Thứ ba, ngày 26 tháng 11 năm 2024
Cập nhật lúc: 03/02/2017
Bác Hồ viết di chúc - ảnh được trưng bày tại Bảo tàng Hồ Chí Minh. Ảnh: Như Ý.
Bác Hồ viết di chúc - ảnh được trưng bày tại Bảo tàng Hồ Chí Minh. Ảnh: Như Ý.

Toàn tâm, toàn ý phục vụ nhân dân

Trong các tư liệu của bản Di chúc, những nét chữ mực đỏ được Bác bổ sung vào năm 1968 nói về những việc cần làm ngay sau khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước thắng lợi rất rõ ràng. Bác viết: “Theo ý tôi, việc cần phải làm trước tiên là chỉnh đốn lại Ðảng, làm cho mỗi đảng viên, mỗi đoàn viên, mỗi chi bộ đều ra sức làm tròn nhiệm vụ Ðảng giao phó cho mình, toàn tâm, toàn ý phục vụ nhân dân. Làm được như vậy thì dù công việc to lớn mấy, khó khăn mấy chúng ta cũng nhất định thắng lợi”.

PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện lịch sử Ðảng nói rằng, những tài liệu đó có giá trị vô cùng lớn lao, trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước, nhất là bối cảnh chúng ta đang tích cực đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, cũng như thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Ðảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.

“Theo ý tôi, việc cần phải làm trước tiên là chỉnh đốn lại Ðảng, làm cho mỗi đảng viên, mỗi đoàn viên, mỗi chi bộ đều ra sức làm tròn nhiệm vụ Ðảng giao phó cho mình, toàn tâm, toàn ý phục vụ nhân dân. Làm được như vậy thì dù công việc to lớn mấy, khó khăn mấy chúng ta cũng nhất định thắng lợi”. 

Trích Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Thực tế, theo ông Phúc, những hiện tượng đó đã được Bác chỉ ra từ rất sớm. Chỉ sau hơn một tháng Cách mạng Tháng 8 năm 1945 thành công, Hồ Chí Minh đã viết thư gửi cho UBND các cấp và chỉ ra những tiêu cực, hạn chế đang manh nha xuất hiện. Trong thư, Bác đã chỉ rõ những “căn bệnh” của cán bộ các cấp như trái phép (làm trái pháp luật), cậy thế, hủ hóa (suy thoái về đạo đức, lối sống), tư túng (thu vén lợi ích cá nhân), chia rẽ (mất đoàn kết), kiêu ngạo (tự cao). Bác khẳng định, Nhà nước cách mạng là nhà nước phục vụ dân, việc gì có lợi cho dân thì phải ra sức làm, việc gì có hại đến dân thì phải hết sức tránh. 

Năm 1947, Bác đã viết tác phẩm Sửa đổi lề lối làm việc (tháng 10/1947). Trong tác phẩm này lần đầu tiên Bác dùng chữ chỉnh đốn Ðảng. Vì sao phải chỉnh đốn? Theo ông Phúc, vì bộ máy của Ðảng có biểu hiện tiêu cực, vô kỷ luật, bê trễ trong công việc, vi phạm đạo đức… cần phải chấn chỉnh. Trong công cuộc chỉnh đốn này, Hồ Chí Minh đã chỉ sâu sắc về công tác cán bộ. Bác nói, cán bộ là cái gốc của mọi công việc. Công việc thành công hay thất bại đều là do cán bộ tốt hay kém.

Chỉnh đốn Ðảng lời Bác dặn mãi nguyên giá trị ảnh 1
Bản di chúc được Bác chỉnh sửa trong năm 1968 nhấn mạnh đến việc cần làm ngay là chỉnh đốn lại Ðảng.

Thẳng thắn nói rõ sự thật

Theo ông Phúc, sau khi thống nhất đất nước, đặc biệt là khi thực hiện đường lối đổi mới, thì những lời căn dặn của Bác cho thấy hoàn toàn đúng. Ở nhiều nơi, nhiều chỗ, tình trạng suy thoái, tiêu cực, quan liêu, xa dân trong đội ngũ cán bộ, đảng viên diễn biến phức tạp. Do đó, Ðảng đã có nhiều nghị quyết, chỉ thị, nhiều cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Ðảng, nhất là Nghị quyết T.Ư 6 lần 2 (năm 1999), Nghị quyết T.Ư 4 khóa XI và mới đây là Nghị quyết T.Ư 4 khóa XII.

Với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật, có những lúc Ðảng ta đã công khai thừa nhận sai lầm, khuyết điểm, công khai nói rõ những mặt yếu kém, tiêu cực trong Ðảng. Ðảng xác định, việc xây dựng chỉnh đốn Ðảng là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, cần phải được thực hiện kiên trì, liên tục như “đánh răng, rửa mặt hàng ngày”.

Ông Phúc cũng cho hay, trước đây chỉ nói đến suy thoái, nên nhiều tổ chức, cá nhân có suy nghĩ rằng, suy thoái ở đâu, ở đơn vị nào chứ không phải ở đơn vị và cá nhân mình…? Chính vì thế nên trong việc phê bình và tự phê bình còn hình thức, chưa hiệu quả. 

“Việc nêu ra 27 biểu hiện suy thoái, tự diễn biến, tự chuyển hóa công khai, thẳng thắn trong văn kiện của Ðảng, công khai cho toàn dân biết đã thể hiện thái độ trung thực của Ðảng, nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật. Khuyết điểm nói rõ và thành công cũng nói rõ”, ông Phúc nói.

Ông Nguyễn Túc, Ủy viên Ðoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, nhận xét: Sau Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, tới Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII đã tạo ra sự chuyển động tích cực của cả hệ thống chính trị trong công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng nói riêng, trong việc xây dựng, chỉnh đốn Ðảng nói chung. Nếu như trước đây khi xử lý các vụ việc, mọi người thường nhắc đến việc “về hưu là hạ cánh an toàn”, nhưng qua vụ Trịnh Xuân Thanh cho thấy sẽ không còn điều đó nữa. 

“Vừa qua, các lãnh đạo cao cấp của Ðảng, Chính phủ, Quốc hội đều khẳng định, không có vùng cấm, không có chuyện về hưu là hạ cánh an toàn. Chính phủ còn giao cho Bộ Nội vụ nghiên cứu xây dựng văn hóa từ chức. Cơ quan kiểm tra kỷ luật của Ðảng xây dựng cơ chế kiểm soát tài sản, thu nhập của cán bộ để xử lý nghiêm tình trạng vi phạm, tham nhũng, sự thiếu trung thực trong việc kê khai tài sản… Tất cả những điều đó cho thấy đang có sự chuyển động, vào cuộc tích cực của cả hệ thống trong công tác xây dựng và chỉnh đốn Ðảng”, ông Túc nói.

Theo tienphong

In Gửi Email
THỐNG KÊ TRUY CẬP

Hôm nay:

Hôm qua:

Trong tuần:

Tất cả:

ipv6 ready