Cảnh báo xâm hại hang di sản ở Hạ Long
|
Đã có khoảng 150 người tham dự buổi hòa nhạc trong khuôn khổ Festival Âm nhạc mới Á - Âu tại hang Đầu Gỗ có tuổi đời hàng triệu năm, thuộc quần thể vịnh Hạ Long, Quảng Ninh vào trưa 11.10. Hầu hết họ là khách mời, nghe nhạc trong ánh sáng của 20 bát nến đặt quanh nơi biểu diễn, trong đó có 8 bát nến đặt trên chảo bằng tôn lớn, có phản xạ ánh sáng.
Nỗi lo rớt thạch nhũ
Lửa không chỉ tạo vẻ đẹp cho buổi biểu diễn mà theo nhạc sĩ Đức Trịnh, chỉ đạo nghệ thuật của chương trình, còn là “sự sáng tạo của Hội Nhạc sĩ VN”. Tuy nhiên, lửa tiềm ẩn nguy cơ phá hủy hang. Hồi năm 2010 đã có một nghiên cứu đánh giá hiện trạng của một số yếu tố độc hại trong các hang động trên vịnh Hạ Long. Là người phản biện nghiên cứu đó, PGS Trần Tân Văn, Viện trưởng Viện Địa chất và Khoáng sản, khuyến cáo: “Nên cấm hút thuốc hoặc cấm lửa trong hang vì mặc dù nồng độ CH4 (mê tan) còn đang trong giới hạn cho phép nhưng vẫn có khả năng gây cháy nổ”.
Cũng trong phản biện của mình, ông Tân Văn cho biết đã có tới 4 loại khí không đạt tiêu chuẩn cho phép. Khí O2 thấp hơn so với nồng độ tự nhiên trong không khí khoảng 21%, tuy vẫn nằm trong giới hạn cho phép cộng với nồng độ CO2 tăng cao cho thấy lượng khách tham quan lớn và hang không bảo đảm thông gió. Các khí SO2, Cl2 cũng cần phải có giải pháp xử lý.
|
Trước buổi biểu diễn, bà Phạm Thùy Dương, Trưởng ban quản lý vịnh Hạ Long, cho biết: “Biểu diễn trong hang Đầu Gỗ không phải bây giờ mới có mà cách đây nhiều năm, Carnaval Hạ Long đã tổ chức hòa nhạc giao hưởng trong hang rồi. Hòa nhạc giao hưởng không ảnh hưởng đến cảnh quan và thẩm mỹ gì trong hang cả”.
Qua văn bản phản biện về nghiên cứu các loại khí trong hang mà ông Văn vừa cung cấp, có thể thấy vị PGS không đồng tình với việc đưa người, lửa, âm nhạc vào trong hang một cách thoải mái. Thậm chí, văn bản phản biện còn có đoạn: “Rõ ràng là ban quản lý vịnh cần áp dụng ngay biện pháp giảm nhẹ, thí dụ thông khí, giảm bớt lượng người vào tham quan. Đặc biệt, giảm bớt thời gian du khách lưu lại trong hang”.
Nhạc sĩ Đức Trịnh cho rằng: “Nếu chơi nhạc rock, kèn đồng hoặc các nhạc cụ điện tử thì có thể tạo sóng âm làm thạch nhũ rớt xuống, ảnh hưởng tới sinh thái, môi trường trong hang. Còn đây là nhạc cụ truyền thống làm cho âm thanh tự nhiên được cộng hưởng với nhau”. Tuy nhiên, âm thanh của âm nhạc, cho dù không làm rớt thạch nhũ “ngay tại trận” trong buổi biểu diễn, rõ ràng cũng phá vỡ “những khu vực tĩnh lặng” của hang. Quan điểm bảo đảm tĩnh lặng này của nhà nghiên cứu địa chất cũng không “thuận” theo ý kiến của nhạc sĩ Đức Trịnh.
Hang động cần được “nghỉ”
Về buổi hòa nhạc này, GS Vũ Văn Phái, ĐH Khoa học tự nhiên Hà Nội, cho rằng đưa người vào hang rõ ràng không có lợi cho bảo tồn. “Có những việc cứ nghĩ là bình thường nhưng lại gây chấn động trong hang. Ánh sáng điện, nến sẽ ảnh hưởng đa dạng địa chất trong hang. Nó làm cho thạch nhũ khô đi, biến màu mất đẹp. Nó cũng ảnh hưởng đến đa dạng sinh học trong hang. Có những động vật dưới ánh sáng sẽ bị tiêu diệt hoặc bỏ đi, như dơi chẳng hạn”, ông nói.
|
Chưa kể, nếu như âm thanh - ánh sáng có tác động khó thấy ngay bằng mắt thường thì những việc như buộc dây, treo biển trong hang lại lộ rõ. Dây chằng cho các khung lớn dựng phông sân khấu được níu thẳng vào thạch nhũ.
Theo ông Phái, cần hạn chế lượng người tham quan du lịch, cũng như hạn chế tối đa dùng ánh sáng phi tự nhiên trong hang. Thêm vào đó, các hang động này cần được đóng cửa một thời gian trong năm để có thể “nghỉ phép” tái tạo thạch nhũ. Khuyến cáo này đã được ông cùng các nhà nghiên cứu hang động đưa ra tại Hội nghị VN học 4 hồi năm 2012 với Phong Nha, Kẻ Bàng. Tuy nhiên, hang Đầu Gỗ chưa từng được “nghỉ ngơi” như vậy.
“Về mặt nguyên tắc, chúng ta hoàn toàn có thể tính toán ngưỡng chịu đựng của hang. Nó có thể chịu được bao nhiêu người trong hang, bao nhiêu nhiệt tỏa ra từ người và các thiết bị. Phải tính toán và thống kê để cho hang “nghỉ ngơi”. Làm thế mới bảo tồn được tài nguyên du lịch”, một chuyên gia bảo tồn di sản nói.
Tại hội thảo Bảo tồn và phát huy giá trị di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long - tầm nhìn mới cách đây 2 năm, ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, cho rằng các tổ chức hoạt động du lịch ở đây vừa bán rẻ tài nguyên du lịch, vừa không hiệu quả. Mới đây, Hạ Long đã có mặt trong “danh sách đen” - danh sách các di sản mà UNESCO khuyến nghị về bảo tồn. Theo đó, UNESCO đề nghị Hạ Long phải thiết lập được hệ thống quản lý toàn diện. Và nếu khuyến cáo của các nhà khoa học về âm thanh, hàm lượng các chất khí có hại, về lượng người ra vào hang không được quan tâm đúng mức thì rồi Hạ Long sẽ ra sao? |
Theo thanhnien