Thứ ba, ngày 17 tháng 09 năm 2024
Cập nhật lúc: 16/11/2023

COI CHỪNG "THUYẾT ÂM MƯU"


Thông tin cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thái Bình ra quyết định khởi tố, bắt tạm giam ông Lưu Bình Nhưỡng (LBN) để điều tra về tội cưỡng đoạt tài sản đang làm “nóng” dư luận.
Vì sao lại “nóng”? Ngoài lý do ông LBN có học vị tiến sĩ luật, nhiều năm là cán bộ giảng dạy tại Trường đại học Luật Hà Nội, từng là chánh văn phòng Tổng cục Thi hành án dân sự Bộ Tư pháp, tham mưu cho Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương…, có 2 lý do cơ bản: Thứ nhất, ông LBN là đương kim phó trưởng Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội – một chức vụ tương đương thứ trưởng – khá to; thứ hai, ông LBN từng là đại biểu Quốc hội khóa, ủy viên Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội khóa XIV (2016 – 2021). Trong nhiệm kỳ này, trên diễn đàn Quốc hội cũng như một số diễn đàn khác, ông LBN có những phát ngôn được tiếng là thẳng thắn, không né tránh, trong đó có lần ông nặng lời với cả ngành Công an. Chính vì thế, với không ít người dễ xúc cảm, ông LBN được coi là một “ông nghị vì dân”. Nếu thật thế, cũng là tốt, vì Quốc hội bao giờ chẳng cần những tiếng nói thẳng.
Vậy mà đánh đùng, ông này lại bị khởi tố, bắt tạm giam thì không giật mình, không ngơ ngác sao được!
Thế là rào rào các bình luận, suy diễn, phỏng đoán…
Suy cho cùng không thế mới lạ. Một xã hội mà trong đó, người dân vô cảm, bàng quan, chẳng thiết tha gì tới các vấn đề chính trị xã hội thì thật tiếc, nếu không nói là dấu hiệu đáng lo ngại. Ngược lại, thì là điều mừng. Mừng bởi phản ứng của người dân, nếu tâm huyết, khách quan, trách nhiệm, có tinh thần xây dựng cần được lắng nghe và tiếp thu nghiêm túc.
Mừng là trong vụ việc “nóng” liên quan ông LBN này, dù bất ngờ, nhưng nhiều người vẫn thể hiện thái độ thận trọng. Họ tin rằng: với tinh thần thượng tôn pháp luật, chuyện rồi sẽ rõ vào lúc hạ hồi. Thế nên, trước khi hạ một chữ, một lời, thả một tim, một like…, họ đều đắn đo, suy nghĩ.
Tuy nhiên, chẳng phải ai cũng ứng xử như thế. Một số người nổi cáu. Cáu kỉnh thì là không nên – cổ nhân dạy rồi. Nhưng chẳng phải lúc nào, người nào cũng kiềm chế được khi cái họa bỗng chốc ập đến với một người như ông LBN từng là nghị sĩ và từng được họ gửi gắm niềm tin.
Bỏ qua, hay nói đúng hơn, không mất thì giờ đếm xỉa tới các ý kiến nặng mùi “thuyết âm mưu” cho rằng: vụ bắt ông LBN là một “âm mưu chính trị”; “Tô Lâm ra lệnh bắt giam đại biểu Lưu Bình Nhưỡng là dằn mặt phe Quốc Hội tội “soi mói” ngành công an; “Bịt miệng Đại biểu Quốc Hội bằng tội “cưỡng đoạt tài sản”; “Ông Nhưỡng bị bắt do khinh thường công an hay coi thường pháp luật?”… của những trang Việt Tân, Chân Trời Mới Media, VNTB, VOV tiếng Việt…trong hai ngày nay đi, còn lại, lấy làm tiếc cho một số người nóng giận tới mất khôn. Mất khôn nên họ hấp tấp, hối hả tung ra các ý kiến, nếu không hồ đồ thì cũng là suy diễn, chẳng có tý nào thuyết phục.
Như ông Nguyễn Thông chẳng hạn. Hẳn ông này từng là một trong những người hô hào nhiều nhiều, cổ vũ nhiều nhiều tinh thần “thượng tôn pháp luật”. Vậy mà khi vụ án vừa khởi tố, đang trong quá trình điều ra; tòa còn chưa mở, chưa tuyên, ông đã nhảy bổ ra bênh ông Nhưỡng chằm chặp rằng: “Giờ thì đại biểu nhân dân Lưu Bình Nhưỡng đã trở thành bị can Lưu Bình Nhưỡng. Chỉ có điều, không phải ai bị bắt cũng là người xấu. Nhưỡng là trường hợp này” ((Nguyễn Thông – Tiếng Dân, 15/11).
Vẫn biết tới nguyên tắc “suy đoán vô tội” – biểu hiện của một nền tư pháp văn minh, dân chủ, công bằng hướng tới bảo vệ công lý. Vẫn mong hạ hồi, ông LBN trắng án. Nhưng lỡ như điều đó không xảy ra thì sao? Khi đó, liệu ông Nguyễn Thông có ân hận cho sự quả cảm tới liều lĩnh của mình để bênh ông LBN hay không? Một khi chưa chắc chắn điều gì, tốt nhất, đừng hồ đồ, nhất là khi sự việc liên quan pháp luật.
Như ông Kim Văn Chính nào đó chẳng hạn. Dám tự tin tới chắc nịch, quả quyết rằng: “Tôi biết, theo luật pháp Việt Nam, đại biểu Quốc hội do dân bầu và giữ các trọng trách trong Quốc hội, cũng còn có quyền nhất định gọi là “bất khả xâm phạm”…Vậy mà ngay sau đó, ông ta lại thể hiện cái “sự biết” của mình bằng sự lẫn lỗn, đánh đồng giữa đại biểu Quốc hội với cựu đại biểu Quốc hội, từ đó, khăng khăng đòi hỏi: “nếu muốn bắt, hoặc tiếp theo là xử án các cựu đại biểu Quốc hội, thì đầu tiên là Quốc hội hoặc cơ quan được ủy quyền là Thường vụ Quốc hội, phải ra quyết định bãi miễn chức vụ dân bầu đại biểu Quốc hội”.
Ô hay ông Kim Văn Chính: Trong Luật Tổ chức Quốc hội, ngoài Điều 37 quy định quyền miễn trừ của đại biểu Quốc hội, chẳng thấy luật nào quy định đại biểu Quốc hội đã mãn nhiệm vẫn được bảo lưu quyền miễn trừ.
Cũng vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng chẳng thể làm một việc nực cười là “bãi miễn chức vụ dân bầu đại biểu Quốc hội” của một người không còn tư cách đại biểu như ông LBN. Đó là chưa kể, cái khái niệm “chức vụ dân bầu đại biểu Quốc hội” của ông Kim Văn Chính nghe sao mà trúc trắc, khó hiểu, tù mù đến thế!
Nhân đây, cũng xin thưa với ông Kim Văn Chính, chẳng có gì “loạn chăng” như tiêu đề ý kiến của ông quăng chềnh ềnh trên trang Tiếng Dân ngày 15/11, trong đó cho rằng, “Mới đây, Công an Thái Bình ngang nhiên bắt giam ông Lưu Bình Nhưỡng...”
Hạ hồi phân giải vì vụ án còn trong quá trình điều tra. Nhưng quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam, lệnh khám xét nơi ở, nơi làm việc đối với ông LBN để điều tra về tội cưỡng đoạt tài sản quy định tại điều 170 Bộ luật Hình sự, đã được Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Thái Bình phê chuẩn cơ mà? Sao có thể gọi đó là “ngang nhiên” được?
Còn nếu vin vào lý do ông LBN đương là phó trưởng Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, thì thưa ông Kim Văn Chính, ban này (cũng như các ban khác trong Quốc hội) là cơ quan tham mưu, giúp Ủy ban thường vụ Quốc hội trong một lĩnh vực công việc cụ thể (căn cứ Điều 2 Nghị quyết số 1156/2016/UBTVQH13 ngày 17 tháng 3 tháng 2016 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức của Ban Dân nguyện). Do vậy, một cán bộ, dù “đóng” chức Phó ban như ông LBN, đâu có thể được “biệt đãi” bằng “quyền miễn trừ”? Với lập luận này, ông Kim Văn Chính định cào bằng giữa đại biểu Quốc hội và cán bộ trong một cơ quan của Quốc hội chăng? Làm thế đích thị là vô pháp, thưa ông!
Tóm lại, một khi vụ việc chưa hạ màn, để không sập bẫy “thuyết âm mưu”, ai cũng vậy: đưa ra một lời bình, một nhận định, cần phải bình tĩnh, khách quan và chín chắn.

In Gửi Email
THỐNG KÊ TRUY CẬP

Hôm nay:

Hôm qua:

Trong tuần:

Tất cả:

ipv6 ready