Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024
Cập nhật lúc: 24/03/2015

Cây di sản ở Tây Nguyên

Từ năm 2010, nhân năm mở đầu của Thập kỷ Đa dạng sinh học của Liên hiệp quốc, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam (VACNE) đã phát động bảo tồn cây di sản Việt Nam. Theo tiêu chí của VACNE, cây di sản là những cây cổ thụ có tuổi đời hàng trăm năm trở lên, có dáng đẹp, hùng vĩ, gắn liền với giá trị sâu sắc về khoa học, về môi trường, văn hóa, lịch sử dân tộc... Cây di sản có thể là cây tự nhiên hoặc là cây do con người trồng nhưng phải có hình dáng đặc sắc, đặc biệt ưu tiên các loài đặc hữu, quý hiếm, có giá trị văn hóa, lịch sử.

 

Cây long não tại Biệt Điện Bảo Đại.    Ảnh: Hoàng Gia
Cây long não tại Biệt Điện Bảo Đại. Ảnh: Hoàng Gia

Cây di sản thường là cây cổ thụ cao lớn. Nếu ở vùng đồng bằng, cây di sản có tuổi thọ từ bảy tám chục năm đến vài trăm năm chứng kiến bao biến cố lịch sử, xã hội, gần gũi với đời sống con người và trên hết, nó là thực thể sống gắn bó với con người. Cây thường mọc trên cánh đồng làng, bìa rừng, thung lũng hay nằm ven đường phố của khu đô thị; thường thấy nhất là cây được người đời xưa trồng trong khuôn viên đình chùa, miếu mạo, lăng tẩm, nhà thờ, thánh thất. Còn ở vùng Tây Nguyên, cây di sản chủ yếu là cây tự nhiên nhưng có liên quan mật thiết đến hoạt động, đời sống của con người, buôn làng. Đó là những cây cổ thụ ở đầu ghềnh thác hay các bến nước, cây thiêng, rừng thiêng đầu nguồn hay là cây trồng từ khi khai phá vùng đất mới để lập làng... Cây di sản Tây Nguyên thường có vị trí quan trọng trong đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số nơi đây. Người ta không chặt những cây này để lấy gỗ, làm củi mà hết sức giữ gìn, coi trọng vì mỗi cây đều ẩn chứa sắc màu huyền thoại. Cây đa bến nước, cây sung, cây pơ lang... đầu làng sum suê tỏa bóng mát. Vào những ngày không đến lớp, trẻ con trong làng thường đến đây vui chơi, nô đùa, tạo nên một hình ảnh rất sống động. Người dân cũng thường đến đây nghỉ ngơi sau chuyến đi nương rẫy về. Thân cây cổ thụ cũng được chọn làm trụ cầu, căng dây mây, dây thép để giữ vững những chiếc cầu treo qua suối.

Tây Nguyên đại ngàn vốn có tiềm năng về loại hình cây di sản. Rừng cây cổ thụ trong khuôn viên Biệt Điện Bảo Đại nằm giữa lòng TP. Buôn Ma Thuột đang được các cơ quan chức năng lập hồ sơ công nhận là rừng cây di sản. Nơi đây tồn tại nhiều loại cây cổ thụ có dáng cao vút, thân đồ sộ, biểu tượng của sức mạnh thiên nhiên, rừng núi. Vườn cây vừa làm đẹp cảnh quan cho thành phố, tôn tạo công trình kiến trúc Bảo tàng Dak Lak, vừa là lá phổi xanh mang lại cuộc sống tươi đẹp cho thành phố cao nguyên. Đặc biệt, hai cây long não phía trước Biệt Điện Bảo Đại đã được công nhận là cây di sản vào năm 2014. Cũng trong thời gian này, cây bồ đề ở buôn Yang Lành (huyện Buôn Đôn) đã được công nhận là cây di sản. Những cây sanh, cây si nghìn gốc độc nhất vô nhị ở Buôn Đôn là tặng vật của tạo hóa làm đẹp cho thiên nhiên, buôn làng Tây Nguyên đã được bảo vệ, khai thác trong hoạt động du lịch. Rừng cây pơ mu ở dãy Chư Yang Sin là tài nguyên quý giá, rất xứng đáng để lập hồ sơ công nhận cây di sản.

Bảo tồn cây di sản là trực tiếp bảo tồn nguồn gien đa dạng sinh học, cái vốn quý nhất của sự sống. Thiết nghĩ, chính quyền địa phương cần tuyên truyền, quản lý chặt chẽ, cấm mua bán, chặt phá cây cổ thụ, tôn tạo cảnh quan nơi có cây di sản để làm đẹp cho buôn làng, đường phố; đồng thời điều tra, thống kê, khoanh vùng bảo vệ các cây cổ thụ, cây di sản ở Tây Nguyên, bảo vệ cây đầu nguồn, duy trì nguồn nước, có phương án bảo vệ cây, xử lý bằng những kỹ thuật, phương pháp thích hợp nhất, dọn vệ sinh, chăm sóc cây khỏi bị côn trùng phá hoại gây hư hại thân cây. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cũng cần tiến hành khẩn trương lập hồ sơ đề nghị cấp có thẩm quyền công nhận cây di sản, xem đây là một nguồn tài sản quý của địa phương cần được bảo tồn, tôn tạo, gìn giữ như những di tích vật thể khác.

Theo baodaklak

In Gửi Email
THỐNG KÊ TRUY CẬP

Hôm nay:

Hôm qua:

Trong tuần:

Tất cả:

ipv6 ready