Điểm sáng trong phong trào "sáng tạo trẻ"
Trực tiếp tham quan một số đề tài tốt nghiệp của sinh viên như: mô hình hệ thống đỗ xe ôtô con tự động dùng PLC S7 - 200; máy đột dập bằng khí nén, hệ thống điều hòa không khí 2 chiều trên xe ôtô, điều khiển hệ thống giám sát nhiệt độ, hệ thống thu sét… chúng tôi mới có thể hiểu rõ hơn về nguyên lý hoạt động của các mô hình cũng như sự sáng tạo của những người làm ra chúng. Đây là những đề tài tập trung nhiều vào lĩnh vực công nghệ mới, có thiết kế khoa học, thẩm mỹ, thi công cẩn thận và được đánh giá là có tính ứng dụng cao có thể phục vụ cho công tác dạy học, nghiên cứu và sử dụng trong cuộc sống. Thầy Vũ Văn Minh, giảng viên Khoa Cơ khí - Xây dựng cho biết: “Đa số các mô hình do học sinh, sinh viên tự làm đều được sử dụng vào công tác giảng dạy của khóa sau. Nếu lúc trước, sinh viên chỉ được hình dung và thực hành trên những mô hình nhỏ lẻ, thiếu tính bao quát thì với mô hình hiện tại, các em có hứng thú và tiếp thu nhanh hơn, dễ dàng kết hợp kiến thức của bài giảng để vận dụng trong thực tiễn”.
Giảng viên Trường Cao đẳng nghề Đắk Lắk giới thiệu mô hình hệ thống đỗ xe ôtô con tự động cho sinh viên.
Xác định lấy chất lượng, hiệu quả dạy nghề là mục tiêu hàng đầu để phấn đấu, bảo đảm cho học sinh, sinh viên tốt nghiệp ra trường có kỹ năng, đáp ứng được yêu cầu ngày càng khó tính của thị trường lao động, nên trong điều kiện trang bị cơ sở vật chất, đồ dùng dạy học còn khó khăn, trường đã đẩy mạnh phong trào sáng kiến, cải tiến kỹ thuật như là một trong những giải pháp ưu tiên để thúc đẩy, tạo động lực đổi mới phương pháp giảng dạy và học tập. Các hội thi: Sáng tạo Khoa học - Công nghệ (KHCN) cấp tỉnh, Học sinh sinh viên giỏi nghề, khóa luận tốt nghiệp hay phong trào “Mô hình thiết bị đào tạo tự làm” là những hoạt động thiết thực, bổ ích, thể hiện tính giáo dục, xã hội hóa sâu sắc, đồng thời khích lệ, động viên học sinh, đoàn viên thanh niên hăng say học tập, nghiên cứu, tiếp cận, nắm bắt thông tin, kỹ thuật mới...
Qua đó phát hiện, bồi dưỡng kịp thời nhiều tài năng trẻ có năng khiếu về KHCN. Trong 3 lần dự Hội thi Robocon do Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức, đội thi của trường đã có 2 lần vượt qua vòng loại để tham gia Vòng chung kết toàn quốc và đoạt giải triển vọng (2010), nhất bảng A khu vực Tây Nguyên (năm 2012). Hội thi “Thiết bị dạy nghề tự làm toàn quốc” cũng là hoạt động góp phần thúc đẩy phong trào “Sáng tạo trẻ” tại đơn vị. Năm 2013, trường có 6 sản phẩm tham gia hội thi và đã mang về 6 giải thưởng, trong đó có giải Nhất, Nhì, Ba và giải Khuyến khích…
Anh Đậu Đình Sáng, Bí thư Đoàn Trường Cao đẳng nghề Đắk Lắk cho biết, thời gian tới, Đoàn trường sẽ tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền cũng như tập huấn kỹ năng viết đề tài, giải pháp và mô hình dự thi cho các tổ chức cơ sở Đoàn trong nhà trường; đồng thời động viên, khuyến khích đoàn viên thanh niên tích cực tham gia đề xuất sáng kiến, sáng chế, cải tiến kỹ thuật, các ứng dụng khoa học kỹ thuật và giới thiệu các mô hình hay, cách làm tốt để cổ vũ, tôn vinh và học tập lẫn nhau.
Theo baodaklak