Nguồn nước bị suy giảm mạnh
Từ thời điểm trước Tết Nguyên đán đến nay, tại Đắk Lắk không hề có mưa. Trước đó, trong mùa khô năm 2014 và 2015, hiện tượng El nino cũng đã tác động mạnh, gây nắng hạn trên diện rộng và kéo dài làm nguồn nước tại các sông, suối, ao, hồ ở địa phương này khô cạn.
Theo ông Nguyễn Hoài Dương, Phó Trưởng Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh Đắk Lắk, tình hình nắng hạn kéo dài đã làm cho mực nước các sông trên địa bàn tỉnh duy trì ở mức rất thấp, lưu lượng dòng chảy so với trung bình nhiều năm cùng kỳ thiếu hụt phổ biến từ 50 – 70%. Dẫn số liệu từ Đài khí tượng thủy văn Đắk Lắk, ông Dương cho biết, dòng chảy các sông suối ở tỉnh trong tháng 1/2016 chỉ đạt khoảng 30 - 50% so với cùng kỳ năm 2015. Các suối nhỏ trên địa bàn các huyện: Ea Hleo, Krông Buk, Cư Mgar đã bị cạn kiệt, phổ biến không còn dòng chảy. Nguồn nước ngầm, mực nước giảm sâu và lưu lượng nhỏ. Báo cáo sơ bộ của các địa phương trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk chỉ rõ, mực nước ngầm phổ biến thấp hơn cùng kỳ năm 2015 khoảng 3 - 6m, một số vùng do khoan giếng để khai thác nước ngầm tầng sâu đã làm cho lượng nước ngầm ở tầng nông giảm mạnh hoặc không có nước.
Nắng hạn làm cho con suối chảy qua Khu du lịch Buôn Đôn (huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk) - Nơi mà trước đây an Quản lý khu du lịch này đã cắm biển báo "Nước sâu...." thì nay đã cạn trơ đáy.
Trong điều kiện nguồn nước các sông, suối và mực nước ngầm đang thiếu hụt thì tại các công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk cũng không tốt hơn. Thống kê của ngành chức năng địa phương cho thấy, địa phương này có tổng số 770 công trình thủy lợi lớn, vừa và nhỏ (trong đó có 599 hồ chứa, 56 trạm bơm và 115 đập dâng). Hiện nay, các đập dâng không đảm bảo năng lực thiết kế do dòng chảy bị thiếu hụt, nhiều đập dâng trên suối nhỏ hiện không hoạt động được do suối khô cạn. Dung tích các hồ chứa giảm nhanh trong quá trình phục vụ tưới, thời tiết nắng nóng. Phổ biến các hồ chứa nhỏ đã cạn, trong đó có đến 56 hồ khô hoàn toàn.
Trong khi theo dự báo, nắng nóng sẽ tiếp tục gay gắt và kéo dài trong thời gian tới. Do đó, khoảng đến cuối tháng 3/2016, các hồ chứa nhỏ (khoảng 250 hồ) tại Đắk Lắk sẽ tiếp tục bị khô cạn và nhiều trạm bơm không còn nguồn để bơm tưới; nhiều vùng không còn nguồn nước ngầm để khai thác.
Nông dân không có nước để sản xuất và sinh hoạt
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Đắk Lắk, vụ Đông xuân 2015 -2016 toàn tỉnh có khoảng 273.000 ha cây trồng cần tưới nước. Trong đó, cây trồng ngắn ngày là 46.000 ha (lúa nước 32.903 ha, ngô 3.309 ha và 9.800 ha cây trồng các loại khác); cây công nghiệp dài ngày khoảng 226.000 ha (cà phê 203.000 ha, tiêu 21.000 ha, ca cao 2.000 ha) và 1300 ha cây trồng ngắn ngày đã được thu hoạch (trong đó có trên 623 ha lúa).
Hạn hán thời gian qua đã làm cho khoảng 9.272 ha cây trồng bị ảnh hưởng. Trong đó, lúa nước là 1.137 ha và trong diện tích này có đến 214 ha mất trắng (vùng cuối nguồn của các công trình nhỏ bị thiếu nước); cà phê là 7.795 ha (số diện tích bị hạn chủ yếu tưới từ giếng hoặc suối nhỏ, hồ chứa nhỏ); hồ tiêu bị khô hạn là 340 ha.
Tại huyện Krông Năng- một trong những huyện bị nắng hạn khắc nghiệt nhất, hàng ngàn hộ nông dân sau khi tận dụng hết các nguồn nước từ sông, suối, ao hồ… và cũng đã đào giếng để bơm nước cho cây cà phê, hồ tiêu của mình. Song do mực nước ngầm đang sụt giảm nhanh, nước tại các giếng cũng khô cạn dần, điều này khiến nông dân đứng ngồi không yên do không còn nước tưới.
Ông Lê Văn Tâm, một người dân trồng cà phê tại xã Ea Dăh cho biết, nắng hạn kéo dài từ trước Tết Nguyên đán đến nay khiến nguồn nước trên sông, suối chảy qua địa bàn xã của ông bị cạn kiệt. Nước sông, nước ngầm cùng cạn kiệt khiến các vườn cà phê không đủ nước tưới. Ông Tâm cho biết, nhà ông có hơn 1,5 ha cà phê đang giai đoạn ra hoa. Tuy nhiên, hiện nước giếng cũng khô cạn không đủ để tưới cà phê. Theo kinh nghiệm của ông Tâm, nếu không đảm bảo nước tưới, năng suất ca phê sẽ giảm mạnh, thậm chí nhiều cây chết héo, mất trắng. Đây không chỉ là vấn đề của riêng nhà ông Tâm mà là tình trạng chung của nhiều hộ trồng cà phê ở xã Ea Dăh nói riêng, huyện Krông Năng nói chung.
Trong khi đó, tại huyện Krông Buk, nắng nóng cũng làm cho sinh hoạt và sản xuất của người dân huyện này gặp nhiều khó khăn. Theo ghi nhận của UBND huyện Krông Buk, đến nay ngoài diện tích 5.934 ha cà phê và hồ tiêu của toàn huyện đang bị thiếu nước (trong đó xã Cư Né 1230 ha, Ea Sin 1890 ha, Ea Ngai 520 ha, Cư Pơng 609 ha, Chư Kbô 1445 ha, Pơng Drang 240 ha) thì tại địa phương này còn có trên 1000 hộ dân thiếu nước sinh hoạt. Cụ thể, xã Ea Sin khoảng 500 hộ (trong đó thiếu nước nghiêm trọng ở 04 buôn dự án là 375 hộ không có nước sinh hoạt; nước ăn phải đi lấy ở nơi khác, nước sinh hoạt hàng ngày sự dụng tại hồ Cư Pơng, xã Ea Sin); Cư pơng khoảng 350 hộ, Cư Né khoảng 100 hộ, Chư Kbô khoảng 50 hộ thiếu nước (tình hình nước sinh hoạt đang thiếu cục bộ, chưa trên diện rộng).
Báo cáo tổng hợp của UBND tỉnh Đắk Lắk cho biết, đến nay hạn hán đã làm cho 9.272ha cây trồng của tỉnh bị ảnh hưởng; 5.300 hộ dân thiếu nước sinh hoạt. Tình trạng thiếu nước xảy ra chủ yếu đối với các hộ dân sử dụng nước từ giếng đào, giếng khoan do lượng nước ngầm giảm nhanh. Đặc biệt, tại TP. Buôn Ma Thuột, do nguồn nước cạn kiệt, từ ngày 5/3, TP này đã áp dụng lịch cấp nước luân phiên. Tại các địa phương khác cũng đang bị khô hạn, thiếu nước nghiêm trọng, nhất là Ea Hleo, Krông Buk, Cư Mgar, Buôn Đôn ...
Cấp bách tập trung chống hạn
Trước thực tế nạn hạn hán diễn ra trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, từ cuối tháng 10/2015, UBND tỉnh này đã dự báo hạn hán sẽ ngày càng nghiêm trọng hơn. Theo đó, dự kiến toàn tỉnh có khoảng 80.000 ha cây trồng bị hạn, trong đó có khoảng 70.000 ha cà phê, hồ tiêu và 10.000 ha lúa nước; số hộ dân bị thiếu nước sinh hoạt khoảng 25.000 hộ.
Trên cơ sở dự báo này, UBND tỉnh Đắk Lắk đã Ban hành Chỉ thị tăng cường công tác phòng chống hạn hán, đối phó với ảnh hưởng của El Nino, trong đó yêu cầu các địa phương, đơn vị trong tỉnh chủ động tăng cường các giải pháp phòng và chống hạn nhằm bảo vệ sản xuất và đảm bảo nước sinh hoạt cho nhân dân; phê duyệt Phương án phòng chống hạn hán vụ Đông Xuân năm 2015 - 2016 do ảnh hưởng của hiện tượng El nino; thành lập Tiểu Ban chỉ đạo chống hạn và đã tổ chức Hội nghị về triển khai công tác chống hạn vụ Đông xuân năm 2015 - 2016 vào đầu tháng 3/2016....
Để chống hạn, UBND các huyện, TP và các đơn vị trong tỉnh đã nghiêm túc thực hiện tốt việc quản lý, điều tiết nguồn nước phục vụ sản xuất. Một số giải pháp chủ yếu đã thực hiện như: Đối với các hồ chứa đảm bảo điều kiện an toàn chủ động nâng cao ngưỡng tràn để tăng dung tích trữ nước; nạo vét các tuyến kênh dẫn, các cửa vào của cống lấy nước, khơi thông dòng chảy, đắp đập tạm để giữ nước, lắp đặt các trạm bơm dã chiến để bơm nước từ sông suối và từ dung tích chết của hồ chứa, xây dựng một số trạm bơm chống hạn ở các vùng ven sông có nguồn nước như ở huyện Lắk, Krông Bông, Krông Ana, Cư Kuin, Ea Kar ...; đào, khoan giếng để khai thác nước ngầm; bơm chuyền hoặc xả nước từ những công trình có nguồn nước dư thừa hỗ trợ cho những công trình không đủ nước.
Các địa phương cũng chỉ đạo ngành chức năng vận hành công trình tưới tiết kiệm, khuyến cáo nhân dân chuyển đổi mùa vụ gieo trồng sớm, sử dụng giống cây ngắn ngày, chịu hạn hoặc chuyển đổi diện tích trồng lúa không đảm bảo nguồn nước.
Đối với các khu vực khan hiếm nguồn nước, công tác chống hạn được các địa phương phân phối, ưu tiên nguồn nước chống hạn theo thứ tự: Nước phục vụ sinh hoạt, nước uống cho gia súc gia cầm, nước tưới cho cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao, khi nguồn nước quá khó khăn có thể chỉ tưới cầm chừng để bảo vệ toàn bộ diện tích cây cà phê, tiêu trong vùng không bị chết. UBND tỉnh Đắk Lắk cũng đã chỉ đạo tuyệt đối không để xảy ra tình trạng người dân không có nước sinh hoạt.
Theo tienphong