Thứ ba, ngày 26 tháng 11 năm 2024
Cập nhật lúc: 16/06/2015
Chánh án TAND tối cao Trương Hòa Bình phát biểu tại phiên thảo luận Chánh án TAND tối cao Trương Hòa Bình phát biểu tại phiên thảo luận -  Ảnh: Ngọc Thắng

Dự án luật này có nhiều quy định mới so với luật hiện hành nhằm đảm bảo quyền con người, quyền công dân... theo Hiến pháp. Tuy nhiên, hầu hết các đại biểu (ĐB) đều bị cuốn vào cuộc tranh luận về khoản 2, điều 4, với quy định: “Tòa án không được từ chối yêu cầu giải quyết vụ việc dân sự vì lý do chưa có điều luật áp dụng”.

ĐB Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) nói: “Nếu quy định thế, khác gì xử không cần luật. Nếu cho áp dụng điều này, tôi e số vụ oan sai sẽ tăng”. “Ngoài ra, với quy định này lại phải chờ một nghị quyết của TAND tối cao về án lệ mới áp dụng thì tôi rất băn khoăn. Học theo kinh nghiệm nước ngoài, đưa cái mới vào mà không phù hợp với thực tế của VN thì không gọi là đổi mới được”, bà Khánh nói tiếp.

“Nếu tòa không xử, dân tự xử”

Tuy nhiên, số ĐB đồng tình nguyên tắc xét xử theo khoản 2, điều 4 vẫn chiếm đa số. ĐB Nguyễn Công Hồng (Đồng Nai) khẳng định: “Đây là bước tiến mới. Quy định này hoàn toàn phù hợp với Hiến pháp mà không mâu thuẫn với khoản 2, điều 103 của Hiến pháp vì luật Tổ chức tòa án cũng đã cho phép tòa án thi hành, phát triển án lệ chứ không phải không có căn cứ pháp luật”.

ĐB Trần Tiến Dũng (Hà Tĩnh) đồng tình: “Quy định này  phù hợp xu hướng tiến bộ của xã hội dân sự. Việc áp dụng án lệ, hay tập quán tương tự… nhiều nước phát triển đã áp dụng từ 60 - 70 năm trước, có hiệu lực, hiệu quả trong bảo vệ quyền công dân”.

Cuộc tranh luận càng sôi nổi hơn vào cuối ngày với sự tham gia của nhiều quan chức ngành tòa án, kiểm sát. Trung tướng Trần Văn Độ, Chánh án Tòa án quân sự T.Ư nói: “Đây là cơ hội vô cùng quý báu để thực hiện Hiến pháp 2013 và cải cách tư pháp. Nếu chúng ta không nắm bắt được những điểm đổi mới thì sẽ rất lâu nữa mới thực hiện tư tưởng đổi mới này. Cho nên cả bộ luật Tố tụng dân sự và bộ luật Hình sự đã rất mạnh dạn tiếp nhận điểm đổi mới”. “Đã là nhà nước của dân, vì dân mà tòa án nhân danh nhà nước không bảo vệ dân thì ai bảo vệ?”, ông Độ đặt câu hỏi.

Không sợ thiếu án lệ

Chánh án TAND tối cao Trương Hòa Bình đứng lên nói: “Cơ sở lớn nhất của điều này là chúng ta phải xây dựng nhà nước pháp quyền do dân vì dân. Việc gì dân yêu cầu chính đáng thì phải được giải quyết. Chưa có luật thì lỗi của nhà nước chứ không phải của dân. Hơn nữa, chúng ta đã tham gia công ước quốc tế các quyền chính trị, dân sự có quy định quyền và lợi ích hợp pháp của dân mà chưa quy định thì phải có biện pháp khắc phục”.

Về nguồn án lệ, ông Trương Hòa Bình trấn an: “ĐB phân vân chưa có án lệ và quy trình án lệ, chúng tôi đã cho rà soát lại giám đốc thẩm từ trước đến nay để những bản án chuẩn mực trở thành án lệ. TAND tối cao sẽ ban hành thông tư về phát triển án lệ, nguồn từ đâu, có hội đồng xét sơ bộ để thấy rằng có những yếu tố chuẩn mực để công bố trên các tạp chí. Khi công luận đồng ý, có hội đồng thẩm định thì đưa ra TAND tối cao đánh giá”.

Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường thêm ý kiến: “Thực ra từ những năm 50 - 60 của thế kỷ trước, không những luật dân sự mà luật hình sự đã bắt buộc tòa án cấp dưới phải tuân theo án lệ của tòa án tối cao”.

Tuân thủ nguyên tắc 2 cấp xét xử

Nhiều ĐB đồng tình với quan điểm cho rằng nhiều quy định của bộ luật sửa đổi lần này có thể bổ sung hoặc bỏ đi để giảm bớt thủ tục. ĐB Trần Du Lịch (TP.HCM) nói: “Tố tụng dân sự của ta quá nhiêu khê, nên rút ngắn thời hạn các thủ tục hơn nữa. Cần tuân thủ nguyên tắc 2 cấp xét xử, đừng để giám đốc thẩm xét xử như một cấp thứ ba và đây chỉ coi cấp phá án”.

ĐB Dương Ngọc Ngưu (Điện Biên) và một số ĐB khác đề nghị không quy định bổ sung phiên tòa “trù bị” về giao nộp, công khai chứng cứ như dự thảo luật vì chỉ làm “kéo dài thời gian tố tụng và không có hiệu quả.

 

Theo thanhnien

In Gửi Email
THỐNG KÊ TRUY CẬP

Hôm nay:

Hôm qua:

Trong tuần:

Tất cả:

ipv6 ready