Đưa nghề về buôn
Đưa nghề về buôn
Trong cái nắng nóng khô hanh của vùng biên giới Ea Súp, tại phòng kho xã Ea Lê, thầy Y Louit Ni ê vẫn tận tụy hướng dẫn từng chi tiết máy nổ nông cơ cho 30 học trò, đa số là người dân tộc thiểu số của các thôn, buôn. Cũng như thầy Louit, gần 10 năm qua, hàng trăm thầy cô giáo của các trường, trung tâm, cơ sở dạy nghề, là nghệ nhân và cả những người thợ lành nghề không quản ngại khó khăn vất vả, cần mẫn “gùi” nghề về tận buôn làng vùng sâu, vùng xa, truyền đạt cho người dân, giúp họ có việc làm phù hợp, cải thiện cuộc sống.
Anh Y Mai ở buôn Cư Canh, xã Ea Sin (xã vùng 3 của huyện Krông Búk) đang cùng gia đình dọn dẹp nhà cửa đón Tết hớn hở khoe: “Năm nay nhà mình cũng ăn Tết âm lịch, đón chào năm mới với rất nhiều cái mới như bàn ghế, tivi màn hình lớn… Tất cả là nhờ tiền bán được từ đàn heo, bò đấy. Mình rất biết ơn cô giáo Hường, cảm ơn chính sách dạy nghề của Chính phủ đã cho người dân trong buôn nâng cao nhận thức, hiểu biết về phương pháp chăn nuôi, thú y để phát huy hiệu quả lợi thế của buôn vươn lên thoát nghèo và làm giàu…” Cô giáo mà Y Mai biết ơn là Nguyễn Thị Hường, bác sĩ thú y ở thôn 9 xã Pơng Drang hợp đồng với Trung tâm dạy nghề huyện Krông Buk dạy nghề cho lao động nông thôn. Mặc dù công việc kinh doanh thức ăn gia súc, thuốc thú y và trang trại chăn nuôi với hơn 20 con heo và hàng trăm con gà của gia đình rất bận rộn nhưng cô Hường vẫn nhiệt tình tham gia dạy nghề cho bà con nông dân trong huyện. Cô Hường tâm sự: “Ban đầu được Trung tâm mời dạy nghề tôi chỉ nghĩ tham gia công tác xã hội cho vui thôi, sau này khi đã dấn thân vào nghề, mặc dù rất vất vả, khó khăn nhưng nhìn thấy thành quả của công việc mình làm - đó là sự chuyển biến trong nhận thức của bà con, áp dụng những kiến thức đã học được vào phát triển chăn nuôi cải thiện cuộc sống gia đình, nhiều học viên đã thoát nghèo, làm giàu vậy là thấy “ham”, say nghề hồi nào không hay”. Suốt 3 năm nay, không quản ngại đường xa mùa mưa trơn trượt lầy lội hay mùa khô bụi mù, cô Hường cần mẫn đi hết buôn gần, buôn xa tổ chức và dạy được 7 lớp học với hơn 200 học viên, trong đó đa số là bà con đồng bào dân tộc thiểu số. Cô Hường ấn tượng nhất là 2 lớp học ở xã Ea Sin. Trong số 60 học viên theo học thì có đến 55 người dân tộc Êđê, nhiều người trong số họ là lao động chính, trụ cột gia đình vậy mà họ rất ý thức được việc học. Suốt 3 tháng không một học viên nào bỏ học quá 3 buổi, đoàn kết, giúp đỡ nhau và chú trọng thực hành, áp dụng ngay vào việc phát triển chăn nuôi ở gia đình mình. Cũng chính vì học viên nhiệt tình mà cô giáo thấy vui, hứng khởi, truyền đạt kiến thức theo cách cầm tay chỉ việc, thậm chí đến từng nhà để vừa dạy vừa tư vấn cho họ nuôi con gì phù hợp và cần lưu ý kỹ thuật như thế nào để đạt hiệu quả cao, cách chữa trị, phòng tránh những bệnh thường gặp của loài vật mà họ nuôi. Qua khóa học, nhiều gia đình như Mí Luận, Y Mai, Ma Han … đã áp dụng nuôi heo, bò, gà có hiệu quả, không những thoát nghèo mà còn mua sắm được nhiều trang thiết bị phục vụ cuộc sống.
Cô giáo Nguyễn Thị Hường (người cúi xuống ở giữa) đang hướng dẫn
bà con xã Ea Sin (Krông Búk) cách tiêm phòng bệnh cho đàn heo
Cô giáo Huỳnh Thị Hồng Tâm, người đã truyền nghề mây tre đan cho hơn 500 học viên (đa số là chị em người dân tộc thiểu số) chia sẻ: “Xuất thân từ nông dân, chứng kiến cảnh nhiều chị em trong buôn, những lúc nông nhàn, không có việc làm, sống nghèo đói… Năm 2006 tôi quyết tâm đi học nghề đan mây tre ở Trường Cao đẳng Nghề thanh niên dân tộc Tây Nguyên. Tốt nghiệp, tôi về mở Hợp tác xã tiểu thủ công nghiệp Kim Tài ở xã Ea Knuêk (Krông Pak). Khi có chủ trương dạy nghề cho lao động nông thôn, tôi đã đăng ký hợp đồng với các cơ sở dạy nghề và tự mình đến các buôn làng trên địa bàn Krông Pắk, Krông Bông, Lắk, Krông Năng, Ea H’leo, Ea Kar… vận động bà con, mở lớp”. Điều quan trọng nữa là sau khi truyền nghề, cô Tâm cung cấp nguyên vật liệu và thu mua sản phẩm cho bà con. H’Mon Niê ở buôn K’nia (xã Tân Tiến, huyện Krông Pak) cho biết, từ khi được cô Tâm dạy nghề đan mây tre, gia đình em đã thoát nghèo. Công việc không mấy vất vả lại tận dụng được thời gian rảnh rỗi của cả nhà vào buổi tối. Nhờ vậy mà mỗi tháng có thu nhập thêm hơn 2 triệu đồng. Trước đây, gia đình H’Mon thuộc diện nghèo nhất trong buôn vì cha mất sớm, mẹ ốm yếu, nhà lại không có nương rẫy. Là chị cả của 6 đứa em, nên gánh nặng mưu sinh dồn hết lên đôi vai H’Mon. Hằng ngày, H’Mon và mẹ phải đi làm thuê, cuốc mướn lấy tiền nuôi cả nhà nhưng cuộc sống vẫn đói kém quanh năm. Tháng 7-2008, được tin có lớp dạy nghề đan mây tre cho lao động nông thôn ngay trong buôn của mình, H’Mon rủ thêm mấy người bạn thân cùng đi học. Sau 15 ngày làm quen với những vật liệu mây, tre… H’Mon đã có thể đan được một cái giỏ hoàn chỉnh. Sau một tháng học nghề, sản phẩm của H’Mon cùng một số bạn học giỏi khác trong lớp đã được cô giáo thu mua và trả tiền công… Nghề mây tre đan cũng đã mang lại niềm vui và thu nhập cho cô gái tật nguyền H’Tiêm Ayun ở buôn Kwang (xã Ea Knuêk, huyện Krông Pắk), hoặc gia đình H’Lỹ Ktul ở xã Ea Kao (TP. Buôn Ma Thuột) cùng nhiều chị em khác… Chị H’Bla, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Ea Knuêc (huyện Krông Pắk) ghi nhận: Trong số các nghề thủ công thì nghề mây tre đan đã thu hút số đông chị em theo học và làm nghề thành thục. Cô Tâm của HTX mây tre đan Kim Tài đã tổ chức được 3 lớp cho hơn 100 chị em dân tộc thiểu số tại chỗ ở 3 buôn: Kreb, Kang và Riêng A. Sau 3 tháng học nghề, chị em đã có thêm việc làm lúc nông nhàn, nhiều chị có thu nhập ổn định từ 700.000-1,5 triệu đồng/tháng. Có nghề trong tay, các bà mẹ dạy lại cho con cái làm thêm, tăng thu nhập đáng kể, góp phần giải quyết việc làm tại chỗ và thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo…
Ông Phan Trọng Tùng Trưởng phòng Lao động và dạy nghề (Sở LĐTB&XH) cho biết: “Thỉnh thoảng chúng tôi về các buôn nắm tình hình thực tế, hỏi già làng cần nghề gì, chúng tôi sẽ mở lớp dạy nghề đó. Vì phát triển ngành nghề theo nhu cầu nên học viên học xong đa số đều có việc làm phù hợp. Thấy các tiệm sửa chữa điện máy, tiệm may, tiệm mộc… của học trò mình đông khách, chúng tôi hạnh phúc vô cùng. Hiện cả tỉnh có hơn 20 cơ sở với hơn 600 thầy cô giáo tham gia dạy nghề cho lao động nông thôn. Từ năm 2006 đến nay đã có hơn 23.000 lao động người dân tộc thiểu số được đào tạo các nghề như: sửa chữa máy nông nghiệp, kỹ thuật chăn nuôi thú y, kỹ thuật trồng trọt và bảo vệ thực vật, đan mây tre, dệt thổ cẩm, may dân dụng, sửa chữa xe gắn máy, xây dựng dân dụng, sửa chữa máy nông nghiệp, điện dân dụng... ”. Tại các nơi mở lớp, thầy cô giáo khắc phục mọi khó khăn, chủ yếu dùng hội trường UBND xã hoặc nhà sinh hoạt cộng đồng để thuận lợi trong công tác giảng dạy nghề cho thanh niên. Các thầy cô giáo về cơ sở dạy nghề còn phải làm công tác dân vận, động viên gia đình, học viên nỗ lực học tập, tạo điều kiện cho học viên yên tâm tiếp thu kiến thức để có một nghề tạo lập cuộc sống. Việc “gùi” nghề về với buôn làng của các thầy cô giáo đã góp phần tạo điều kiện cho hàng nghìn thanh niên dân tộc thiểu số có nghề, có việc làm, cải thiện đời sống, tăng thêm thu nhập cho gia đình, xã hội.
Theo baodaklak.vn