyện tốt đẹp trong xã hội, những tấm gương điển hình để noi theo.
Bồi dưỡng lý tưởng cách mạng thời công nghệ
Sau 50 năm thực hiện Di chúc của Bác Hồ, việc giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thế hệ trẻ đã được triển khai bằng các chương trình, hoạt động dưới nhiều hình thức. Thế hệ đi trước đã sinh ra những tấm gương điển hình như anh Kim Đồng, chị Võ Thị Sáu, anh Vừ A Dính, anh La Văn Cầu, anh Phan Đình Giót…được kể lại qua lời lưu truyền của các thế hệ và sách, vở.
Tuy nhiên, những thay đổi nhanh chóng của đất nước và thế giới hiện nay trước tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đòi hỏi tổ chức Đoàn phải chuyển động và sử dụng, phát huy thế mạnh của các phương tiện truyền thông hiện đại trong việc bồi dưỡng lý tưởng cách mạng cho đoàn viên, thanh niên theo di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Đồng chí Nguyễn Đồng Anh, Phó Bí thư Đoàn Học viện Ngoại giao nhận định, giới trẻ ngày nay dành rất nhiều thời gian xem video trực tuyến, chơi game online và tham gia mạnh mẽ vào các mạng xã hội. Các nền tảng mạng xã hội được người dùng thường xuyên và phổ biến nhất hiện nay tại Việt Nam như Youtube, Facebook, Zalo, Instagram…là con đường tốt nhất để tiếp cận và truyền tải thông tin tới giới trẻ.
Tổ chức Đoàn có thể lồng ghép nội dung giáo dục lý tưởng cách mạng cho thanh niên vào các thông điệp truyền thông hiện đại bằng cách tận dụng sự phát triển của công nghệ, thiết kế các thông điệp nội dung hấp dẫn, cập nhật dưới dạng video, trò chơi trực tuyến, các bài báo tương tác đa phương tiện và truyền tải thông qua những phương tiện truyền thông phù hợp.
Đồng chí Nguyễn Đồng Anh cho biết “Nhóm công chúng thanh niên hiện đại” sử dụng mạng internet và mạng xã hội nhiều nhất, chiếm tỷ lệ cao nhất tại Việt Nam
Từ sự phát triển của mạng xã hội và các nền tảng đa phương tiện, trong giới trẻ dần xuất hiện các trào lưu mới. “Không thể phủ nhận bên cạnh một số ít trào lưu mang tính tích cực, đa số các trào lưu đều mang tính giải trí, hài hước, nhiều khi vô bổ và có cả những trào lưu mang tính tiêu cực. Tuy nhiên, nếu tổ chức Đoàn chọn lọc và vận dụng phù hợp thì đây cũng là một phương thức tiếp cận hiệu quả đến đoàn viên thanh niên trong công tác giáo dục lý tưởng cách mạng”. Đồng chí Nguyễn Thị Ngọc Khánh, Bí thư Đoàn Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Tp.Hồ Chí Minh.
Nhiều đại biểu cũng nhận định, cần tăng cường các sản phẩm trực quan, có sức thu hút, tác động lớn trong công tác tuyên truyền, giáo dục. Sử dụng các hình thức mới trong thiết kế các ấn phẩm tuyên truyền của Đoàn như infographic, motion graphic (hình ảnh đồ họa), character animation (nhân vật hoạt hình),... Qua đó, các nội dung giáo dục chính trị - tư tưởng, đạo đức cách mạng được truyền tải một cách ngắn gọn, sinh động, dễ hiểu và hiệu quả hưởng ứng cao.
50 năm khắc sâu lời dạy của Bác Hồ kính yêu
Trong bản Di chúc của mình, sau khi nói về Đảng, Người đã dành tình yêu thương, sự quan tâm và niềm tin sâu sắc đối với thế hệ trẻ - những người chủ nhân tương lai của đất nước, người kế tụng sự nghiệp cách mạng vẻ vang của thế hệ cha anh đi trước.
Người viết “Đoàn viên thanh niên ta nói chung là tốt, mọi việc đều hăng hái xung phong, không ngại khó khăn, có chí tiến thủ. Đảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người vừa “hồng” vừa “chuyên”. Người nhấn mạnh “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết”.
Từ mong muốn giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thế hệ trẻ bằng cách dễ hiểu nhất, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đã tiên phong áp dụng những hình thức, xu hướng mới của giới trẻ như: Học tập chỉ thị 05, các bài học lý luận chính trị của ĐVTN được trình bày dưới hình thức Infographic; áp dụng công nghệ thông tin trong Hội thi tìm hiểu chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh “Ánh sáng soi đường”, Hội thi tìm hiểu lịch sử, văn hóa “Tự hào Việt Nam”; tổ chức ngày hội đọc sách, tìm hiểu, kể chuyện, trao đổi về Di chúc, lời căn dặn của Bác đối với thanh thiếu nhi trực tuyến; giới thiệu về các tư liệu liên quan đến cuộc đời, sự nghiệp cách mạng của Bác Hồ trên internet, nhất là mạng xã hội gắn với cuộc vận động “Mỗi ngày một tin tốt - Mỗi tuần một câu chuyện đẹp”; xây dựng các phần mềm tổ chức thi bằng ứng dụng di động sử dụng trí thông minh nhân tạo AI...
Sau 50 năm thực hiện lời dạy của Người, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đã luôn khắc cốt ghi tâm Di chúc của Bác để lại cho thanh thiếu nhi, đồng thời tự vận động, thay đổi đề ra những giải pháp mới để tiếp tục bồi đắp nhiều hơn nữa lý tưởng cách mạng, giáo dục thanh niên giữ vững bản lĩnh cách mạng, có ý thức nhạy bén chính trị, tích cực đấu tranh ngăn chặn, phản bác những thông tin và luận điệu sai trái, tăng sức đề kháng cho thanh niên trước những biểu hiện tiêu cực, mặt trái của xã hội và sự chống phá, xuyên tạc của các thế lực thù địch, nhất là trên mạng xã hội; tránh tình trạng “nhạt Đảng”, “khô Đoàn”, “xa rời chính trị”./.
Theo doanthanhnien