Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024
Cập nhật lúc: 11/06/2018

Đưa "Sinh viên 5 tốt" thành phong trào cốt lõi trong sinh viên

Cùng tham gia hội nghị có các đồng chí thường trực Trung ương Hội SVVN; đại diện Ban giám hiệu các trường Đại học trên địa bàn Thủ đô; thường trực các Hội Sinh viên các trường Đại học; Cao đẳng cùng một số đại biểu là Sinh viên 5 tốt cấp Trung ương và cấp thành phố Hà Nội.
 
 
 
Quang cảnh hội nghị
Quang cảnh hội nghị

Tại hội nghị, với những kinh nghiệm hoạt động và thực tiễn của phong trào “Sinh viên 5 tốt” tại mỗi đơn vị, các đại biểu đã cùng đóng góp ý kiến tập trung vào một số nội dung cụ thể như: đánh giá sự tác động của phong trào tới hội viên, sinh viên, tới chất lượng đào tạo các nhà trường; đánh giá kết quả công tác tuyên truyền, giới thiệu phong trào “Sinh viên 5 tốt” cho nhóm sinh viên mới, nhóm sinh viên chưa tiếp cận tới phong trào; giải pháp tuyên truyền giới thiệu giá trị phong trào tới xã hội, cơ quan, doanh nghiệp sử dụng lao động; đánh giá các tiêu chí cần có của phong trào “Sinh viên 5 tốt”; các nhóm giải pháp cần tập trung trong chỉ đạo, triển khai tạo môi trường để sinh viên tham gia phong trào và tạo môi trường để sinh viên phấn đấu đạt danh hiệu “Sinh viên 5 tốt” các cấp; các giải pháp đổi mới công tác tuyên dương, hỗ trợ, kết nối, phát huy sinh viên đạt danh hiệu “Sinh viên 5 tốt” sau tuyên dương lan toả, khẳng định giá trị của danh hiệu trong xã hội.

Các ý kiến tại hội nghị sẽ là cơ sở để hoàn thiện vào dự thảo Báo cáo chính trị của BCH Trung ương Hội SVVN khoá IX tại Đại hội đại biểu toàn quốc Hội SVVN lần thứ X.

Đẩy mạnh lan tỏa phong trào “Sinh viên 5 tốt”

Đánh giá về tác động tích cực của phong trào “Sinh viên 5 tốt” đối với sinh viên, hội viên, cũng như chất lượng đào tạo trong nhà trường; PGS. TS. Đinh Văn Hường - Trưởng ban Chính trị và công tác học sinh, sinh viên ĐHQG Hà Nội, cho biết: phong trào “Sinh viên 5 tốt” tại ĐHQG Hà Nội thực sự trở thành động lực, mục tiêu phấn đấu của sinh viên. Phong trào đã góp phần đổi mới phương thức giáo dục, tạo thế thế hệ sinh viên toàn diện không chỉ học giỏi mà còn giàu kỹ năng, tham gia tích cực hoạt động cộng đồng và hội nhập tốt.

Hiện ĐHQG Hà Nội có 31 sinh viên 5 tốt cấp trung ương, 197 sinh viên 5 tốt cấp thành phố, 400 sinh viên 5 tốt cấp ĐHQG. Hiện ĐHQG Hà Nội có 100 CLB được thành lập; thực hiện được 75 công trình ở vùng sâu, vùng xa với kinh phí 3 tỷ đồng. 

Tuy nhiên, PGS.TS. Đinh Văn Hường cũng bày tỏ sự trăn trở bởi thành tích đó chỉ mới là kết quả bước đầu, vẫn còn một bộ phận sinh viên chưa được tiếp cận hoặc còn thờ ơ với phong trào và một số giải pháp tuyên truyền về “Sinh viên 5 tốt” còn khô cứng, chưa phù hợp với sinh viên.

 
PGS.TS. Đinh Văn Hường phát biểu tại hội nghị
PGS.TS. Đinh Văn Hường chia sẻ ý kiến với hội nghị

PGS. TS. Đinh Văn Hường đề xuất, để phong trào “Sinh viên 5 tốt” thực sự phát triển mạnh mẽ, các nhóm giải pháp cần nhấn mạnh thêm tầm quan trọng của cấp uỷ, lãnh đạo nhà trường. Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ hội tích cực lăn xả thì phong trào sẽ phát triển; đồng thời tăng tính tích cực, chủ động cho sinh viên. “Và vấn đề quan trọng nhất là chúng ta phải làm thật tốt công giáo dục chính trị, tư tưởng cho sinh viên, tạo cho sinh viên bản lĩnh vững vàng để tự bảo vệ mình trước những thông tin sai lệch, trái chiều”, PGS. TS. Đinh Văn Hường nói.

Thống nhất với quan điểm của PGS. TS Đinh Văn Hường, TS. Chu Mạnh Hùng - Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Luật nhấn manh: "Cần đẩy mạnh giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống cho sinh viên. Đây là việc làm quan trọng nhất để xây dựng lý tưởng, niềm tin trong mỗi sinh viên, từ đó các em tự chủ động phòng vệ và làm chủ bản thân trước mọi diễn biến của cuộc sống cũng như tác động tiêu cực của các thế lực thù địch”.

TS. Chu Mạnh Hùng cũng chia sẻ với Hội sinh viên các cấp về những khó khăn trong việc triển khai phong trào trong tình hình cải cách giáo dục hiện nay. "Trước đây chúng ta đào tạo theo niên chế, công tác đoàn và phong trào hội có nhiều thuận lợi; tuy nhiên từ khi chuyển sang đào tạo tín chỉ thì việc tổ chức các phong trào đặt ra đòi hỏi nhà trường, Đoàn thanh niên và Hội sinh viên phải có phương thức thực hiện phù hợp với điều kiện mới này. Mọi phong trào nói chung sẽ khó thành công nếu chỉ nhìn ở góc độ một chiều nếu chỉ đòi hỏi ở sinh viên mà ko có sự tham gia của các cấp uỷ, lãnh đạo nhà trường, các thầy cô tham gia" - thầy Hùng nói.

Băn khoăn về phạm vi đối tượng của phong trào “Sinh viên 5 tốt” đang hướng đến, Đỗ Thị Bích Phượng – Phó chủ tịch Hội Sinh viên Đại học Ngoại thương cho rằng, “Sinh viên 5 tốt” là phong trào để thúc đẩy sinh viên hoàn thiện bản thân nhưng hiện nay đối tượng nhắm tới mới chỉ là bộ phận các sinh viên toàn diện, như vậy các bạn sinh viên 3 tốt, 4 tốt sẽ cảm thấy nhụt chí, thiếu động lực để phấn đấu. 

Bên cạnh đó, Bích Phượng cũng thẳng thắn chia sẻ, phần lớn sinh viên chưa quan tâm đến phong trào vì chưa nhận thấy được lợi ích thiết thực sau khi đạt danh hiệu “Sinh viên 5 tốt”. Đó cũng chính là chúng ta còn yếu tại khâu tuyên truyền, lan toả các thông tin quan trọng có ảnh hưởng rất thiết thực với các bạn sinh viên khi đăng kí rèn luyện để trở thành “Sinh viên 5 tốt”.

Đồng tình với ý kiến của Phó Chủ tịch Hội Sinh viên Đại học Ngoại thương, đại biểu Ngô Tuấn Sơn – Chủ tịch Hội Sinh viên Đại học Kinh tế Quốc dân đặc biệt quan tâm đến các giải pháp để nâng cao tuyên truyền, lan toả về phong trào.

Theo Tuấn Sơn, cần có một kênh thông tin chính thức để truyền thông về phong trào, đặc biệt là trên các mạng xã hội. "Hiện nay, tại trường Kinh tế Quốc dân, các bạn muốn có thông tin về “Sinh viên 5 tốt", tìm hiểu và phản hồi về phong trào nhưng không thể tìm kiếm được gì trên internet, cũng ko có các minh chứng cụ thể về các gương “Sinh viên 5 tốt” được tuyên dương". 

Tuấn Sơn đề nghị: Sau mỗi lần tuyên dương, Trung ương Hội SVVN nên có các thông tin cung cấp cho các cấp bộ Hội cơ sở để đảm bảo truyền thông có hiệu quả hơn, góp phần giúp sinh viên nắm bắt được về phong trào và chủ động phấn đấu, đăng kí xét thưởng “Sinh viên 5 tốt”.

Cụ thể về tiêu chí, đơn giản hoá thủ tục xét chọn 

Đánh giá về tiêu chí cần có của phong trào “Sinh viên 5 tốt”, TS. Chu Mạnh Hùng - Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Luật nhận định: Các tiêu chí của “Sinh viên 5 tốt”, suy cho cùng cũng chính là những tiêu chí chuẩn đầu ra của các trường Đại học trong mục tiêu đào tạo của mình, vì trong đào tạo nhà trường sẽ trang bị cho người học đạt được các mục tiêu về đức, tài, kĩ năng, thể lực… Ban giám hiệu các nhà trường trong việc xây dựng và điều chỉnh chương trình đào tạo nên quan tâm, lồng ghép linh hoạt các nội dung của phong trào để định hướng sinh viên đạt tới các tiêu chuẩn của “Sinh viên 5 tốt”.

Kiến nghị với Trung ương Hội SVVN, thầy Hùng đề nghị: "Trong việc học hiện nay thì nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng đang rất quan trọng thì nên bổ sung thêm cho phù hợp, vì vậy cần cân nhắc xem xét bổ sung thêm 1 tiêu chí nghiên cứu tốt, tránh tư duy cũ của cơ sở đào tạo chỉ dạy và học, còn xem nhẹ nghiên cứu khoa học của người học và sinh viên". 

 
PGS.TS Lê Thị Thu Thuỷ - Phó hiệu trưởng Đại học Ngoại thương trao đổi tại chương trình
PGS.TS Lê Thị Thu Thuỷ - Phó hiệu trưởng Đại học Ngoại thương trao đổi tại chương trình

Thẳng thắn trao đổi tại hội nghị, PGS.TS Lê Thị Thu Thuỷ - Phó hiệu trưởng Đại học Ngoại thương đề nghị, Trung ương Hội SVVN cần làm rõ hơn về  tiêu chí xét chọn “Sinh viên 5 tốt” cho phù hợp với thực tế tại một số trường hiện nay. Cụ thể, hiện nay, quy định về mức điểm học tập 3,4/4 điểm đang ở mức giữa khá và giỏi,  tiêu chí về trình độ ngoại ngữ, tin học nên chuẩn hoá theo khung năng lực 6 bậc. Ngoài ra, có tiêu chí đòi hỏi sinh viên xét chọn “Sinh viên 5 tốt” phải là thành viên của các cuộc thi học thuật cấp quốc gia, quốc tế. Tuy nhiên, hiện nay có nhiều sinh viên tham gia các cuộc thi của trường nhưng mở rộng phạm vi ra toàn quốc, hoăc sinh viên tự tham gia các cuộc thi trong và ngoài nước thì có được coi đó đủ tiêu chí hay không?...

Đại biểu Ngô Tuấn Sơn – Chủ tịch Hội Sinh viên Đại học Kinh tế Quốc dân mong muốn, Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam có thể xem xét bổ sung tiêu chí khởi nghiệp tốt vào xét duyệt danh hiệu “Sinh viên 5 tốt". Ngoài ra, với các sinh viên 5 tốt đang nổi trội ở 1 tiêu chí thì nên có sự xem xét "giảm nhẹ" hơn ở các tiêu chí khác bởi khi đã có sự đầu tư tâm huyết vào 1 tiêu chí thật tốt thì cũng rất khó để hoàn thiện xuất sắc tất cả các tiêu chi còn lại.

Chia sẻ về thủ tục xét chọn danh hiệu “Sinh viên 5 tốt", PGS.TS Ngô Minh Thuỷ - Phó Hiệu trưởng Đại học Ngoại ngữ, ĐHQG Hà Nội cho rằng:  Thủ tục xét chọn “Sinh viên 5 tốt” còn rườm rà và chưa có sự kết nối thống nhất giữa các trường.

Cũng đồng quan điểm với cô Minh Thuỷ, đại biểu Đào Việt Bách - cựu sinh viên K57 Đại học Bách Khoa Hà Nội cho biết, để nộp hồ sơ bình xét “Sinh viên 5 tốt” rất cần có sự đồng hành của cán bộ Hội Sinh viên bởi nhiều bạn có đủ điều kiện  nhưng về đảm bảo giấy tờ thủ tục hành chính thì gặp nhiều khó khăn. 

Việt Bách đề xuất, nên có một website để sinh viên có thể kiểm tra xem bản thân đã có đủ những tiêu chí nào, còn thiếu gì để phấn đấu đạt “Sinh viên 5 tốt”. Bên cạnh đó, cần tổ chức thêm nhiều hoạt đông để khích lệ các bạn sinh viên còn thiếu tiêu chuẩn tiếp tục để phấn đấu đủ điều kiện xét chọn “Sinh viên 5 tốt”.

Gắn phong trào với nhu cầu thiết thực của sinh viên

Với mong muốn đẩy mạnh hiệu quả từ phong trào “Sinh viên 5 tốt" mang lại, thầy Nguyễn Quốc Tuân -  Phó hiệu trưởng Đại học Phương Đông nhấn mạnh: Phải có phương thức để cộng đồng xã hội hiểu rõ được phong trào này có giá trị như thế nào đối với xã hội. Hiện nay tiêu chí về “Sinh viên 5 tốt" được xác định là khá rộng tuy nhiên lại chưa quan tâm nhiều đến độ sâu. Nếu chỉ tuyên truyền về phong trào mà ko gắn với lợi ích thực tiễn của sinh viên và không có minh chứng cụ thể thì sinh viên sẽ không chủ động tham gia vào phong trào. 

 
 
Hoàng Duy Mạnh, sinh viên năm thứ 4, Học viện Tài chính, “Sinh viên 5 tốt" cấp Trung ương chia sẻ về câu chuyện của bản thân mình
sinh viên năm thứ 4 Hoàng Duy Mạnh Học viện Tài chính, “Sinh viên 5 tốt" cấp Trung ương chia sẻ về câu chuyện của bản thân mình

Chia sẻ từ câu chuyện của bản thân, Hoàng Duy Mạnh, sinh viên năm thứ 4, Học viện Tài chính, “Sinh viên 5 tốt" cấp Trung ương cho biết: “Ban đầu, tôi làm hồ sơ xét duyệt danh hiệu “Sinh viên 5 tốt” cấp thành phố nhưng không đạt. Lúc đó, tôi mới nhận ra danh hiệu này không hề dễ dàng đạt được chút nào. Đó cũng chính là động lực giúp tôi nỗ lực hơn nữa từ học tập đến rèn luyện, hoà nhập.

Nhờ đó, chỉ 1 năm sau tôi đã chinh phục được không chỉ ở cấp thành phố mà ở cấp Trung ương". Cũng nhờ danh hiệu “Sinh viên 5 tốt”, Duy Mạnh đã gây ấn tượng với giám đốc tuyển dụng ngay vòng nhận hồ sơ và Duy Mạnh đã vượt qua hàng trăm ứng viên để trở thành một trong hai người trúng tuyển vào thực tập sinh tại ngân hàng, hiện Duy Mạnh chỉ còn chờ bằng tốt nghiệp là sẽ chính thức đi làm.

Duy Mạnh khẳng định, danh hiệu “Sinh viên 5 tốt” với những tiêu chí khắt khe của mình rất hấp dẫn các nhà tuyển dụng. Tuy nhiên, thực tế rất ít doanh nghiệp, nhà tuyển dụng biết đến danh hiệu này. Vì vậy, cần làm tốt hơn công tác tuyên truyền để tạo sự lan tỏa sâu rộng, nhằm giúp những sinh viên 5 tốt có cơ hội tìm kiếm việc làm sau khi ra trường. 

Để tiếp tục hỗ trợ, kết nối, phát huy sinh viên đạt danh hiệu sau tuyên dương, đại biểu Đỗ Thị Bích Phượng – Phó chủ tịch Hội Sinh viên Đại học Ngoại thương cho rằng, Trung ương Hội nên có các hoạt động liên kết, cung cấp thông tin về “Sinh viên 5 tốt"để nhà tuyển dụng có thể tiếp nhận và sử dụng nguồn lực này.

Theo Bích Phượng, nên xây dựng 1 hệ sinh thái sinh viên, cập nhập đầy đủ lý lịch của sinh viên để các nhà tuyển dụng sẽ tìm tới họ. Ngoài ra, cần áp dụng công nghệ truyền thông hiện đại về phong trào “Sinh viên 5 tốt"để tiêp cận gần hơn với sinh viên cũng như lan toả trong cộng đồng về giá trị của danh hiệu trong xã hội.

Chủ tịch Hội Sinh viên Đại học Kinh tế Quốc dân Ngô Tuấn Sơn đề xuất, sẽ đẩy mạnh tuyên truyền phong trào trên mạng xã hội và tạo hiệu ứng mạnh mẽ trong xã hội. Có cách thức tuyên truyền phù hợp để dư luận thấy rằng danh hiệu “Sinh viên  tốt” là một danh hiệu cao quý, sinh viên đạt được danh hiệu này là những người vừa có tài, vừa có đức và kỹ năng phát triển toàn diện.

 
kết luận hội nghị
Đồng chí Lê Quốc Phong - Uỷ viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn, Chủ tịch Hội SVVN  cho biết, hiện nay, đã có nhiều trường Đại học coi "Sinh viên 5 tốt" như phong trào cốt lõi và là thương hiệu của nhà trường      

Tiếp thu các ý kiến tại hội nghị, đồng chí Lê Quốc Phong - Uỷ viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn, Chủ tịch Hội SVVN khẳng định, để phong trào thực sự phát triển, cấp ủy, lãnh đạo nhà trường cần xem phong trào này như một trong các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo của nhà trường. 

Bên cạnh đó, Hội Sinh viên các cấp cần đẩy mạnh, đổi mới công tác tuyên truyền để lan tỏa phong trào, giúp các bạn sinh viên thấy được giá trị của danh hiệu, lấy đó làm động lực phấn đấu, phát triển toàn diện; đồng thời, Hội SVVN tiếp tục là cầu nối để kết nối “Sinh viên 5 tốt” với các doanh nghiệp, nhà tuyển dụng trong tương lai.

Theo doanthanhnien

In Gửi Email
THỐNG KÊ TRUY CẬP

Hôm nay:

Hôm qua:

Trong tuần:

Tất cả:

ipv6 ready