Thứ ba, ngày 17 tháng 09 năm 2024
Cập nhật lúc: 07/01/2023

Những đứa trẻ mồ côi cha, mẹ vì dịch COVID-19 giờ đây phần nào được xoa dịu mất mát, tưới tắm tâm hồn non nớt bằng tình yêu thương, sự chăm lo của những người thân còn lại.


 
 
Cha con anh Sơn sống trong phòng trọ ở TP Thủ Đức từ ngày vợ anh qua đời vì dịch bệnh


Chiều Sài Gòn mưa lất phất, kết thúc việc ở công trình, anh Nguyễn Thanh Sơn vội vã tới trường đón con về nhà trọ ở phường Hiệp Bình Phước, TP Thủ Đức (TP.HCM). Cất cặp vở vào, cậu bé Minh Châu xoa xoa vai và phủi bụi bám đầy tấm áo cho cha. Hơn một năm đại dịch trôi qua, bé Nguyễn Thanh Minh Châu - trẻ mồ côi mất mẹ - đã vơi nỗi đau, em muốn dành thời gian ở bên cha nhiều hơn.

Thương cha lắm nhọc nhằn
Mỗi sáng, anh Sơn dậy sớm nấu cơm cho hai cha con ăn rồi đưa con tới trường, xong lại tất tả tới chỗ làm. Anh Sơn làm thợ hồ ở một số công trình trong TP, mỗi ngày làm từ 7h sáng đến 5h chiều được trả công khoảng 400.000 đồng. 

Hôm gặp chúng tôi là ngày anh kết thúc công trình, chờ chủ thầu trả tiền rồi nghỉ Tết. Gà trống nuôi con, anh Sơn bảo mình không dám nghỉ, bệnh cũng cố đi làm bởi tiền ăn hằng ngày, tiền học của con, xăng cộ, tiền trọ đều đang chờ từng đồng lương của anh.

"Tui nấu ăn để tiết kiệm tiền, tiền trọ mỗi tháng 2 triệu bạc. Ráng mần dữ lắm mới đủ ăn, đủ đóng tiền này nọ", anh Sơn cho biết. Thương cha vất vả, bé Châu rất biết nghe lời. Em hay giành rửa chén, giặt đồ, lau nhà, riêng phần nấu ăn thì cũng tự nấu được một số thứ cơ bản, dù tự nhận chưa ngon.

Minh Châu học khá và biết tự giác học tập. Sau khi phụ cha làm việc nhà, em ngồi ngay ngắn vào chiếc bàn đặt trước cửa phòng trọ, lấy vở ra hoàn thành bài tập về nhà. "Bài này dễ ẹc, con làm chút xíu xong rồi nè cha", Châu cười khoe với cha.

Cậu học trò lớp 8 tâm sự em học đều các môn ở mức khá, song thích nhất là môn tin học. Bình thường, em thích đọc sách liên quan đến con số và truyện tranh. Châu thường thuê sách cũ trong tủ sách ở trường về đọc bổ sung thêm kiến thức. Châu tâm sự sẽ ráng học giỏi để mai mốt nuôi cha và để mẹ trên trời tự hào.

Anh Sơn nhìn con rồi trải lòng: "Tui ráng nuôi nó học hết lớp 12. Mấy lần tui tính về quê sống để đỡ chi phí mà thấy con mình học được nên ráng ở đây cho nó đi học". 

Tết này hai cha con sẽ đi xe máy về ăn Tết ở Sóc Trăng. Anh Sơn dự định trước khi về sẽ mua cho con hai bộ quần áo mới để "con nó vui với bạn bè".

Thay cha mẹ nuôi cháu là trẻ mồ côi tới chốn
Một năm nay, từ ngày trở thành trẻ mồ côi cả cha lẫn mẹ, hai chị em cậu học trò Dương Tấn Phát (15 tuổi) chuyển đến ở với bà Dương Thị Cúc (52 tuổi), cô ruột của Phát và vợ chồng con gái bà Cúc. Căn trọ 20m2 tại phường 15, quận Tân Bình là nơi cả nhà sáu người ở.

Thương hai đứa cháu ruột mồ côi cha bốn năm trước, năm ngoái lại mất mẹ vì dịch bệnh, bà Cúc thuê phòng trọ khá rộng rãi có gác lửng để các cháu tiện sinh hoạt, và chấp nhận không sống ở nhà chồng mà đi thuê trọ để cháu mình được tự nhiên. 

Hằng ngày, bà Cúc ở nhà giữ cháu ngoại để con gái và rể đi làm. Con gái là giáo viên mầm non, con rể làm shipper, tổng thu nhập mỗi tháng hơn 12 triệu đồng song phải đóng tiền trọ khoảng 5 triệu đồng/tháng và nuôi sáu miệng ăn.

Chị gái của Phát năm nay 20 tuổi, có đi làm nhưng cũng chẳng được bao nhiêu. Còn Phát năm nay lên lớp 9, em sắp thi chuyển cấp nên học rất nhiều. Để đỡ tiền thuê xe đưa rước, Phát thường đi ké bạn. 

Phát khá chịu khó học hành, thầy cô dạy thêm cũng thương nên có giảm học phí cho em. Cậu học trò lớp 9 còn biết tiết kiệm số tiền được các nhà hảo tâm cho để đỡ cho gia đình cô ruột mình.


Nhà đông người, bà Cúc nói co kéo mãi nhưng lúc nào cũng chật vật, thiếu trước hụt sau. Bà Cúc dự tính đợi cháu ngoại vô mẫu giáo sẽ kiếm việc làm thêm gần nhà, ai mướn gì làm nấy để phụ với các con. 

Bà tâm sự: "Dù thế nào vẫn cố nuôi thằng Phát học hành tới nơi tới chốn. Giờ nó chỉ có mình là người thân nên cố cưu mang được tới lúc nào hay lúc đó. Nó cũng biết nghe lời, không có đòi hỏi gì hết", bà Cúc cho hay.

Cậu bé Phát đã vơi nhiều nỗi buồn từ ngày mất mẹ, nhưng em ít nói hơn. Hôm giỗ đầu của mẹ, Phát cùng bà ngoại đi mua trái cây bày biện tươm tất lên bàn thờ. Bà Cúc bảo năm sau cháu vô lớp 10, bà sẽ cố gắng dành dụm mua cho cháu chiếc xe máy cũ 50 phân khối.

 
Bé Thanh Hiếu thắp nén nhang cho cha. Em ít nói nhưng sống khá tình cảm

Trẻ mồ côi lớn lên bằng tình thương của ông bà
May mắn không tốn tiền thuê nhà, song cuộc sống của vợ chồng ông Trần Viết Khải (64 tuổi, ngụ phường 21, quận Bình Thạnh) cũng chật vật không kém. Con dâu bỏ đi hơn 10 năm nay, từ ngày con trai mất hồi tháng 12-2021, hai đứa cháu nội được một tay ông bà nuôi nấng.

Trước đó, ông cũng đã nuôi cháu từ nhỏ, cuộc sống khó khăn song ít nhiều cũng có đứa con trai đi làm phụ giúp. Còn hơn một năm qua, hai cháu gái Trần Nguyễn Thanh Thảo (lớp 9) và Trần Nguyễn Thanh Hiếu (lớp 4) được cưu mang bằng tiền lương hưu chỉ hơn 7 triệu đồng của hai vợ chồng ông Khải cộng lại.

Mỗi ngày, ông Khải phụ trách đưa rước hai cháu nội đi học ở hai trường, còn vợ ông lo cơm nước ở nhà. Ông bảo muốn đi tìm việc gì đó để làm, kiếm thêm tiền nuôi hai đứa cháu, nhưng không muốn để hai đứa trẻ thiếu thốn sự quan tâm, vả lại vợ ông lo không xuể nếu ông đi làm cả ngày.

Sống với ông bà nội từ nhỏ, nếu Thanh Hiếu có phần rụt rè thì cô chị Thanh Thảo lại hoạt bát hơn. Thảo cho biết em rất nhớ cha, hay dặn em gái phải thường thắp nhang cho cha. "Hồi còn sống, tối nào ba đi làm xong cũng chở hai chị em con đi ăn, đi vòng vòng bờ kè chơi. Bây giờ lâu lâu đi qua chỗ đó là con nhớ ba lắm!", Thảo kể.

Cô bé 15 tuổi này khá hiểu chuyện, thương ông bà nội già yếu nên không đòi hỏi đi chơi, đi ăn hàng như bạn bè. Gặp chúng tôi, Thảo vui vẻ cho biết em thích nhất môn ngữ văn, "con mới thi xong học kỳ 1, được học sinh giỏi đó cô", Thảo cười, khoe.

Bé Hiếu thì học lực khá, em cũng hay về khoe với ông nội. "Tết này chị em con muốn được đi sở thú chơi, tụi con thích vô đó lắm", bé Hiếu vừa nói vừa nhìn ông nội, ra vẻ nũng nịu.

In Gửi Email
THỐNG KÊ TRUY CẬP

Hôm nay:

Hôm qua:

Trong tuần:

Tất cả:

ipv6 ready