Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hoà Bình phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.

Phát huy tiềm năng "thủ phủ" của Tây Nguyên

Đây là khuyến nghị được PGS.TS Trần Đình Thiên - Thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam đưa ra. PGS.TS Trần Đình Thiên cho rằng, Đắk Lắk có nhiều tiềm năng phát triển, nhất là những lợi thế về tài nguyên thiên nhiên, đất đai rất thuận lợi để phát triển nông nghiệp với các cây chủ lực như cà phê, hồ tiêu, cao su, bơ… và mở rộng ngành chăn nuôi. Đắk Lắk cũng là tỉnh có tiềm năng phát triển năng lượng tái tạo. Ngoài thuỷ điện dồi dào nhưng gần như đã “tận khai” thì Đắk Lắk rất giàu tiềm năng về điện gió (tổng công suất dự kiến khoảng 1.400 MW), điện mặt trời (95 GWh/năm); điện sinh khối khá dồi dào với năng lượng sinh khối từ bã mía (gần 8 triệu tấn), từ cuống sắn (2,5 triệu tấn) ...

Bên cạnh đó, Đắk Lắk cũng có nhiều tiềm năng phát triển công nghiệp chế biến bởi thế mạnh sản xuất nông nghiệp từ các cây công nghiệp dài ngày. Đồng thời, ngành chế biến thực phẩm và đồ uống hiện đang là ngành có lợi thế phát triển, chiếm trên 60% tổng giá trị sản xuất công nghiệp chế biến, gần 50% tổng giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh, bao gồm các chế phẩm từ cà phê, hạt điều, ca cao, tiêu, cao su, bơ, hoa quả, thịt và sữa.

“Khi nhắc đến Đắk Lắk, mọi người đều biết rằng nơi đây có nhiều tiềm năng to lớn để phát triển du lịch. Với lợi thế là địa phương sở hữu nhiều cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp với những sông, núi, ao, hồ, ghềnh, thác… và những cánh rừng nguyên sinh, vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên. Đắk Lắk còn có một nền văn hoá giàu bản sắc và độc đáo, đã mang đến cho địa phương thế mạnh du lịch hiếm có. Ngoài ra, Đắk Lắk cũng có một lợi thế phát triển “động” thuộc loại “hiếm” và “độc” đặc biệt quan trọng. Đó là vị thế “Thủ phủ Tây Nguyên” của TP.Buôn Ma Thuột... Điều này cho thấy Buôn Ma Thuột của Đắk Lắk có điều kiện thuận lợi và đặc biệt đã được chọn, được định vị để đóng vai trò chức năng một trung tâm phát triển vùng” - PGS.TS Trần Đình Thiên nhận định.

“Tuy nhiên, có một thực tế làm chúng ta thấy không thoả mãn, chưa yên lòng về cách thức tạo dựng tương lai của vùng đất này. Một số liệu tổng quan minh chứng cho điều đó là GDP/người năm 2018 của Đắk Lắk mới đạt 41,1 triệu đồng, thấp hơn so với mức trung bình của cả nước (cả nước là 58,5 triệu đồng). Mặc dù đó là một thành tích không tồi, song không thể nói đó là kết quả mong đợi và đã đáp ứng yêu cầu của công cuộc phát triển hiện đại” - PGS.TS Trần Đình Thiên nhấn mạnh”- PGS.TS Trần Đình Thiên chia sẻ thêm.

Uỷ viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Xuân Cường cho rằng, Đắk Lắk có nhiều lợi thế về thiên nhiên, khí hậu, thổ nhưỡng để phát triển cây công nghiệp, cây ăn quả và cây dược liệu. Phát huy những lợi thế của mình, Đắk Lắk đang hướng đến một nền nông nghiệp đặc hữu, mang lại giá trị kinh tế lớn. Trong thời gian tới, yêu cầu đặt ra là Đắk Lắk phải tiến đến xây dựng ngành công nghiệp chế biến, ưu tiên chế biến những mặt hàng chủ lực, tạo ra giá trị lớn. Đồng thời, Đắk Lắk cũng tiếp tục có bước đi đúng hướng là dịch vụ và du lịch. Ngoài ra, nếu như trước đây vùng đất này với nhiều nắng và gió - yếu tố được xem là khó khăn - thì nay phải nhìn nhận lại, phải biến nắng và gió thành lợi thế để phát triển năng lượng tái tạo là năng lượng mặt trời và năng lượng gió.

PGS.TS Trần Đình Thiên trao đổi tại Hội nghị.

Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư

Theo Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk Phạm Ngọc Nghị, trong 5 năm qua, kinh tế - xã hội của Đắk Lắk có bước phát triển vượt bậc, quy mô và chất lượng của nền kinh tế tiếp tục được nâng lên. Cơ cấu kinh tế đã có bước chuyển dịch khá, từng bước giảm dần tỷ trọng khu vực nông - lâm - thuỷ sản; tăng dần tỷ trọng khu vực công nghiệp - xây dựng và khu vực dịch vụ; tăng trưởng bình quân hằng năm từ 8,5 đến 9%, đặc biệt sản xuất nông nghiệp đang tập trung theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả gắn với nhu cầu thị trường, bước đầu đã phát huy được tiềm năng, lợi thế của tỉnh.

“Xác định môi trường đầu tư là yếu tố hàng đầu, quyết định đến kết quả thu hút đầu tư vào tỉnh, Đắk Lắk đã triển khai nhiều hành động cụ thể, quyết liệt nhằm cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư; công khai, minh bạch thông tin đến nhà đầu tư; cập nhật đầy đủ hệ thống quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn” - Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk Phạm Ngọc Nghị chia sẻ thêm.

Đồng tình với quan điểm trên của lãnh đạo tỉnh Đắk Lắk, theo Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hoà Bình, nhờ những nỗ lực đồng bộ về nhiều mặt, đặc biệt là cải thiện môi trường đầu tư ngày càng thuận lợi hơn cho nhà đầu tư mà từ năm 2014 đến nay, Đắk Lắk đã thu hút được 294 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt trên 25 nghìn tỷ đồng. “Đáng chú ý là những dự án đầu tư tập trung đúng định hướng về phát triển nông nghiệp, năng lượng tái tạo, hạ tầng đô thị và phát triển các cơ sở giáo dục, y tế. Sự thành công trong thu hút đầu tư đã góp phần vào tốc độ tăng trưởng bình quân các năm gần đây của Đắk Lắk đạt khoảng 8,5 đến 9%” - Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hoà Bình nhận xét.

Lãnh đạo tỉnh Đắk Lắk trao chứng nhận đầu tư cho các nhà đầu tư vào tỉnh.

Để Đắk Lắk tiếp tục thu hút đầu tư mạnh mẽ hơn nữa và hướng tới trở thành tỉnh phát triển hàng đầu ở Tây Nguyên, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hoà Bình lưu ý: Tỉnh phải tiếp tục tăng cường cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp. Chú ý đẩy mạnh tiết giảm các thủ tục, chi phí để tạo điều kiện thu hút các nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư chiến lược cũng như giữ chân các doanh nghiệp đang đầu tư vào tỉnh; chú trọng khuyến khích đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp; phát huy tính năng động, sáng tạo và tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu và các cơ quan chức năng để giúp các doanh nghiệp giải quyết nhanh các thủ tục giấy tờ đầu tư vào địa phương. Quan tâm làm tốt hơn việc đối thoại, kịp thời xử lý những phản ánh và kiến nghị của doanh nghiệp, nhà đầu tư; chống tiêu cực, nhũng nhiễu, đồng thời tăng cường công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực, trong đó đặc biệt quan tâm quản lý về quy hoạch, đất đai, tài nguyên, môi trường; kiểm soát chặt chẽ hoạt động khai thác, chế biến, kinh doanh tài nguyên, khoáng sản, nhất là tài nguyên rừng. Phải thực hiện yêu cầu phát triển bền vững gắn với bảo vệ môi trường, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên; chú trọng phát triển xanh, không gây ô nhiễm môi trường; đẩy mạnh phòng chống khai thác lâm sản, khoáng sản trái phép.

Theo dangcongsan.vn