ĐB Trần Du Lịch phát biểu tại hội nghị - Ảnh: Ngọc Thắng |
“Hôm nọ tại Quốc hội (QH), Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường nói rằng luật pháp VN phức tạp nhất thế giới, tôi cứ nghĩ Bộ trưởng nói ẩu, tôi chột dạ. Nhưng bây giờ thì thấy rà soát các danh mục ngành nghề cấm kinh doanh, kinh doanh có điều kiện mới chỉ ở cấp ngành, chứ chưa rà soát ở địa phương. Địa phương các ông ấy cấm khắp mọi nơi đấy, ví dụ xi măng phải mua ở tỉnh tôi, uống bia phải uống trong tỉnh tôi. Đấy là hạn chế quyền tự do kinh doanh”, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng chia sẻ, trước khi bắt đầu phiên thảo luận.
Lợi dụng “để mà làm ăn”
|
Ông Hùng cũng bày tỏ tâm tư trước tình trạng đội ngũ cán bộ thực thi pháp luật đang dựa vào mấy chục điều cấm, mấy trăm ngành nghề lĩnh vực kinh doanh có điều kiện “để mà làm ăn”, và nhấn mạnh: Chúng ta có cải cách được không, đất nước cạnh tranh phát triển và hội nhập được hay không, tùy thuộc vào sửa luật Đầu tư và luật Doanh nghiệp lần này. “Tôi tha thiết đề nghị với các đại biểu là ta làm cái luật này để dày công, tạo ra cải cách thật sự theo đúng tinh thần bảo vệ quyền tự do kinh doanh đã được Hiến pháp quy định”, Chủ tịch QH phát biểu.
Đồng tình với quan điểm của Chủ tịch QH, Phó trưởng đoàn ĐBQH TP.HCM Trần Du Lịch lưu ý thêm: Để tháo gỡ khó khăn về môi trường kinh doanh hiện nay, nếu chỉ sửa luật, sẽ không giải quyết được. Ông Lịch phân tích: Bộ trưởng Tư pháp nói luật pháp VN phức tạp nhất thế giới, thực tế thì không luật pháp nước nào phức tạp hơn luật pháp nước Mỹ, nhưng tại sao người ta không kêu ca? Vì thứ nhất, luật của họ khác ta ở chỗ quy định cụ thể rõ ràng minh bạch các điều luật, không ai hiểu khác được một điều luật. Còn ở ta, các điều khoản quy định ai hiểu ra sao cũng được, đó chính là lý do những người thực thi pháp luật, cơ quan quản lý dựa vào đó để “làm ăn”, như Chủ tịch QH vừa nói. Thứ hai là bộ máy hành chính của họ làm công tâm, họ dùng quy định để làm thuận lợi cho nhà đầu tư, bảo vệ lợi ích của đất nước, chứ không dùng quy định để làm ăn như ở ta. “Có lần xuống thăm một doanh nghiệp, doanh nghiệp đó nói với tôi, ông đừng khuyến khích hỗ trợ chúng tôi cái gì hết, đừng quấy rối để chúng tôi làm ăn là thuận lợi lắm rồi”, dẫn lại câu chuyện này rồi ông Trần Du Lịch nhấn mạnh: “Tôi đã từng nói với Bộ trưởng KH-ĐT Bùi Quang Vinh, nếu chúng ta chỉ sửa luật này mà bộ máy con người vẫn như vậy thì không cải thiện được môi trường đầu tư đâu. Tôi dám cam đoan như vậy”.
Góp ý cụ thể hơn vào luật, ông Lịch nhận xét, hiện không có ngành nghề nào kinh doanh mà không có điều kiện cả và các luật chuyên ngành đã quy định hết. Vì thế, đưa ra danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện ở luật này thay các luật khác là bất khả thi, mà phải rà lại ở luật chuyên ngành.
|
Chủ tịch QH nhấn mạnh: “Luật này phải quét hết các điều kiện cấm, hạn chế kinh doanh ở các luật chuyên ngành khác, để quy định lại cho phù hợp. Cái gì cấm đoán, hạn chế bất hợp lý, phải bãi bỏ. Phải làm lúc này và QH phải làm trọng tài, chứ còn chờ các bộ này ngành kia tự rà soát để bãi bỏ chỉnh sửa, tôi không tin là làm được, vì làm Bộ trưởng (Tài chính) nhiều năm, tôi biết rồi”.
“Phải cấm cả nghề ngủ ôm, cho thuê người yêu”
Góp ý vào các điều khoản cụ thể của dự luật, ĐB Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) đề nghị cần cân nhắc quy định tại điều 4 về cấm kinh doanh mại dâm. “Ở VN đã coi đây là một nghề chưa mà mình đưa vào điều cấm? Nên thiết kế ở luật khác chứ ghi thế này thì nghiễm nhiên coi mại dâm ở VN đã là một nghề rồi”, ông Vinh lý giải.
Ủy viên thường trực Ủy ban KH-CN-MT của QH Trần Thị Quốc Khánh góp ý thêm: Dự luật quy định một điều ngắn gọn “cấm kinh doanh mại dâm” là không đủ, trong khi thực tế có những dịch vụ liên quan gây bức xúc trong xã hội, như dịch vụ ngủ ôm hay thuê người yêu, thuê vợ thuê chồng. “Nhiều người nói VN không cấm nên vẫn kinh doanh, vì vậy cần phải quy định thêm cho chặt chẽ trong luật sửa đổi lần này”, bà Khánh đề nghị.
Liên quan đến các ngành nghề cấm kinh doanh, bà Khánh dẫn thêm thực tế vừa qua có những công ty hoạt động đòi nợ thuê, sử dụng những hành vi bạo lực, xâm phạm tính mạng, sức khỏe con người và cho rằng, “hoạt động này cũng phải cấm, tương tự như nghề thám tử tư, điều tra, nghe lén, vốn gây ra nhiều hệ lụy trong xã hội”.
Đừng quy định bất di bất dịch
Chiều cùng ngày, các đại biểu thảo luận thêm về những nội dung còn nhiều ý kiến khác nhau của dự luật Doanh nghiệp sửa đổi. Theo Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội Trương Thị Mai, lương của nhóm quản lý trong DN 100% vốn nhà nước cần tách riêng một điều trong dự luật, với nguyên tắc bất di bất dịch là lương được trả trên hiệu quả sản xuất kinh doanh của DN đó, chứ không nên quy định một mức chung 38 triệu đồng/tháng. Đồng thời, cần quy định lương của các vị còn lại trong hội đồng thành viên của DN đó phải do chủ sở hữu của DN đó quyết định. |
Theo thanhnien