Thứ ba, ngày 17 tháng 09 năm 2024
Cập nhật lúc: 01/11/2022

CỰU QUÂN NHÂN HƠN 30 NĂM MIỆT MÀI CỨU NGƯỜI BỊ NẠN, BẤT KỂ NGÀY ĐÊM, MƯA NẮNG

Khi đó, Quốc lộ 2 là tuyến đường huyết mạch lưu thông vận tải hành khách và hàng hóa giữa các tỉnh Tuyên Quang, Yên Bái đi Vĩnh Phúc, Hà Nội và ngược lại với lưu lượng phương tiện tham gia giao thông lớn nên thường hay xảy ra tai nạn. Chứng kiến cảnh tượng xót xa của những người không may gặp nạn, xuất phát từ cái tâm với mong muốn hỗ trợ những người bị nạn và với “vốn liếng” kiến thức về sơ cứu được đào tạo thời còn trong quân ngũ, ông Thọ đã bàn với anh em trong gia đình thành lập đội tự phát hỗ trợ người bị tai nạn giao thông.

Với gia đình ông Thọ, việc ông bỏ dở bữa cơm hay nửa đêm vùng dậy chạy ra đường là chuyện thường gặp trong nhiều năm qua. Bà Hoàng Thị Sơn (vợ ông Thọ) tâm sự: “Nhiều lúc mưa gió, nửa đêm nhưng cứ thấy điện thoại báo có người bị nạn là ông ấy lại bật dậy lao đi nên tôi cũng xót ruột lắm. Ông bảo giúp đỡ mọi người là niềm vui, làm công việc ý nghĩa, nên tôi cùng các con cũng động viên, ủng hộ để ông ấy phấn khởi''.

Năm 2006, Đội cứu hộ giao thông được thành lập do ông Thọ làm đội trưởng, “trụ sở” làm việc được xây dựng ngay trên chính mảnh đất của gia đình mình. Nhớ lại vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng xảy ra năm 2009 khi hai ô tô chở khách đâm vào nhau làm 8 người chết, nhiều người bị thương, ông Thọ kể: “Khi tai nạn xảy ra, có nhiều người chứng kiến nhưng e ngại và bị hoảng loạn nên không dám vào hỗ trợ người bị nạn.

Nhìn cảnh tượng đó, mặc dù trước nguy cơ có thể xảy ra cháy nổ bởi nhiên liệu động cơ rò rỉ sau va chạm nhưng tôi cùng những thành viên của đội cứu hộ vẫn dấn thân khâm liệm người chết. Còn những người bị thương thì chúng tôi tổ chức sơ cứu kịp thời, đồng thời bảo vệ hiện trường chờ lực lượng chức năng đến”. Với các nạn nhân không may gặp tai nạn giao thông, ông Thọ cho biết, khi nhận tin báo và tới hỗ trợ, chúng tôi nhanh chóng sơ cứu, đưa nạn nhân đến bệnh viện và tìm cách liên lạc với gia đình nạn nhân; đồng thời cử người ở lại để giữ hiện trường. Nếu chưa liên lạc được với gia đình, chúng tôi sẽ luân phiên túc trực ở bệnh viện, chờ đến khi liên lạc được và bàn giao lại cho người nhà nạn nhân thì mới yên tâm trở về.

Nhận thấy những việc làm ý nghĩa của ông Thọ, năm 2018, Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương đã hỗ trợ ông 1 chiếc xe cứu thương chuyên dụng cùng các trang thiết bị y tế như bình ô xy, cáng, thuốc,…; đồng thời đội ngũ nhân viên y tế luôn đồng hành với ông trong suốt quá trình thực hiện nghĩa cử cao đẹp. Cũng từ đó, ông Thọ bận rộn hơn khi ngày càng nhận được nhiều thông tin của những người dân muốn nhờ ông giúp đỡ người bị nạn.

Ông Thọ chia sẻ, khi mới thành lập, đội chỉ có vài thành viên là anh em trong gia đình, đến nay đội có trên 10 người thường trực. Trước đây kinh phí mua thuốc, đồ sơ cứu hoàn toàn là do các thành viên tự bỏ tiền túi ra mua. Sau này, Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương, Hội Chữ thập đỏ địa phương đã hỗ trợ đội các thiết bị y tế, thuốc; đặc biệt những người bị nạn và gia đình người bị nạn đã quay lại cảm ơn và hỗ trợ để đội có thêm kinh phí hoạt động.

Theo: Infonet

In Gửi Email
THỐNG KÊ TRUY CẬP

Hôm nay:

Hôm qua:

Trong tuần:

Tất cả:

ipv6 ready