|
Cần có sự phân biệt
Nhận xét về tờ trình của Chính phủ đề nghị Quốc hội (QH) tiếp tục cho miễn, giảm thuế, xóa tiền phạt nợ thuế của một số đối tượng doanh nghiệp (DN), đại biểu Phùng Văn Hùng (Cao Bằng) cho rằng: “Các DN những năm qua đúng là quá khó khăn. Có những thời điểm lãi suất trên 20% như vậy thì DN chậm nộp thuế, không có tiền trả tiền phạt thì đó là hậu quả của thời kỳ lạm phát quá cao. Do đó, miễn tiền phạt nhưng vẫn thu nợ gốc là đúng”.
ĐB Trần Quang Chiểu (Nam Định) cũng ghi nhận việc xóa tiền phạt nợ thuế cho nhiều DN do nguyên nhân khách quan. “Nhiều nơi, DN nợ tiền do ngân sách nhà nước nợ (tiền đầu tư xây dựng cơ bản) không trả cho họ, chính nhà nước gây ra gánh nặng cho họ hay trường hợp đối tác của DN phá hợp đồng thì miễn tiền phạt, tiền thuế cho những DN này là rất đúng đắn”, ông nói.
Tuy nhiên, ông tỏ ý không đồng tình với đề xuất của Chính phủ về chính sách thuế với ngành công nghiệp hỗ trợ khi quy định một số sản phẩm lần đầu do VN sản xuất thì được ưu đãi mức thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) 10% trong 30 năm. “Điều này bất hợp lý vì có những sản phẩm lần đầu ở VN sản xuất nhưng lại là rác thải, là công nghệ hạng hai, hạng 3 ở nước ngoài rồi thì sao?”, ông Chiểu lập luận và đề nghị Chính phủ cần thiết kế điều này rõ hơn, theo tiêu chí “công nghệ cao” trong luật Khoa học công nghệ.
ĐB Nguyễn Thành Tâm (Tây Ninh) cũng cho rằng, đề xuất về thuế TNDN ưu đãi cho dự án quy mô lớn (trên 12.000 tỉ đồng) trong 30 năm cũng không hợp lý vì trong khoảng thời gian dài như vậy thì công nghệ áp dụng cho dự án đó không còn là công nghệ cao của thế giới.
Trưởng ban Kinh tế T.Ư Vương Đình Huệ nói rằng, các chính sách miễn, giảm, ưu đãi thuế lần này, theo đánh giá tác động sẽ làm giảm thu ngân sách 10.000 tỉ đồng/năm. “Nếu là các DN vừa và nhỏ, DN phục vụ nông nghiệp… thì Chính phủ, QH không tiếc gì. Nhưng trong dự thảo luật không nói rõ chỗ này tháo gỡ cho ai, đối tượng nào được hưởng. Nên Ủy ban Tài chính - Ngân sách cần xem kỹ, trình bày rõ hơn”, ông nêu ý kiến.
Bộ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông đề nghị không nên đánh thuế TTĐB với game online
Thảo luận tại tổ Hà Nội, ĐB Nguyễn Thị Nguyệt Hường nói: “Hiện nay một phần lớn giới trẻ đang bị nghiện game. Họ ít đọc sách hơn và dành nhiều thời gian cho game nên nếu thuế là công cụ hữu hiệu để điều tiết việc tiêu dùng thì cân nhắc sử dụng đối với game online”. Bộ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông Nguyễn Bắc Son cho rằng: “Dù có nhiều tác hại nhưng game cũng góp phần phát triển kinh tế”. Ông lấy ví dụ, Trung Quốc đã phát triển mạnh mẽ về game, thành lập học viện game và hình thành nền công nghiệp game. “Ở nước họ, game nước ngoài muốn vào thì phải liên kết với một công ty trong nước và chỉ được chiếm 5%. Còn ở VN, Chính phủ đã có nghị định đưa game vào một trong những dịch vụ cung ứng số. Doanh thu năm 2013 được 4.000 tỉ đồng, tạo việc làm cho 7.500 người. Vì vậy cần khuyến khích game giải trí, hạn chế game bạo lực và kiểm soát thời gian chơi game”, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son cho biết. Ông nói: “Hiện chưa có nước nào đưa game vào danh mục thực hiện thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB). Vì vậy tôi đề nghị không nên đánh TTĐB đối với game”.
Nhiều ĐBQH đồng ý với đề xuất của Chính phủ về lộ trình tăng thuế TTĐB với các mặt hàng bia, rượu, thuốc lá… để hạn chế sử dụng và cũng để tăng thu ngân sách.
ĐB Nguyễn Thị Thu Hằng (Nam Định) nói: “VN là một trong nhóm 15 nước hút thuốc lá nhiều nhất thế giới, giá bán lẻ thấp nên thanh thiếu niên dễ tiếp cận, sử dụng còn người lớn lại không có áp lực. Do đó, nên áp mức thuế, cao hơn đề xuất, theo tôi là 90%”. Tuy nhiên, ĐB Bùi Đức Hạnh (Lào Cai) lại cho rằng, nếu thuế TTĐB với rượu, thuốc lá tăng cao thì việc chống buôn lậu với các mặt hàng này sẽ rất khó khăn: “Chúng ta đã để thuế với thuốc lá khá cao nên trên thực tế, hằng năm, một lượng thuốc lá lậu không nhỏ từ Thái Lan, Campuchia… tràn vào VN qua biên giới giáp Hà Tĩnh, Quảng Trị…”. “Nếu giá thuốc lên, sức ép đẩy hàng buôn lậu vào càng lớn. Mặt hàng rượu cũng vậy, không hẳn tăng thuế, giá rượu lên là người ta bỏ được. Người ta có thể dùng rượu nấu, rượu nhập lậu”, ĐB Bùi Đức Hạnh lập luận.
Giảm thuế cho báo điện tử xuống còn 10%
Báo chí cách mạng VN đã có những đóng góp rất lớn, đặc biệt trong tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, thông tin kịp thời về các vấn đề lớn của đất nước, tạo ra dư luận tốt trong xã hội. Trong thời gian qua điều kiện kinh tế xã hội, do xu hướng tiếp cận thông tin, với điều kiện công nghệ thông tin phát triển mạnh việc thông tin tuyên truyền trên báo giấy gặp rất nhiều khó khăn. Hiện nay Chính phủ đã kịp thời có những chủ trương đúng đắn tức là có chính sách giảm thuế cho báo in xuống 10%. Việc này đã giúp đỡ cho báo chí rất nhiều, giúp báo chí vượt qua khó khăn. Nhưng hiện nay xu thế mảng báo in ít dần đi, việc đọc báo điện tử sẽ tăng lên nhiều. Báo chí của VN cũng đang chuyển dần sang xu thế báo điện tử. Nhưng hiện nay về chính sách báo điện tử vẫn chịu mức thuế 22%. Quan điểm của tôi là cần có sự hỗ trợ đối với báo điện tử để xây dựng được những tờ báo điện tử mạnh, trở thành nòng cốt tuyên truyền chủ trương của Đảng, Nhà nước, thông tin kịp thời trên mạng, định hướng dư luận đúng đắn. Đây là việc rất bức thiết và kiến nghị của tôi là có chính sách hỗ trợ cho báo điện tử. Cụ thể là giảm thuế xuống mức 10% như báo in. ĐB Nguyễn Đắc Vinh (Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn) |
Theo thanhnien