Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh điều này trong phát biểu tại Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số toàn quốc lần thứ II, sự kiện có ý nghĩa chính trị, xã hội sâu sắc, một biểu tượng đặc biệt về khối đại đoàn kết các dân tộc, như “54 cánh sen tạo nên một Bông Sen Việt Nam” rực rỡ, ngát hương.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các đại biểu dự Đại hội.
Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Thủ tướng nêu rõ, nhìn lại chặng đường 10 năm qua, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, thách thức rất lớn, nhưng nước ta đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng và toàn diện trên hầu hết các lĩnh vực, từ miền xuôi đến miền ngược, từ đồng bằng lên miền núi, từ thành thị về nông thôn, từ đất liền ra đến hải đảo.
Việt Nam được cộng đồng quốc tế vinh danh là một nền kinh tế năng động, tăng trưởng nhanh tại châu Á với GDP tăng trung bình 6,3% trong 10 năm qua. Ngay cả khi thế giới phải đối mặt với đại dịch thế kỷ COVID-19, Việt Nam là một trong số ít nước trên thế giới đạt được mức tăng trưởng kinh tế dương trong năm 2020, thậm chí có thể là quốc gia duy nhất có tăng trưởng kinh tế dương ở khu vực Đông Nam Á, theo dự báo của Quỹ tiền tệ quốc tế IMF.
Sự phát triển của quốc gia đến từ thành công của các địa phương. Bên cạnh các địa phương phát triển luôn duy trì sức tăng trưởng cao, các tỉnh khó khăn – nhất là các tỉnh miền núi phía Bắc, nhiều tỉnh Miền Trung, đồng bằng Sông Cửu Long, Tây Nguyên nơi có đông đồng bào dân tộc thiếu số sinh sống vẫn luôn nỗ lực để đạt tăng trưởng khá, với ý chí không để tỉnh nhà bị bỏ lại phía sau, quyết tâm phải làm cho các dân tộc tỉnh nhà ngày càng vươn lên cuộc sống ấm no, tốt đẹp hơn.
Đời sống đồng bào các dân tộc thiểu số chưa bao giờ khởi sắc như ngày nay
Những năm qua, Đảng và Nhà nước đã ưu tiên bố trí nguồn lực để thực hiện hỗ trợ về giáo dục, y tế, phát triển hạ tầng, kinh tế xã hội cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi, chiếm 71,4% tổng chi cho các nhiệm vụ này của cả nước, chiếm 80% tổng chi giảm nghèo của vùng dân tộc thiểu số và miền núi.
Chúng ta không chỉ một chiều nhìn thấy các chính sách mà Đảng và Nhà nước đã chăm lo cho đồng bào các dân tộc, mà chúng ta cũng nhận thấy đồng bào các dân tộc đã góp phần rất to lớn vào những thành quả phát triển vĩ đại của đất nước xuyên suốt chiều dài lịch sử dựng nước, giữ nước của dân tộc ta, và gần đây nhất là thành quả của gần 35 năm Đổi mới đất nước.
Chỉ chiếm chưa đến 15% dân số, nhưng đồng bào các dân tộc đã và đang góp phần to lớn vào tiến trình phát triển của đất nước.
Các Đại biểu tham dự đại hội
Kinh tế đất nước mặc dù tăng trưởng cao trong nhiều năm trở lại đây, quy mô kinh tế giờ đây đã vào nhóm 4 nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á, song chúng ta vẫn còn là nước có thu nhập trung bình, chúng ta vẫn phải nỗ lực rất nhiều để sớm hiện thực hóa khát vọng về một Việt Nam hùng cường vào năm 2045 – sánh vai với các nước phát triển như Bác Hồ mong ước.
So với sự phát triển của cả nước và ở từng địa phương, đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn, nhất là ở vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa; tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo, nguy cơ tái nghèo còn cao, khoảng cách thu nhập so với cả nước ngày càng dãn cách.
Trong hệ thống quan điểm hướng đến đồng bào các dân tộc anh em mà Bác đã dặn, có hai điều quan trọng nhất mà chúng ta không được phép quên, đó là: "Đoàn kết các dân tộc và nâng cao thực chất đời sống của đồng bào".
Trên tinh thần đó, thời gian tới, Thủ tướng đề nghị các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị từ Trung ương đến cơ sở nỗ lực cao nhất để giải quyết căn bản những vấn đề bức thiết đặt ra trong thực tiễn, tạo sinh kế, nâng cao thu nhập và đời sống của người dân, thực hiện phương châm hành động “không để ai bị bỏ lại phía sau”.
Các chính sách hỗ trợ của Nhà nước cần tập trung khuyến khích đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, tạo việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số; thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập so với mặt bằng chung cả nước.
“Tôi mong muốn đồng bào dân tộc thiểu số của chúng ta dù khó khăn vất vả đến đâu cũng phải ưu tiên thời gian và tiền của, tạo mọi điều kiện để cho con em chúng ta được đến trường, được vui chơi, được học hành đến nơi, đến chốn”, Thủ tướng chia sẻ. Chỉ có giáo dục mới là con đường duy nhất đưa bản làng, quê hương, đất nước chúng ta phát triển giàu mạnh được. Trong tương lai, ngày mai tươi sáng phụ thuộc vào những gì chúng ta chuẩn bị trong ngày hôm nay. Chúng ta hãy cùng vun đắp khát vọng vượt khó vươn lên, phấn đấu làm giàu chính đáng, ngay trên mảnh đất quê hương mình.
Thủ tướng nêu rõ, rừng là lá phổi của chúng ta. Với đồng bào dân tộc thiểu số, rừng trước tiên còn là tấm áo giáp góp phần bảo vệ an toàn khỏi thiên tai, lũ lụt, sạt lở. Rừng cũng là sinh kế cho đồng bào. Vì thế, đã đến lúc đồng bào dân tộc thiểu số phải giữ rừng như chính giữ sinh mạng của mình. Cùng nhau lên án và chặn đứng các tệ nạn khai thác, chặt phá rừng trái phép. Đảng và Nhà nước sẽ tiếp tục chỉ đạo nghiên cứu để ban hành cơ chế, chính sách phù hợp hơn với thực tế; từng bước để đồng bào tăng thu nhập, đảm bảo lợi ích nhiều mặt từ bảo vệ và phát triển rừng, bảo vệ lá phổi xanh của đất nước, góp phần quan trọng chống thiên tai và biến đổi khí hậu.
Chúng ta phải cùng nhau tiếp tục xây dựng, vun đắp cho tinh thần đại đoàn kết các dân tộc trường tồn mãi mãi. Như Bác Hồ kính yêu từng dạy: "Trước kia các dân tộc để giành độc lập phải đoàn kết, bây giờ để giữ lấy nền độc lập càng phải đoàn kết hơn nữa.” Đại đoàn kết là cội nguồn sức mạnh, là truyền thống quý báu của dân tộc ta, được bao thế hệ cha anh bền bỉ xây dựng, vun đắp, bằng mồ hôi, công sức; bằng sự nhọc nhằn, hy sinh; bằng ý chí, sức mạnh và niềm tin của lòng dân.
“Bởi vậy, tôi rất kỳ vọng gần 1.600 đại biểu ưu tú của 54 dân tộc anh em, từ mọi miền của đất nước hội tụ về Đại hội hôm nay sẽ lan tỏa tinh thần đại đoàn kết các dân tộc lên tầm cao mới; truyền cảm hứng, kết nối đồng bào các dân tộc thiểu số cùng với toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, đồng lòng chung sức, hiện thực hóa khát vọng xây dựng đất nước ta phát triển cường thịnh, hạnh phúc, sánh vai với các cường quốc năm châu”, Thủ tướng chúc khối đại đoàn kết toàn dân tộc Việt Nam ta ngày càng vững mạnh. “Cơ đồ đất nước, vinh quang tổ quốc đời đời thuộc về cộng đồng các dân tộc Việt Nam ta”.
Theo Chinhphu.vn