Diễn đàn “Thực thi pháp luật, chính sách đối với thanh niên và đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Thanh niên năm 2005”
Đồng chí Nguyễn Long Hải, Bí thư Trung ương Đoàn, Phó Chủ nhiệm thường trực Ủy ban quốc gia về thanh niên Việt Nam, đồng chí Nguyễn Văn Tuyết, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, Ủy viên Ủy ban quốc gia về thanh niên Việt Nam đồng chủ trì hội nghị diễn đàn.
Đồng chí Nguyễn Long Hải, Bí thư Trung ương Đoàn, Phó Chủ nhiệm thường trực Ủy ban quốc gia về thanh niên Việt Nam phát biểu tại diễn đàn |
Phát biểu tại diễn đàn, đồng chí Nguyễn Long Hải, Bí thư Trung ương Đoàn, Phó Chủ nhiệm thường trực Ủy ban Quốc gia vềthanh niên Việt Nam cho biết hệ thống văn bản pháp luật, chính sách và việc thực thi pháp luật, chính sách thanh niên hiện vẫn còn một số hạn chế: Việc ban hành văn bản hướng dẫn thiếu kịp thời, chưa cụ thể. Chính sách thanh niên hầu hết được lồng ghép trong chính sách, chiến lược, chương trình, dự án của các ngành, địa phương nên thiếu chủ động, không có nguồn lực riêng. Sự quan tâm của các địa phương, các cấp, các ngành không đồng đều dẫn đến một số quy định pháp luật, chính sách đối với thanh niên và công tác thanh niên chưa được thực thi đầy đủ.
Bên cạnh đó, sự phối hợp giữa các bộ, ngành, chính quyền và Đoàn Thanh niên các cấp trong việc thực thi chính sách đối với thanh niên còn thiếu chặt chẽ, nhiều chương trình phối hợp liên tịch thực hiện chính sách thanh niên mới chỉ dừng lại ở cấp Trung ương, cấp tỉnh, huyện còn gặp khó khăn. Công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật cho thanh niên chưa được đầu tư thỏa đáng.
Tại diễn đàn, các đại biểu đã tập trung thảo luận, nêu ý kiến đánh giá về việc thực hiện chính sách, pháp luật đối với thanh niên trong bốn lĩnh vực: Học tập, việc làm, vui chơi giải trí và tiếp cận thông tin. Qua đó, những khó khăn bất cập trong quá trình thực thi chính sách, pháp luật đang gặp phải tại địa phương cũng được phản ánh. Từ đó, thanh niên bàn thảo, đề xuất kiến nghị các nội dung cơ chế, chính sách đổi với thanh niên cần phải có sự điều chỉnh, bổ sung, xây dựng mới để cơ quan có thẩm quyền xem xét trong quá trình xây dựng sửa đổi, bổ sung Luật Thanh niên 2005.
Anh Nguyễn Đình Thung (Phú Thọ) cho rằng, việc chọn nghề, học nghề của thanh niên hiện còn bất cập. Có nhiều trường nghề chiêu sinh nhưng thanh niên không biết chất lượng thế nào để quyết định nộp hồ sơ theo học.
Anh Nguyễn Hải Minh, Phó Bí thư đoàn khối Doanh nghiệp Trung ương đề xuất, tại Điều 6 Nghị định 120 có quy định về một số đối tượng thanh niên được hưởng chính sách ưu đãi về học nghề và giải quyết việc làm như thanh niên thuộc hộ nghèo, thanh niên nông thôn, đã hoàn thành nghĩa vụ quân sự… Tuy nhiên, những đối tượng trên chưa phủ hết các đối tượng thanh niên có hoàn cảnh khó khăn cần hỗ trợ về học nghề, hoặc học nghề mới như thanh niên công nhân tại các doanh nghiệp đã bị cắt giảm lao động hoặc phá sản. Những đối tượng thanh niên công nhân này mặc dù đã được học nghề, đã có chuyên môn nghề nghiệp nhưng hiện bị thất nghiệp và có nhu cầu được học nghề mới để tìm kiếm công việc mới. Họ cũng có hoàn cảnh khó khăn nhưng chưa được xét là hộ nghèo nên cũng không được hưởng ưu đãi của chính sách. Phó Bí thư đoàn khối Doanh nghiệp Trung ương kiến nghị bổ sung thêm đối tượng thanh niên công nhân bị thất nghiệp vào các đối tượng được hưởng chính sách ưu đãi về học nghề và giải quyết việc làm cho thanh niên.
Đại biểu phát biểu tham luận tại diễn đàn |
Đại diện cho thanh niên Quảng Ninh, chị Khiếu Thị Nhàn nhấn mạnh:“Cần đẩy mạnh chính sách hỗ trợ thanh niên, đặc biệt chính sách vay vốn nhằm tạo điều kiện cho thanh niên tham gia vào quá trình phát triển kinh tế. Thực hiện tốt các chương trình, mục tiêu giải quyết việc làm cho thanh niên, đặc biệt là thanh niên nông thôn, trong đó có các chương trình thanh niên tình nguyện tham gia xây dựng các công trình trọng điểm quốc gia hoặc các dự án lớn của nhà nước. Nâng cao vai trò của nhà nước, tạo khuôn khổ, pháp luật, tổ chức, kiểm tra thực hiện và giám sát, tạo điều kiện cho thanh niên tự tạo việc làm hoặc tham gia thị trường lao động”.
Sau 2 ngày diễn ra diễn đàn (29-30/9), đại diện các bộ, ngành, tỉnh thành và hơn 100 ban thanh niên đến từ 13 tỉnh tỉnh thành trong cả nước đã thảo luận sôi nổi, nhiều ý kiến đến từ các địa phương có chung quan điểm, chỗ vui chơi cho thanh niên còn nghèo nàn. Thanh niên không biết chơi ở đâu, chỉ xoay quanh game, internet là chủ yếu, nếu không có sự định hướng một bộ phận thanh niên sẽ dễ sa đà vào các web đen...
Theo: doanthanhnien.vn