Cán bộ Đoàn cần phải biết về khởi nghiệp
Hội nghị dưới sự chủ trì của đồng chí Lê Quốc Phong – Uỷ viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Bí thư Thứ nhất Trung ương Đoàn và đồng chí Nguyễn Anh Tuấn - Bí thư thường trực Trung ương Đoàn.
Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn Lê Quốc Phong phát biểu tại hội nghị
Ban Thường vụ đã nghe và cho ý kiến các văn bản quan trọng đang trong quá trình xây dựng, như: Đề án Thanh niên khởi nghiệp giai đoạn 2018 – 2022; Báo cáo Tổng kết NQ 01-NQ/TWĐTN của BCH Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh khóa X về nâng cao chất lượng phong trào Thanh niên tình nguyện, giai đoạn 2013 - 2017; Kết luận của Ban chấp hành Trung ương Đoàn khoá XI về tăng cường hỗ trợ thanh niên làm kinh tế, giai đoạn 2018 - 2022.
Các đồng chí Uỷ viên Ban thường vụ đã thảo luận rất sôi nổi và góp nhiều ý kiến vào cả ba văn bản.
Đề án thanh niên khởi nghiệp giai đoạn 2018 – 2022 có mục tiêu tổng quát nhằm góp phần thực hiện mục tiêu ra đời 500.000 doanh nghiệp đến năm 2020 của Chính phủ; kiến tạo môi trường, động lực mạnh mẽ để các thành phần thanh niên khác nhau ra sức sáng tạo khởi nghiệp, chung tay xây dựng đưa Việt Nam thực sự trở thành quốc gia khởi nghiệp.
Tại hội nghị, các đồng chí Ủy viên Thường vụ đã thảo luận sôi nổi và các ý kiến đều thống nhất đánh giá đề án được xây dựng công phu, chặt chẽ nhưng cũng góp nhiều ý kiến bổ sung, đặc biệt khi bàn về những mục tiêu cụ thể.
Bí thư Thành Đoàn TP. HCM Phạm Hồng Sơn đặt vấn đề: Việc đặt chỉ tiêu 50% đoàn viên, thanh niên được tuyên truyền, nâng cao nhận thức về khởi nghiệp liệu có quá rộng và thiếu tập trung không hay nên tập trung vào nhóm thanh niên nào đó có tiềm năng khởi nghiệp cao.
Đồng chí Phạm Hồng Sơn cũng trao đổi, cần nghiên cứu xem trong 1.000 dự án khởi nghiệp sáng tạo dự kiến được Đoàn hỗ trợ đến năm 2022, dự báo tỷ lệ thành công là bao nhiêu.
Bí thư Tỉnh Đoàn Đồng Tháp Nguyễn Văn Vũ Minh nhấn mạnh, Đoàn cần kết hợp với Bộ Giáo dục trong chương trình đưa nội dung khởi nghiệp vào trường học và nên suy nghĩ xem trong hai lĩnh vực khởi nghiệp thông thường (khởi nghiệp mưu sinh) và khởi nghiệp sáng tạo thì Đoàn nên tập trung hỗ trợ loại hình nào.
Bí thư Thành Đoàn Cần Thơ Đào Chí Nghĩa cho rằng, đề án cần nhấn mạnh thêm về đối tượng thanh niên đô thị, những người có tiềm năng khởi nghiệp cao và băn khoăn ở thực trạng hiện nay của một số tỉnh Đoàn thì đến năm 2022, mỗi tỉnh thành Đoàn thành lập được bộ phận chuyên trách hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp liệu có thực tế.
Trái lại, đồng chí Y Nhuân Byă – Bí thư Tỉnh Đoàn Đắk Lắk có ý kiến cho rằng, với mục tiêu đến năm 2022, mỗi tỉnh thành Đoàn thành lập được bộ phận chuyên trách, nếu chúng ta thực sự quyết tâm thì phải thành lập sớm hơn.
Bí thư Thành Đoàn Đà Nẵng Nguyễn Duy Minh băn khoăn về việc chính nhiều cán bộ Đoàn hiện cũng không đủ kiến thức trong lĩnh vực khởi nghiệp để tư vấn hỗ trợ và đặt ra yêu cầu về việc tăng cường phối hợp với đơn vị, cá nhân có khả năng để thực hiện việc hỗ trợ.
Bí thư Thành Đoàn Hà Nội Nguyễn Văn Thắng cũng cho rằng, Đề án cần chú ý thêm đối tượng thanh niên thành thị. Còn đối với khối sinh viên, một đối tượng có tiềm năng khởi nghiệp lớn thì phải chú trọng việc truyền lửa.
Kết luận phần thảo luận, Bí thư thứ nhất Lê Quốc Phong nhận định, Đề án có tính khả thi cao (và dự kiến sẽ đề nghị Thủ tướng Chính phủ ký ban hành); Thường vụ thống nhất cao về các nhóm giải pháp. Vấn đề là cán bộ Đoàn các cấp làm thế nào để hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp.
Đồng chí cho rằng, trước hết, cán bộ Đoàn cần phải biết về khởi nghiệp. Thứ hai là làm thế nào để các nhóm thanh niên Việt Nam có thể tham gia vào hoạt động khởi nghiệp đều có thông tin và được hỗ trợ, làm thế nào để họ bước vào khởi nghiệp có kiến thức, có thông tin, được chuẩn bị để nếu có thất bại thì cũng không thành một rào cản tâm lý, không còn khả năng khởi nghiệp một lần nữa. Mong muốn đông đảo thanh niên Việt Nam tiếp xúc với tinh thần khởi nghiệp.
Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn cũng nêu trong hỗ trợ các điều kiện thực tế để người khởi nghiệp thực hiện các ý tưởng, Đoàn nên tham gia giải quyết các vấn đề cơ chế, vốn, đầu ra. Vốn chỉ là vốn mồi, Đoàn không thể nào có đủ nguồn vốn để cung cấp đủ cho các dự án khởi nghiệp.
Về chỉ tiêu đến năm 2022, các tỉnh, thành Đoàn thành lập bộ phận hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp thì không cứng nhắc tất cả đều tự mình làm mà có thể phối hợp với các lực lượng xã hội khác. Việc thành lập các bộ phận chuyên trách hỗ trợ phải đẩy sớm hơn 2022, có lẽ đặt chỉ tiêu đến cuối 2019.
Uỷ viên thường vụ Trung ương Đoàn, Trưởng ban Thanh niên trường học Nguyễn Minh Triết nhận định: Phong trào Thanh niên tình nguyện, đặc biệt là Mùa hè xanh có những thay đổi rất tích cực
Về chỉ tiêu 50% ĐVTN được trang bị kiến thức về khởi nghiệp, có thể điều chỉnh hướng vào một số nhóm tiềm năng nhất... cần tập trung hỗ trợ loại hình khởi nghiệp nào, Bí thư thứ nhất cho rằng nên tập trung hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.
Về dự thảo Báo cáo Tổng kết NQ 01-NQ/TWĐTN của BCH Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh khóa X về nâng cao chất lượng phong trào Thanh niên tình nguyện, giai đoạn 2013-2017, các uỷ viên thường vụ Nguyễn Minh Triết – Trưởng ban Thanh niên trường học, Vũ Thị Giáng Hương – Trưởng ban Thanh niên Công nhân và Đô thị, Y Nhuân Byă – Bí thư Tỉnh Đoàn Đắk Lắk, Vũ Đức Tú – Bí thư Đoàn khối Doanh nghiện Trung ương, Nguyễn Phạm Duy Trang – Trưởng ban Công tác thiếu nhi, Phạm Hồng Sơn – Bí thư Thành Đoàn TP.HCM… đều đánh giá những kết quả quan trọng trong việc thực hiện Nghị quyết số 01.
Cụ thể, kế hoạch được triển khai sớm hơn, sự phối hợp tốt hơn, các phong trào như: Mùa hè xanh, Kỳ nghỉ hồng, Hoa phượng đỏ mang lại nhiều hiệu quả. Các hoạt động tình nguyện thu hút được nhiều đối tượng tham gia, đồng hành…
Bên cạnh đó, một số nhược điểm cũng được chỉ ra như: Kỳ nghỉ hồng triển khai còn khó khăn ở nhiều nơi; vai trò một số đối tượng đoàn viên, thanh niên còn chưa được rõ; chưa bao quát hết được các hoạt động tình nguyện tự phát...
Bí thư thứ nhất Lê Quốc Phong kết luận: Sự lớn mạnh, phát triển của phong trào tình nguyện được các uỷ viên thường vụ thống nhất đánh giá. Phong trào tình nguyện phát triển mạnh hơn về chiều rộng và chiều sâu.
Bắt đầu có đủ không gian và điều kiện cho nhiều đối tượng rộng rãi tham gia các chiến dịch, các dự án; Phong trào đã hoàn thiện hơn về phương thức, về đối tượng tham gia…
Tiếp theo làm sao tình nguyện phải là phong trào thu hút đông nhất thanh niên tham gia. Sao cho phong trào tình nguyện không chỉ là làm được cái gì cụ thể ở địa bàn, mà còn phải là biểu hiện của tinh thần, là hình ảnh, là cảm hứng, là giá trị của tổ chức Đoàn, Hội, của thanh niên Việt Nam.
Ở nội dung góp ý Kết luận của Ban chấp hành Trung ương Đoàn khoá XI về tăng cường hỗ trợ thanh niên làm kinh tế giai đoạn 2018 - 2022.
Các đại biểu và Bí thư thứ nhất Lê Quốc Phong đều thống nhất nhận định: Nhu cầu thanh niên làm kinh tế để thoát nghèo, làm giàu là nhu cầu rất lớn; phải coi hỗ trợ họ biến nhu cầu thành hiện thực là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Quan trọng là hỗ trợ thanh niên về nguồn vốn, về mô hình, đầu ra. Các ý kiến cũng chỉ ra những nguồn vốn cụ thể và các vấn đề đang tồn tại…
Theo chương trình làm việc, ngày 27/5, Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương Đoàn tiếp tục cho ý kiến về dự thảo Đề án tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hoá cho thanh thiếu nhi, giai đoạn 2018 - 2022; Dự thảo Kế hoạch triển khai cuộc vận động “Xây dựng giá trị hình mẫu cho thanh niên Việt Nam thời kỳ mới”; cho ý kiến về một số nội dung trình Hội nghị BCH Trung ương Đoàn lần thứ ba _ khóa XI.
Theo doanthanhnien