Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu chỉ đạo tại hội nghị - Ảnh: Trường Sơn
|
Đây là kết quả điều tra dư luận do Ban Tuyên giáo T.Ư thực hiện vừa được ông Tô Huy Rứa, Trưởng ban Tổ chức T.Ư cho biết tại phiên bế mạc Hội nghị cán bộ toàn quốc về công tác tổ chức xây dựng Đảng chiều nay, 29.1.
Làm rõ có hay không chuyện chạy chức, chạy quyền
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã yêu cầu làm rõ có hay không vấn đề chạy chức, chạy quyền.
“Hiện trong dư luận xã hội vẫn nói câu chuyện chạy chức, chạy quyền, chạy bằng khen, chạy thi đua, chạy chế độ, chạy luân chuyển… Việc này khá phổ biến, không chỉ trong ngành tổ chức cán bộ, mà ở cả đào tạo, giáo dục, cứ thấy bao nhiêu tỉ vào chức này, chức kia nghe mà xót cả ruột”, Tổng bí thư nói.
Tổng bí thư đề nghị hội nghị lần này cần nhìn thẳng vào sự thật, nói thật. “Hãy thảo luận để khẳng định sòng phẳng, rõ ràng, nếu có thì ta rút kinh nghiệm, ai chạy, chạy ai, ở đâu, mức độ thế nào…”, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nói.
Theo Tổng bí thư, ngành tổ chức không thể chủ quan mà phải giải tỏa tâm tư này trong xã hội, phải minh bạch, rõ ràng bằng quy chế, luật pháp, quy định, kiểm tra, đôn đốc.
Liên quan đến nhiệm vụ năm 2015, trọng tâm là Đại hội đảng bộ các cấp, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh việc coi trọng chất lượng, bảo đảm tiết kiệm, không phô trương hình thức. Trong quá trình chuẩn bị và tiến hành Đại hội, phải lãnh đạo tốt công tác tư tưởng, tập trung giải quyết những vấn đề tồn tại bức xúc mà cán bộ, đảng viên và nhân dân quan tâm, bảo đảm an ninh, an toàn, trật tự xã hội.
Về nhân sự cấp ủy các cấp, Tổng bí thư nêu rõ công tác này cần tiến hành đúng quy chế, quy trình, gắn với việc củng cố chỉnh đốn, xây dựng Đảng theo tinh thần Nghị quyết T.Ư 4.
Tiếp tục siết chặt quy trình bổ nhiệm, đề bạt
Phát biểu kết luận hội nghị, ông Tô Huy Rứa cho biết trong thời gian tới Ban Tổ chức T.Ư sẽ tiếp tục xây dựng, trình các quy chế liên quan đến quy trình bổ nhiệm, đề bạt cán bộ chặt chẽ hơn để ngăn ngừa tiêu cực, chống chạy chức, chạy quyền.
Theo ông Tô Huy Rứa, kinh nghiệm từ việc luân chuyển trong thời gian qua đã được thực hiện bài bản, theo quy trình chặt chẽ. Từ tình hình địa phương để trình xin chủ trương về địa bàn, chức danh, tiếp đó mới đến việc lựa chọn nhân sự của ban, bộ, ngành T.Ư và làm việc thống nhất với các cấp ủy địa phương trước khi trình Bộ Chính trị, Ban bí thư T.Ư.
Theo ông Tô Huy Rứa, quy trình này đòi hỏi có sự đồng thuận của 6 cơ quan từ T.Ư đến địa phương nên việc một ai đó “chạy” được cả 6 cơ quan là điều không thể làm được.
Trưởng ban Tổ chức T.Ư cũng cho biết, Ban này đang có kế hoạch tiếp tục xây dựng quy chế bổ sung chặt chẽ hơn để ngăn ngừa tiêu cực, ví như dự thảo quy định về việc không cho phép tiếp xúc giữa các nhân sự được đề xuất luân chuyển, đề bạt, phong hàm cấp tướng... với cán bộ của Ban Tổ chức T.Ư có liên quan trong thời gian xem xét đề xuất.
Theo thanhnien