Giá cước vận tải vẫn chây ì dù giá xăng tiếp tục giảm mạnh gây bức xúc lớn cho DN, người dân - Ảnh: D.Đ.Minh |
Từ 16 giờ chiều 21.1, liên bộ Công thương - Tài chính công bố mức giá xăng, dầu bán lẻ mới giảm mạnh để các doanh nghiệp (DN) xăng dầu đầu mối điều chỉnh theo. Cụ thể, giá xăng RON 92 giảm tối thiểu 1.897 đồng /lít (còn khoảng 15.670 đồng/lít), giá xăng RON 95 giảm tương tự, còn 16.270 đồng/lít. Giá dầu diesel 0,05 S giảm tối thiểu 1.459 đồng/lít, còn khoảng 15.170 đồng/lít. Giá dầu hỏa giảm 1.494 đồng/lít (còn khoảng 15.610 đồng/lít). Giá dầu ma zút 3,5 S giảm 1.078 đồng/kg, còn khoảng 11.850 đồng/kg. Đây là lần giảm giá xăng dầu thứ 2 liên tiếp kể từ đầu năm 2015 đến nay và là lần giảm thứ 17 liên tiếp kể từ giữa tháng 7.2014.
|
Trong khi đó, trả lời PV Thanh Niên, nhiều DN vận tải khách tỏ ra khá dửng dưng với câu hỏi giá cước bao giờ giảm sau khi giá xăng dầu tiếp tục giảm mạnh; đồng thời khẳng định sẽ khó có chuyện giảm giá cước trong giai đoạn trước tết. Đại diện một hãng xe khách lớn chạy tuyến Quảng Ngãi - TP.HCM nói: “Qua các đợt giảm giá xăng trước, hãng đã giảm giá cước xuống sát giá xăng, chẳng hạn tuyến Quảng Ngãi - TP.HCM đã giảm giá vé khoảng 15%. Nên nay nói giảm nữa là rất khó do trong tình hình giá cước vận tải được phép tăng từ 20 - 60% trong dịp tết”.
Đại diện một hãng xe khách tuyến Đà Lạt - TP.HCM cũng cho rằng nếu có giảm giá cước, chỉ có thể thực hiện sau tết. Đại diện hãng xe Thành Bưởi nói chưa có kế hoạch giảm giá cước vận tải do hãng đang nỗ lực tăng lương và thưởng cho nhân viên để giữ chân người lao động. "Áp lực tăng lương để giữ chân người lao động trong dịp tết khiến DN vận tải vô cùng khó khăn. Nếu giảm được phần nào chi phí đầu vào để tăng lương thưởng cho nhân viên là điều chúng tôi đang mong đợi", đại diện Hãng Thành Bưởi nói.
Chuyên gia kinh tế, TS Ngô Trí Long phân tích giá cước vận tải là một trong những yếu tố quan trọng nhất cấu thành chi phí giá của tất cả các hàng hóa khác. Chính giá cước giảm chậm đã khiến nhiều mặt hàng khác từ xi măng, sắt thép, rau cỏ, thịt cá... ngoài chợ cũng vin vào lý do này không giảm theo. “Các bộ, ngành liên quan như tài chính, công thương và địa phương phải tăng cường phối hợp kiểm tra và giám sát. Đối với các DN có kinh doanh vận tải phải buộc kê khai giá để kiểm soát được chi phí và giá thành. Đối với các mặt hàng khác, tại siêu thị lớn nếu mặt bằng giá giảm chưa hợp lý cần phải yêu cầu giảm giá. Khi đó, sẽ kéo theo tác động dây chuyền tới các chợ truyền thống bên ngoài”, TS Long đề xuất.
|
“Thể hiện cơ quan quản lý bất lực”
Tại cuộc họp với Sở Công thương, Sở Tài chính, Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội hôm qua, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải đã phân tích tác động của việc giảm giá xăng dầu ảnh hưởng đến thị trường trong nước. Theo ông Hải: “Xăng dầu đã giảm gần 10.000 đồng một lít mà cước taxi và các phương tiện vận tải khác không giảm giá là thể hiện sự bất lực của cơ quan quản lý”. Cụ thể hơn, theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, hiện tỷ trọng chi phí nhiên liệu chiếm khoảng 30 - 40% giá thành vận tải. Từ đầu năm 2014 đến nay chi phí nhiên liệu vận tải giảm gần 40% thì không có lý do gì giá cước không giảm. “Xăng dầu tăng giá một chút, chưa cần ai nói gì thì cước vận tải đã tăng. Khi xăng dầu giảm giá thì họ viện đủ lý do khó khăn để không chịu giảm giá cước. Điều này tôi thấy rất vô lý, dư luận cần phải lên án”, ông Đỗ Thắng Hải nói.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý giá Bộ Tài chính, cho biết ngay trong ngày 21.1 Bộ đã có công văn khẩn gửi các địa phương yêu cầu các DN phải lập tức kê khai lại giá cước vận tải. Trong công văn, Bộ Tài chính khẳng định đến thời điểm hiện tại, giá xăng, dầu tiếp tục được điều chỉnh giảm sâu thêm hai đợt vào ngày 6.1 và 21.1.2015 nhưng qua kiểm tra, nắm tình hình tại một số địa phương cho thấy vẫn còn đơn vị vận tải chưa thực hiện kê khai giảm giá.
Trước đó, tổng hợp báo cáo giá cước vận tải của các địa phương gửi Bộ Tài chính cho thấy rất nhiều tỉnh, thành thực hiện giảm giá cước vận tải chưa nghiêm túc. Cụ thể, tại Bắc Ninh taxi giảm giá 3 - 10%, nhưng các tuyến vận tải cố định và xe buýt vẫn giữ nguyên mức giá thực hiện như năm 2013. Sơn La có 22 hồ sơ kê khai giá nhưng lại không có kết quả cụ thể. Ninh Thuận có công văn đề nghị DN giảm giá nhưng cũng chưa có kết quả giảm. Ninh Bình chỉ có 1 đơn vị kinh doanh vận tải khách bằng taxi giảm giá cước. “Chúng tôi làm chính sách vĩ mô ở bên trên, cũng có phối hợp để kiểm tra giám sát việc giảm giá cước, nhưng cả 63 tỉnh, thành thì làm không xuể. Các địa phương phải có trách nhiệm chính trong việc quản lý DN tại địa phương mình”, ông Tuấn nói.
Theo ông Tuấn, thời gian tới sẽ tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện kê khai giá cước vận tải ô tô trên địa bàn theo quy định của pháp luật. “Đối với đơn vị không thực hiện kê khai giá theo quy định phải xử phạt và công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đối với các đơn vị đã kê khai giảm giá cước, đôn đốc, yêu cầu các đơn vị này tiếp tục tính toán lại giá thành vận tải theo xu hướng giảm giá nhiên liệu để kê khai lại theo đúng quy định. Trường hợp các đơn vị cố tình kê khai giảm giá chưa phù hợp, tùy theo tình hình, có thể tiến hành kiểm tra yếu tố hình thành giá của các đơn vị và xử lý theo quy định của luật Giá”, ông Tuấn khẳng định.
DN bất bình Nhiều DN sản xuất cho biết bức xúc của họ ngày càng tăng cao khi sau nhiều lần giảm giá xăng dầu, các DN vận tải vẫn chưa chịu giảm giá cước ở mức tương ứng. Ông Nguyễn Thái Linh, Giám đốc Công ty TNHH giấy Liên Sơn, cho biết chi phí cước vận tải của công ty ông trung bình mỗi tháng đã tăng từ 500 triệu đồng lên hơn 700 triệu đồng ở thời điểm giá xăng tăng đỉnh vào tháng 7.2014. Từ đó cho đến nay, mặc dù đã nhiều lần điều chỉnh giá xăng, song giá cước vận tải chỉ giảm khoảng 5%. “Vì nhu cầu, chúng tôi không thể không thuê vận tải, song việc giá cước vận tải không được đưa về đúng giá trị thật khiến nhiều DN có nhu cầu vận tải cao thiệt hại lớn”, ông Linh nói. Ông Văn Đức Mười, Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Vissan, cho rằng: “Chương trình bình ổn giá được triển khai mấy năm nay nhằm đưa DN đồng hành với người tiêu dùng. Trong khi DN sản xuất làm rất hiệu quả chương trình này không lý do gì những DN ngành khác lại đứng ngoài cuộc. Việc DN vận tải vẫn chưa chịu giảm giá cước có nguyên nhân là chưa có biện pháp chế tài đủ mạnh”. |
Theo thanhnien