Độc đáo tục thách cưới của người Mường
Họ nhà trai đem lễ vật sang nhà gái. |
Làm theo lệ xưa, chiều 5-4 (nhằm ngày 17-2 âm lịch năm Ất Mùi), gia đình ông bà Nguyễn Văn Cừ - Bùi Thị Định (người Mường Khụ) cùng ông mối và 3 người đàn ông trong họ mang lễ vật gồm 2 chai rượu, hai hộp bánh, 2 hộp trà sang thăm nhà ông bà Nguyễn Văn Phú - Bùi Thị Hiền (người Mường Thàng) để xin hỏi con gái họ Mường Chăm Vát cho con trai. Tại lễ dạm ngõ, thay mặt nhà trai, ông mối xin phép nhà gái cho ngày đi quà lớn (lễ hỏi), ngày cưới; cho biết yêu cầu về quà lớn, quà cưới. Nhà gái đưa ra điều kiện “cách của”(tiếng Mường có nghĩa là thách cưới), gồm: 6 triệu đồng tiền nát, con heo nặng 60 kg, 60 kg gạo nếp, 1 nén bạc 6 lạng (đeo cho cô dâu). Nhà trai phải đưa đủ lễ vật, họ nhà gái sẽ trải thảm đỏ đón tiếp vào nhà, nếu không đủ sẽ không gả con gái. Thấy yêu cầu của nhà gái vượt quá khả năng của gia đình, ông Cừ nhờ ông mối thương lượng: “Năm nay thời tiết khô hạn, mất mùa, giá cả tăng cao xin họ nhà gái gia giảm bớt lễ vật”. Đại diện họ nhà gái tiếp lời: “Họ Mường Chăm Vát chúng tôi đông, bà con bên mẹ cô dâu nhiều, quà cưới trên quá ít so với dòng họ hai bên nội ngoại đến ăn cưới”. Sau một lúc bàn bạc, không đưa ra được lý do gì hợp lý, ông mối nói: “Xin nghe theo lời đề nghị của họ nhà gái, gia đình chúng tôi sẽ bàn bạc, thống nhất ngày đi quà lớn, quà cưới, sẽ báo lại cho họ nhà gái”. Ông Nguyễn Văn Phú (bố cô dâu) cho biết: “Người Mường rất coi trọng việc thách cưới. Qua lễ vật thách cưới thể hiện sự tôn trọng của nhà trai đối với công lao sinh thành và nuôi dưỡng con gái của phía nhà thông gia. Lễ vật cũng thể hiện sự trân trọng của nhà trai đối với nhà gái và để đền đáp công ơn bố mẹ cô dâu đã sinh con, nuôi dạy lớn khôn đến ngày dựng vợ gả chồng”.
Đại diện họ nhà trai “thương lượng” với nhà gái xin vào cổng tơ hồng. |
Cũng như lễ dạm, lễ ăn hỏi diễn ra vào buổi chiều ngày hôm sau (ngày 6-4, nhằm ngày 18-2 âm lịch). Đúng 15 giờ, gia đình ông Cừ gồm ông mối, bố mẹ chú rể, chú rể, họ hàng khoảng 20 người mặc trang phục truyền thống đem theo phong bì đựng tiền, rượu, trà, đường, bánh chưng, trầu cau... sang nhà cô dâu để làm lễ ăn hỏi (lễ vật đáp ứng việc thách cưới của nhà gái đã được ông mối và 10 thành niên đem sang nhà gái lúc 8 giờ sáng). Khi họ nhà trai đến gần tới cửa, gia đình ông Phú cho tấu bài chiêng chào mừng. Bài chiêng kết thúc, ông mối nhà trai nói: “Hôm nay, được sự đồng thuận của hai gia đình, họ Mường Thịnh Lang mang lễ vật đến xin hỏi con gái nhà họ Mường Chăm Vát, xin mời nhà gái nhận lễ”. Nhà gái nhận lễ vật, cử bà thím đưa cô dâu từ trong phòng ra chiếc chiếu được trải trước bàn thờ để lạy chào họ nhà trai. Thầy mo làm lễ cúng thông báo với tổ tiên về việc con cháu nên duyên vợ chồng. Tiếp đó, nhà trai trao cho cô dâu nén bạc. Giống như nghi thức trong lễ cưới, hỏi của người Việt, nhà gái lại quả một phần lễ vật mà nhà trai mang qua làm lễ hỏi sau khi dự ăn cổ, cùng hát đối đáp, trò truyện vui vẻ.
Đúng 9 giờ ngày 7-4, gia đình ông Cừ (khoảng 40 người, gồm ông mối, bố mẹ, họ tộc nội, ngoại chú rể) chuẩn bị hai chai rượu, giỏ trái cây, bì thư sang nhà gái dự lễ vu quy. Nhà gái giăng dây tơ hồng trước cổng, phía bên trong là những chàng trai, cô gái tuổi mười chín,
đôi mươi tay bưng hộp trầu chào mời nhà trai xin lễ (tiền) vào cổng tơ hồng. Vừa đến cổng, ông mối nói: “Thưa với họ tộc Mường Chăm Vát (họ bố cô dâu) và họ Mường Thàng (họ mẹ cô dâu), hôm nay ngày đẹp, họ Mường Thịnh Lang đến xin hỏi cưới con gái”.
Đại diện nhà gái trình đĩa trầu, cau và nói: “Từ Thịnh Lang qua núi Khụ (Mường Khụ) đến ruộng đồng Mường Thàng đi ra thành phố Mường Chăm Vát, theo tục lệ quê thói, nghe nói chàng trai họ tộc Nguyễn Bùi đến xin cưới cô gái Mường Chăm Vát, chúng tôi xin đóng cổng tơ hồng để lấy duyên con gái”.
Cô dâu, chú rể làm lễ gia tiên. |
Ông mối: Vâng! theo phong tục tập quán, xin quý ông, bà cho phép.
Nhà gái: Theo phong tục ngày xưa để lại đi làm rể quan sáu, đi làm dâu quan năm, muốn vào cửa tơ hồng, nhà trai Nguyễn Bùi phải có đủ sáu quan tiền vàng mới được vào cửa tơ hồng.
Ông mối: Vì đường sá xa xôi, chúng tôi đến đây xin cưới con gái Mường Chăm Vát, chỉ có 2 quan tiền vào cửa tơ hồng.
Nhà gái: Không được, phải đủ sáu quan
Ông mối đưa thêm tiền bỏ vào đĩa trầu cau theo đúng yêu cầu của nhà gái.
Nhà gái: Họ tộc Nguyễn Bùi đã có đủ sáu quan vào cửa, họ nhà gái xin mở cửa tơ hồng để đón bố mẹ chồng, dòng họ nhà chú rể vào nhà nghỉ mệt, uống nước, ăn trầu, trình lễ cưới cho cho con.
Khi nhà gái mở cổng tơ hồng, đại diện nhà trai bày lễ vật lên bàn thờ nhà gái, thầy cúng thông báo với tổ tiên nhà gái về sự kiện trọng đại này. Lễ gia tiên được cử hành trang trọng, trước sự chứng kiến, chúc phúc của bố mẹ, dòng họ, bà con lối xóm.
Đúng 9 giờ sáng ngày 8-4, nhà trai gồm 7 người (đi lẻ để sau khi đón cô dâu sẽ chẵn), với các lễ vật: 1 cặp rượu, 1 cặp gà (trống, mái), xôi sang nhà gái xin rước dâu. Sau khi trình báo tổ tiên bà mụ dâu dẫn cô dâu ra lạy tổ tiên và bố mẹ đẻ để đi làm dâu. Sau đó dắt cô dâu ra cửa, đội nón dâu lên đầu đi theo chú rể về nhà chồng. Trong suốt quá trình đó, không ngoái đầu nhìn lại nhà vì sợ mai mốt không làm dâu được phải quay về với bố mẹ đẻ. Nét độc đáo trong lễ rước dâu là đến cổng nhà chồng, nhà trai cử bà mụ dâu dẫn cô dâu từ ngoài đường vào đến chân cầu thang (hoặc bậc tam cấp) có để sẵn một chiếc lu đựng đầy nước. Bà mụ dâu dùng chiếc gáo múc nước rửa chân cho cô dâu, sau đó dẫn cô dâu đi thẳng vào bếp lạy Vua bếp (ông táo của người Việt) nhằm cầu xin thần bếp chỉ bảo để gia đình được ấm êm, hạnh phúc. Sau đó, cô dâu chú rể mới làm lễ gia tiên, từ đây, cô dâu Nguyễn Thị Thu Trân được nhà chồng đặt tên theo gia phong của gia đình chồng. Chú rể Nguyễn Văn Thuyên chia sẻ: “Quá nhiều nghi thức trong lễ cưới truyền thống khiến hai vợ chồng mệt nhoài, nhưng thấy vui, hạnh phúc. Chúng tôi được thỏa nguyện mong ước là có một lễ cưới ý nghĩa, trang trọng với đầy đủ lễ nghi truyền thống của dân tộc mình. Hồi hộp nhất là lúc ông mối “thương lượng” với đại diện họ nhà gái để được vào cổng tơ hồng. Em cứ sợ việc “thương lượng” không thành... sẽ không cưới được vợ. Ba ngày sau lễ cưới, con rể Nguyễn Văn Thuyên đưa vợ về thăm bố mẹ, cảm ơn bố mẹ vợ. Gia đình vợ làm cơm mời con rể ăn, chúc mừng đôi vợ trẻ trăm năm hạnh phúc.
“Điều đáng trân trọng nhất là quan hệ cộng đồng được thể hiện đậm nét qua lễ cưới truyền thống Mường. Ở đó có sự ứng xử khéo léo, đề cao các nghi thức trong mối quan hệ con người với con người, con người với xã hội, tạo điều kiện cho đôi vợ chồng trẻ biết tôn trọng nhau và củng cố mối quan hệ chồng vợ bền chặt hơn. Đây chính là ý nghĩa đích thực của tục cưới hỏi truyền thống của người Mường trong đời sống hiện đại hôm nay. Độc đáo nhất trong tục cưới hỏi Mường là nghi thức lạy tổ tiên, lạy bố mẹ, họ hàng hai bên để tri ân công đức của tổ tiên, ơn nghĩa sinh thành, giáo dục của bố mẹ, họ mạc”, ông Nguyễn Hữu Chuyên, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa TP. Buôn Ma Thuột cho biết. |
Theo baodaklak