Thứ ba, ngày 26 tháng 11 năm 2024
Cập nhật lúc: 25/01/2021

Ngay những ngày trước thềm Đại hội XIII của Đảng, trong cái se lạnh của khí trời mùa đông Tây Nguyên, chúng tôi tìm đến một số buôn, làng đồng bào Ê Đê ở Đắk Lắk và đã được những người dân tại đây chia sẻ suy nghĩ, niềm tin vào thành công của Đại hội lần này.

Ông Y Ngoan Ê Ban- Trưởng buôn Croa C, xã Cuôr Đăng, huyện Cư M'gar, tỉnh Đắk Lắk.

Tại buôn Croa C, xã Cuôr Đăng, huyện Cư M'gar, tỉnh Đắk Lắk, chúng tôi  được ông Y Ngoan Ê Ban- Trưởng buôn  cho biết: Bà con Ê Đê trong buôn đều biết, Đại hội XIII của Đảng sẽ diễn ra từ ngày 25/1 tới đây.

“Đây là sự kiện chính trị trọng đại của Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta. Đại hội sẽ bầu ra những người có tài, có đức, có uy tín, trách nhiệm và giàu kinh nghiệm để lãnh đạo Đảng, đất nước; đưa ra các chủ trương, chính sách mới nhằm tiếp tục đẩy mạnh sự phát triển đất nước trong những năm tới. Chính vì thế, mọi người dân Ê Đê trong buôn rất tin tưởng và mong chờ, Đại hội sẽ diễn ra thành công và có nhiều quyết sách mới để giúp đồng bào có cuộc sống tốt đẹp hơn, bộ mặt buôn làng ngày càng thay đổi”- ông Y Ngoan Ê Ban cho biết.

Ông Y Ngoan Ê Ban cũng bày tỏ: “Tôi có lời gửi gắm đến Đảng, Nhà nước quan tâm nhiều hơn đến người dân tộc thiểu số nói chung, người Ê Đê nói riêng. Từ đó, tạo nhiều thuận lợi để buôn làng thay đổi, xây dựng nông thôn mới ngày một khang trang, cuộc sống ấm no hơn”.

Ông Y To Aliô- người có uy tín trong đồng bào Ê Đê xã Hòa Xuân, TP. Buôn Ma Thuột

Trong khi đó, tại xã Hòa Xuân- TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, ông Y To Aliô- người có uy tín trong cộng đồng đồng bào Ê Đê của xã cho biết: Đa số đồng bào Ê Đê xã Hòa Xuân đều sống chủ yếu bằng nông nghiệp. Hiện tuy cuộc sống của đồng bào đã có nhiều chuyển biến tích cực nhưng vẫn còn nhiều khó khăn. “Vì thế tôi mong sau Đại hội, Đảng, Nhà nước sẽ có thêm các chính sách hỗ trợ và bình ổn giá cả, giúp bà con sau này có cuộc sống tốt hơn”- ông Y To Aliô bày tỏ.
 

Còn tại buôn Buôr, xã Hòa Xuân, TP. Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk), ông Y Niwa- Bí thư chi bộ buôn cho rằng: Tây Nguyên hiện nay đã phát triển hơn rất nhiều so với trước đây, nhưng vẫn chưa bằng các địa phương khác ở đồng bằng và nhiều vùng miền khác. Ông mong muốn, từ thành công của Đại hội, Đảng và Nhà nước sẽ đưa ra nhiều quyết sách mới để đưa Tây Nguyên phát triển.

Ông Y Niwa- Bí thư chi bộ buôn Buôr, xã Hòa Xuân, TP. Buôn Ma Thuột.

Ông Y Niwa kỳ vọng: “Qua Đại hội này sẽ có những chủ trương, chính sách thiết thực hơn nữa để đưa kinh tế, văn hóa, xã hội vùng Tây Nguyên được nâng lên, ngang bằng với các địa phương khác trên cả nước. Và tôi cũng mong rằng, Đại hội XIII sẽ bầu ra được những đồng chí có tâm, có tầm với công việc để vùng Tây Nguyên phát triển hơn”.

Đến thăm buôn Tơng Jú, xã Ea Kao, thành phố Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk), chúng tôi gặp bà H’Yam Bkrông- Giám đốc Hợp tác xã dệt thổ cẩm Tơng Bông của buôn này và được bà cho hay: Đồng bào dân tộc Ê Đê ở Tây Nguyên theo chế độ mẫu hệ, người phụ nữ làm chủ gia đình. Một trong những công việc chính của người phụ nữ Ê Đê là dệt thổ cẩm để lo cái mặc cho toàn bộ các thành viên trong gia đình. Vì vậy, nghề dệt thổ cẩm đã gắn bó bao đời nay với người phụ nữ Ê Đê. Đặc biệt, Hợp tác xã dệt thổ cẩm Tơng Bông do bà làm chủ đã ra đời và hoạt động hơn 17 năm qua, giúp bảo tồn nghề dệt thổ cẩm của đồng bào Ê Đê, vừa giải quyết việc làm cho nhiều lao động, nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống các thành viên, người lao động của Hợp tác xã.

Bà H’Yam Bkrông- Giám đốc Hợp tác xã dệt thổ cẩm Tơng Bông, buôn Tơng Jú, xã Ea Kao, thành phố Buôn Ma Thuột.

“Tuy nhiên, hiện Hợp tác xã vẫn cần nhiều hỗ trợ từ chính quyền và xã hội để mở rộng quy mô phát triển, mở rộng thị trường và thu hút thêm lao động. Tôi kỳ vọng Đại hội Đảng lần này sẽ thành công như mong đợi và sau Đại hội, Đảng sẽ có nhiều quyết sách mới giúp phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số cũng như có nhiều cơ chế hỗ trợ để đồng bào bảo tồn các giá trị văn hóa, phát triển kinh tế. Trong đó Hợp tác xã của tôi cũng như các mô hình kinh tế trong đồng bào dân tộc thiểu số sẽ được Nhà nước ưu đãi, hỗ trợ thêm vốn để mở rộng quy mô sản xuất, đồng thời giúp đầu ra cho sản phẩm và không chỉ mở rộng ra khỏi địa bàn Tây Nguyên hay một số tỉnh, thành trong nước mà vươn ra xuất khẩu các thị trường nước ngoài”- bà H’Yam Bkrông kỳ vọng./.

Theo dangcongsan.vn

In Gửi Email
THỐNG KÊ TRUY CẬP

Hôm nay:

Hôm qua:

Trong tuần:

Tất cả:

ipv6 ready