Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Đắk Lắk. Ảnh: H. Gia |
Cùng đi với Đoàn có Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường; Bộ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà; Bộ trưởng Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến cùng đại diện lãnh đạo Văn phòng Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương.
Tiếp và làm việc với Đoàn về phía tỉnh Đắk Lắk có các đồng chí: Bí thư Tỉnh ủy Êban Y Phu; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phạm Minh Tấn; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy Trần Quốc Cường; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Y Biêr Niê; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị cùng lãnh đạo HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và các sở, ban, ngành của tỉnh.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: H. Gia |
Theo báo cáo tại buổi làm việc, năm 2018, tỉnh Đắk Lắk đã lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đạt 17/18 chỉ tiêu kinh tế - xã hội theo kế hoạch đề ra, 1 chỉ tiêu không đạt kế hoạch là tỷ lệ che phủ rừng.
Tổng sản phẩm xã hội ước đạt 51.496 tỷ đồng, tăng trưởng kinh tế đạt 7,82% (đạt 100,03% kế hoạch). Huy động vốn toàn xã hội 27.726 tỷ đồng (đạt 100,02% kế hoạch). Trong năm tỉnh đã thu hút được 60 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký 9.300 tỷ đồng. Lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, du lịch đều có bước phát triển. Thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn đạt 5.500 tỷ đồng (đạt 117,5% dự toán Trung ương giao, đạt 110% dự toán HĐND tỉnh giao, tăng 6,3% so với năm 2017); thu nhập bình quân đầu người đạt 41,1 triệu đồng/năm.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà phát biểu ý kiến tại buổi làm việc. Ảnh: H. Gia |
Năm 2019, tỉnh Đắk Lắk tập trung triển khai thực hiện các chỉ tiêu chủ yếu: tổng sản phẩm xã hội đạt 56.000 tỷ đồng, tăng trưởng kinh tế đạt từ 8,7 - 9%; thu ngân sách Nhà nước đạt 6.810 tỷ đồng; tỷ lệ hộ nghèo giảm 3,46 % trở lên; giải quyết việc làm cho 29.000 lao động; phấn đấu có 50/152 xã đạt chuẩn nông thôn mới...
Bộ trưởng Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: H. Gia |
Tại buổi làm việc, lãnh đạo tỉnh Đắk Lắk đã nêu lên các kiến nghị, đề xuất với Đoàn công tác của Thủ tướng Chính phủ: xem xét cho tỉnh được hưởng cơ chế về chính sách giá điện theo Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đến hết năm 2020 và có ý kiến với Bộ Công thương sớm phê duyệt sổ sung quy hoạch các dự án điện mặt trời đã được họp thẩm định và lấy ý kiến các cơ quan liên quan; sớm bố trí đầu tư cơ sở hạ tầng cửa khẩu Đắk Ruê và cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 29 nối cửa khẩu này với Cảng Vũng Rô – Phú Yên.
Các bộ, ngành Trung ương hỗ trợ tỉnh trong quá trình chuẩn bị nội dung tổng kết và xây dựng Đề án tiếp tục xây dựng và phát triển TP. Buôn Ma Thuột thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên giai đoạn 2020-2030; bố trí nguồn vốn còn thiếu (khoảng 200 tỷ đồng) để thực hiện hoàn thành các dự án sắp xếp ổn định dân di cư tự do; quan tâm đầu tư nguồn vốn triển khai dự án đường tránh phía đông TP. Buôn Ma Thuột (khoảng 2.400 tỷ đồng); xem xét điều chỉnh tổng mức đầu tư Dự án Hồ chứa nước Krông Pách Thượng; xem xét hỗ trợ hơn 256 tỷ đồng để thực hiện đo đạc các diện tích đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường quốc doanh…
Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk Êban Y Phu nêu ý kiến tại buổi làm việc. Ảnh: H. Gia |
Phát biểu kết luận tại buổi làm việc, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Đắk Lắk là tỉnh có nhiều tiềm năng, lợi thế, có vị trí chiến lược về quốc phòng – an ninh, tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào di cư lớn... Vì vậy tỉnh cần phát triển toàn diện, bền vững về mọi mặt.
Năm 2018, tỉnh đã đạt được những kết quả tích cực trên các lĩnh vực, nhất là sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng bộ và nhân dân trên địa bàn tỉnh thời gian qua.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng chỉ rõ một số hạn chế của tỉnh như chưa khai thác hết tiềm năng, thế mạnh sẵn có và thiếu “quả đấm thép” là cốt lõi để tạo sự lan tỏa trong phát triển; quy mô nền kinh tế còn thấp, tình trạng di dân tự do, môi trường đầu tư kinh doanh còn nhiều vấn đề đặt ra, tỷ lệ che phủ rừng không đạt mục tiêu…
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk Phạm Ngọc Nghị nêu các kiến nghị tại buổi làm việc. Ảnh: H.Gia |
Về định hướng phát triển Đắk Lắk trong thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ đề nghị Đắk Lắk cần tập trung phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, giữ vững biên cương Tổ quốc.
Lãnh đạo tỉnh cần thảo luận, xây dựng đề án, kế hoạch, đưa một số thế mạnh thành hiện thực, trong đó phải quan tâm đến trồng rừng và phát triển công nghiệp chế biến gỗ; phát huy lợi thế của cà phê – báu vật thiên nhiên của Đắk Lắk; tập trung phát triển nông nghiệp xanh, sạch, công nghệ cao, lấy lại màu xanh cho Tây Nguyên, cho Đắk Lắk, không để sa mạc hóa vùng đất quan trọng và chiến lược này.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phạm Minh Tấn phát biểu ý kiến tại buổi làm việc. Ảnh: H.Gia |
Thủ tướng khẳng định, Đắk Lắk là trung tâm cây công nghiệp chất lượng cao, chế biến sâu. Với tiềm năng văn hóa bản địa, truyền thống giàu ý chí cách mạng, do vậy cần lấy văn hóa là trụ cột quan trọng, tạo sự phát triển bền vững cho Tây Nguyên nói chung và Đắk Lắk nói riêng.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các bộ, ngành đều phải có chiến lược phát triển Tây Nguyên, nhất là về giao thông, sao cho tương xứng với yêu cầu phát triển của vùng đất này trong tương lai, khắc phục tình trạng quá tải như hiện nay.
Thủ tướng yêu cầu Đắk Lắk phải cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút mọi nguồn lực đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế để sớm đạt được mục tiêu tự cân đối ngân sách, vươn lên là tỉnh đi đầu trong 5 tỉnh Tây Nguyên.
Tỉnh Đắk Lák cần quan tâm xây dựng những mô hình mới, hiệu quả trong giảm nghèo và đem lại hiệu quả kinh tế cao như nông nghiệp sạch, nông nghiệp thông minh; đầu tư vào khâu chế biến sâu, du lịch, dịch vụ.
Thủ tướng lưu ý Đắk Lắk cần thực hiện tốt các nghị quyết, chỉ đạo của Trung ương; chú trọng xây dựng đội ngũ lãnh đạo, quản lý và đội ngũ cán bộ có năng lực, phẩm chất tốt, coi đây là nhiệm vụ chính trị hàng đầu của tỉnh.
Theo baodaklak