‘Có một vài đội bóng V-League coi việc ăn vạ như… chiến thuật’
* V-League nghỉ ngơi thì không sao, đá lại một cái là chúng tôi lại có đầy thứ để hỏi ông vì trọng tài lại bị kêu than, đến mức trang tin về bóng đá châu Á Football Channel Asia ngay sau lượt 14 vừa qua cũng đã phải có bài phản ánh...
Tình huống dẫn đến pha phạt đền của Hà Nội T&T, trọng tài Ngô Duy Lân đã thổi đúng dù sau đó HLV Lê Huỳnh Đức đã rất bức xúc. Xem lại cảnh quay chậm, Châu Lê Phước Vĩnh đã phạm lỗi với Hoàng Vũ Samson trong vòng cấm.
Phước Vĩnh đã không đủ sức rướn để theo kịp Samson và trong pha tranh chấp tay đôi này, vì thua tốc độ so với đối thủ nên Vĩnh đã xoạc chân một cách “hú họa” nên đã chạm vào chân của Samson.
Ở tình huống phát 59, Đà Nẵng không được phạt đền vì lúc ấy trọng tài đứng quá xa. Bóng được thủ môn Đà Nẵng phát lên thành pha phản công cho đội khách và cũng theo băng hình, cầu thủ Hà Nội T&T khi va chạm với đội bạn, không tiến hành xô đẩy.
HLV Lê Huỳnh Đức cũng bực bội tại cuộc họp báo sau trận vì cho rằng, đáng lẽ Đà Nẵng cũng xứng đáng được hưởng quả phạt đền khác ở phút 64. Xin nói ngay là tình huống này, Huy Toàn tự ngã trong vòng cấm chứ không phải do Thành Lương tác động.
* Nếu nói như ông thì hóa ra, trọng tài đã bắt rất ổn?
Ông Nguyễn Văn Mùi: Không. Tôi không nói trọng tài đã bắt ổn. Đã có sai số ở công tác trọng tài ở lượt 14 này nhưng không ở mức nghiêm trọng.
* Chúng tôi lại thấy, trình độ nhiều trọng tài nội ở Việt Nam có vấn đề, vì rất hay bị cầu thủ qua mặt. Chẳng hạn như Hoàng Vũ Samson mà chúng tôi đã gọi anh ta là thánh “ăn vạ”.
Ông Nguyễn Văn Mùi: Các đội bóng ở Việt Nam thường có khuynh hướng khi thua hoặc để gỡ hòa là hay đổ lỗi cho trọng tài.
Chúng tôi cũng thường khuyến cáo trọng tài là phải thường xuyên trau dồi năng lực. tăng sức tập trung ở mức cao nhất, tỉnh táo ở mọi tình huống để có thể đưa ra quyết định hợp lý nhất để tránh việc bị các CLB đổ thừa.
Ban trọng tài không có quyền gì để khuyên bảo các đội là phải nhắc nhở cầu thủ của mình không được ăn vạ. Cũng không thể có hình thức chế tài cầu thủ ăn vạ. Nếu trọng tài phát hiện ra anh ta giả vờ thì hiển nhiên là phạt ngay thẻ vàng.
Nhưng nhiều cầu thủ ăn vạ rất giỏi, không phát hiện được ra giả vờ. Vì thế, chúng tôi đã nhiều lần rút kinh nghiệm cho trọng tài bằng cách chiếu đi chiếu lại những pha ăn vạ có “đẳng cấp”.
Trọng tài trước khi được phân công bắt một trận nào đó, phải nghiên cứu, tìm hiểu kỹ hai đối thủ, nắm bắt được cá tính của những trường hợp cá biệt để đề phòng, để nâng cao “cảnh giác”.
Tuy nhiên, tuyệt đối không được định kiến với những ca đặc biệt đó vì có lúc họ… ngã thật. Vì thế, mới đòi hỏi trọng tài phải tỉnh táo, có phương pháp tiếp cận trận đấu thật tốt. Nhưng một số trọng tài ở Việt Nam chưa có phương pháp đúng. Mà thực tế thì có một vài đội bóng tại V-League coi việc ăn vạ như một kiểu… chiến thuật!
Trên thế giới còn có chuyện kiếm phạt đền từ ăn vạ nữa là. Như Ronaldo đó. Anh ta rất giỏi dùng tiểu xảo...
Sẽ mời trọng tài ngoại để giải quyết vấn đề tâm lý
Trả lời câu hỏi, Ban trọng tài còn nung nấu việc thuê trọng tài ngoại ở cuối mùa không? Ông Mùi cho hay: “Hiện tại, chúng tôi luôn đau đầu khi tính toán việc phân công trọng tài và cố gắng hợp lý nhất trong hoàn cảnh có thể. Những trận của những đội ở cuối bảng xếp hạng hay của những đội top đầu, luôn là những trọng tài tốt nhất.
Tuy bây giờ chưa mời, nhưng chúng tôi vẫn giữ ý định mời ngoại. Không hẳn trình độ họ hơn ta nhưng giải quyết vấn đề tâm lý cho những đội phải đá trận tranh suất trụ hạng hoặc tranh chức vô địch".
|
Theo thanhnien