Thứ sáu, ngày 20 tháng 09 năm 2024
Cập nhật lúc: 20/08/2015
 

Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân. (Ảnh: TH)


Phóng viên (PV): Thưa đồng chí, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc lúc bấy giờ có ý nghĩa như thế nào trong thành công của Cách mạng tháng Tám năm 1945?

Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân: Để làm rõ sức mạnh của đại đoàn kết toàn dân tộc sẽ phải đề cập đến diễn biến rất đặc biệt của Cách mạng tháng Tám ở Hà Nội cũng như ở đất nước ta. Tuy nhiên, phải nói rằng, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc với sự chiến đấu hàng nghìn năm của chúng ta trong giai đoạn Cách mạng tháng Tám được phát huy vì có 2 điều kiện. Đó là sức mạnh đại đoàn kết thông qua sự lãnh đạo của Đảng, sự ủng hộ của mọi tầng lớp nhân dân và sức mạnh đại đoàn kết này đã trải qua một một quá trình tập dượt từ năm 1941 (khi có Mặt trận Việt Minh) và đến năm 1945 vào ngày 15 - 16/8 mới thể hiện ở chỗ hình thành các cuộc xuống đường của hàng vạn người ở Hà Nội và các địa phương khác đe dọa, gây áp lực đối với những người trong bộ máy chính quyền của chế độ cũ với phát xít Nhật. Lúc đó mới tạo thành lực lượng cách mạng để dẫn đến thành công của cuộc Cách mạng tháng Tám.

PV: Thưa đồng chí, những yếu tố nào đã khiến cho Mặt trận Việt Minh có thể tập hợp và quy tụ được các tầng lớp nhân dân nghe theo lời hiệu triệu của mình một cách hiệu quả như vậy?

Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân: Hội nghị Trung ương lần thứ 8, Đảng ta đã nhận định rằng cuộc chiến tranh thế giới lần thứ 2 sẽ kết thúc, đồng minh sẽ thắng lợi. Đây là thời cơ để chúng ta thực hiện giải phóng dân tộc. Cuộc đấu tranh của chúng ta lúc đó theo đuổi hai mục tiêu: vừa giải phóng dân tộc, vừa đem lại ruộng đất cho nhân dân. Đến giai đoạn năm 1941, Trung ương Đảng đã chuyển hướng, đó là chống đế quốc, giải phóng dân tộc. Mọi lực lượng từ công nhân, nông dân, trí thức, cả những người địa chủ yêu nước đều thống nhất mục tiêu là giành lại độc lập dân tộc còn mục tiêu giành lại ruộng đất cho người cày chúng ta để chậm lại. Đây là quyết định rất quan trọng.

Gắn với đó, chúng ta cũng đã hình thành lực lượng Việt Minh ở các địa phương để làm công tác tuyên truyền. Và như ở Hà Nội đã có Việt Minh thành Hoàng Diệu. Lực lượng này có sự tham gia của nhiều tầng lớp nhân dân, đặc biệt là của học sinh ở Hà Nội. Lực lượng này ngoài việc tuyên truyền nhân dân còn tham gia diệt trừ ác ôn. Những hoạt động này đã góp phần gây hoang mang trong lòng địch. Việc diệt ác ôn, được thực hiện từ trước chứ không không phải chờ đến Cách mạng tháng Tám mới thực hiện.

Ngoài ra, tội ác của phát xít Nhật đã gây ra nạn đói làm chết hơn hai triệu người Việt Nam. Tội ác này đã đẩy bức xúc của nhân dân Việt Nam lên một giai đoạn mới, cao trào căm thù, phẫn uất cao độ. Vì thế, chỉ có một con đường đánh đuổi phát xít Nhật để giành lại độc lập, giành lại mạng sống cho mình. Nếu không nắm bắt thời cơ này, chúng ta sẽ không giành được độc lập, giành lại mạng sống của mình được. Sức mạnh đại đoàn kết có lý do lịch sử, hoàn cảnh lịch sử, tạo điều kiện gắn bó lại để đất nước ta giành độc lập dân tộc.

PV: Hơn bao giờ hết, dân tộc Việt Nam mong muốn thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945 tiếp tục được kế thừa và phát triển trong giai đoạn cách mạng hiện nay. Theo đồng chí, để quy tụ lòng dân, những yếu tố nào là quan trọng lúc này?

Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân: Chúng tôi có gặp các cán bộ lão thành cách mạng tham gia Cách mạng tháng Tám, các bác có nói là lúc đấy mà không có người dân ủng hộ thì khó thành công. Sở dĩ người dân theo Đảng vì người dân biết rằng Đảng sẽ làm những việc theo được nguyện vọng của nhân dân. Bài học lúc đó là muốn tập hợp, đoàn kết nhân dân thì Đảng phải biết nhân dân muốn gì và phải tổ chức hành động đáp ứng đúng nhu cầu nhân dân. Nói theo ngôn ngữ hiện đại là phải nắm bắt được đúng tâm tư, nguyện vọng của người dân và chuyển tâm tư, nguyện vọng đó đến các cơ quan của Đảng, Nhà nước cũng như đoàn thể để tổ chức triển khai thực hiện.

Trong suốt từ sau năm 1975 đến giờ, chúng ta cũng luôn đặt ra yêu cầu MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, đại diện cho quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân mà gần đây nhất vào tháng 12/2013 trong Hiến pháp mới khẳng định lại quyền, trách nhiệm của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, đại diện quyền, lợi ích hợp pháp của nhân dân nhưng đồng thời cũng có quyền thay mặt nhân dân giám sát việc thực hiện các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng. Điều này có nghĩa là hoạt động Mặt trận một mặt hiểu được chủ trương của Đảng, mặt khác phải đưa được chủ trương đó vào cuộc sống và những việc gì chưa tốt, chưa hiệu quả cũng phải phản ánh với nhân dân…

PV: Những cuộc khủng hoảng kinh tế tại các quốc gia đã từng được coi là giàu mạnh; những bất ổn chính trị, những điểm nóng xung đột vũ trang trên thế giới; những diễn biến phức tạp trên biển Đông… đều đang ít nhiều tác động trực tiếp đến sự phát triển của đất nước ta. Trong khi đó, các thế lực thù địch vẫn liên tục có những âm mưu chia rẽ khối Đại đoàn kết toàn dân tộc. Rồi ngay trong nội bộ các ngành và chính quyền các cấp cũng đã có một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, công chức tham nhũng, tha hóa, biến chất gây mất niềm tin trong nhân dân, như các văn kiện gần đây của Đảng đã khẳng định. Với vai trò mới của MTTQ Việt Nam là giám sát và phản biện xã hội, đồng chí có suy nghĩ như thế nào?.

Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân: Thứ nhất, trước những biến động của tình hình quốc tế, khó khăn trong nước thì Đảng, Nhà nước, Quốc hội đã luôn luôn tìm ra các định hướng, giải pháp để giải quyết vấn đề. Tất cả những thông tin này được truyền tải đến người dân để nhân dân hiểu, biết và cảm nhận.

Thứ hai, trong quá trình phát triển, chúng ta đạt được nhiều thành tựu quan trọng, nhưng trong nhiều trường hợp, trong cuộc sống bề bộn hằng ngày, những thành tựu này chưa được nói đúng mức thì người ta chưa cảm thấy đất nước đang đi trên một con đường đúng đắn và có thành quả quan trọng. Ví dụ, đôi khi chúng ta so sánh tại sao thu nhập đầu người của Việt Nam so với các nước trong ASEAN như Thái Lan, Singapore… lại thấp như vậy. Đúng là thấp nhưng nếu chúng ta nhớ lại năm 1976, sau khi giải phóng, sản phẩm nội địa một đầu người của Việt Nam khoảng 70 USD, trong khi các nước là hàng trăm, hoặc hơn hàng nghìn đô la rồi. Chúng ta xuất phát là 70 USD, hạ tầng bị tàn phá, thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu thuốc men, thiếu chỗ ngủ… Trong bối cảnh đó, chúng ta phấn đấu vươn lên. Nếu so với năm 1989 thì sau 25 năm, quy mô nền kinh tế chúng ta đã lớn hơn 30 lần. Chúng ta từ một nước thuộc nhóm thu nhập thấp nhất thế giới thì từ năm 2009 chúng ta đã vượt qua được nước thu nhập thấp, bước đến nước có thu nhập trung bình.

Sau giải phóng, miền Bắc và miền Nam có hệ thống giáo dục cũ. Chúng ta mất 25 năm (từ năm 1975 đến năm 2000) để hoàn thành giáo dục phổ cập tiểu học. Sau đó chúng ta mất 15 năm để phổ cập hết lớp 9. Cùng với phát triển giáo dục phổ thông và trường nghề, số lao động được đào tạo tăng lên. Năm 2000 thì tỷ lệ lao động đào tạo cả nước 16% thì nay tỉ lệ đó là hơn 50%. Chính vấn đề này là tiền đề để chúng ta phát triển kinh tế, thu hút đầu tư nước ngoài. Một kết quả quan trọng nữa là năm 1989, xuất khẩu của nước ta đạt 5 tỷ USD thì năm vừa rồi đạt 150 tỷ USD. Sau 30 năm xuất khẩu tăng 30 lần…

Tuy nhiên, để dân tin thì chúng ta không phải chỉ nói việc tốt mà những gì yếu kém chúng ta cũng phải lắng nghe, cùng thảo luận cho được và phản ánh kịp thời với Đảng, Nhà nước để có hướng giải quyết kịp thời, đem lại niềm tin cho người dân…

PV: Đất nước ta cũng đã đi qua 30 năm đổi mới. Nhưng dường như sức mạnh nội lực của toàn dân tộc vẫn chưa được phát huy hết nhằm xây dựng và phát triển đất nước giàu mạnh. Để đất nước phát triển, chúng ta cần nhận diện các lực cản. Vậy, những trở lực nào đang khiến cho việc phát huy sức mạnh Đại đoàn kết dân tộc trong thời điểm hiện nay gặp khó khăn, thưa đồng chí?

Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân: Theo tôi sức mạnh Đại đoàn kết là một tài sản vô giá nhưng nó không tồn tại mãi mãi. Chúng ta phải biết ứng xử, chăm sóc để nó phát huy tác dụng. Một trong những lo lắng hiện nay là những người trong bộ máy chính quyền thật sự không lắng nghe ý kiến người dân. Trong ngắn hạn, chính quyền là người nắm trong tay quyền lực nhưng chúng ta không bao giờ quên rằng trong dài hạn chính quyền nằm trong tay người dân. Nếu trong ngắn hạn một bộ phận có thể là bất chấp ý kiến nhân dân, có thể làm theo ý của mình nhưng dài hạn ý kiến người dân là quyết định cuối cùng.

Thứ hai, để đất đất nước phát triển, chúng ta vận động người dân với tình cảm yêu nước nhưng phải chấp hành pháp luật. Hiện nay có một số người dân không chấp hành pháp luật một cách công khai mà chính quyền chưa vào cuộc để xử lý một cách thỏa đáng thì không hợp lý. Sáng nay truyền hình có giới thiệu một số địa phương như ở Lai Châu khai thác cát trái phép công khai với hàng chục tàu khai thác trên sông nhiều tháng trời nhưng không xử lý gì. Việc làm này đã hủy hoại môi trường. Họ công khai vi phạm pháp luật và chính quyền sở tại không xử lý cương quyết. Nếu chúng ta không làm chặt chẽ, người dân bị lở đất trên bờ dẫn đến mất nhà thì làm sao họ tin vào bộ máy chính quyền của mình thật sự vì dân. Tôi thấy đã đến lúc phải nói không với công khai vi phạm pháp luật, nói không với không có chế tài xử lý vi phạm trong quá trình phát triển đất nước như hiện nay.

PV: Bài học nào từ cuộc Cách mạng tháng Tám được MTTQ Việt Nam áp dụng trong thực tiễn hiện nay để có thể tập hợp sức mạnh Đại đoàn kết toàn dân tộc, thưa đồng chí?

Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân: Ở thời điểm Cách mạng tháng Tám, phát xít Nhật đầu hàng đồng minh, lực lượng phát xít Nhật ở Đông Nam Á bắt đầu suy yếu. Tại thời điểm đó, nhiều nước bị ách áp bức, bóc lột giống chúng ta nhưng tại thời điểm đó chỉ có nhân dân Việt Nam dám đứng lên giành chính quyền.

Vấn đề là sức mạnh Đại đoàn kết đã được tập hợp, phát huy từ nhiều năm trước để đến khi thời cơ đến đã tạo sức mạnh vượt qua đối kháng của phát xít Nhật và tay sai tại thời điểm đó. Thời điểm hiện nay, Mặt trận bên cạnh việc tổ chức thu nhận ý kiến của người dân phản ánh hoạt động của chính quyền các cấp thì cứ 6 tháng một lần, Mặt trận có báo cáo Quốc hội, Chính phủ tâm tư, nguyện vọng của người dân, các ý kiến của người dân.

Sắp tới, Mặt trận sẽ tạo ra phong trào cách mạng ở từng khu vực, từng địa bàn phù hợp với khả năng, điều kiện của nhân dân để nhân dân thấy Mặt trận nghe dân, cùng nhân dân làm những điều có ích cho đất nước và cho chính nhân dân.

PV: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí./.

Theo dangcongsan

In Gửi Email
THỐNG KÊ TRUY CẬP

Hôm nay:

Hôm qua:

Trong tuần:

Tất cả:

ipv6 ready