Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024
Cập nhật lúc: 08/09/2014

'Búp sen xanh' bị 'xẻ thịt'

Việc ra những kết luận không sát thực tế của các cơ quan quản lý văn hóa đã tạo môi trường thuận lợi cho sách lậu ung dung tung hoành.

 'Búp sen xanh' bị 'xẻ thịt' 1
Sách Búp sen xanh in lậu vẫn được bày bán tại Hà Nội (ngày 4.9.2014) - Ảnh: K.M

Cuốn tiểu thuyết Búp sen xanh của nhà văn Sơn Tùng gắn mác NXB Thời Đại và Công ty CP sách Nhân dân phát hành (2013 và 2014) đã được Cục Xuất bản, In và Phát hành (Cục XB) - Bộ Thông tin - Truyền thông (TT-TT), xác nhận đó là sách lậu. Vì vậy, Cục đã gửi công văn đến tất cả các sở TT- TT, các cơ quan quản lý nhà nước và đơn vị phát hành sách trên cả nước, yêu cầu thu hồi và không phát hành các bản sách in trái phép này.

Bên cạnh việc ra quyết định thu hồi, Cục XB cũng đã phối hợp với Thanh tra Bộ TT-TT, Sở TT-TT Hà Nội, cùng các đơn vị  quản lý đã tổ chức nhiều đoàn thanh tra liên ngành nhưng đến nay vẫn chưa phát hiện được sách lậu. Trả lời phỏng vấn của phóng viên, Cục trưởng Cục XB Chu Văn Hòa khẳng định: “Hiện các nhà sách trên cả nước đã không còn bày bán sách vi phạm bản quyền”. 

“Báo chí không được phép đăng” ?

Tuy nhiên, theo ghi nhận của Thanh Niên, thực tế hoàn toàn khác hẳn. Sáng 4.9, tại khu phố sách ở trung tâm Hà Nội, chúng tôi nhận thấy cuốn sách Búp sen xanh với 3 phiên bản in lậu (quý 4/2013, quý 1/2014 và quý 2/2014) đứng tên NXB Thời Đại vẫn được bày bán... vô tư.

 'Búp sen xanh' bị 'xẻ thịt' 2
Sách Búp sen xanh in lậu đã được bày bán tại Nhà sách Tiến Thọ (828 đường Láng, Hà Nội)

Trong khi đó, Chánh thanh tra Sở TT-TT Hà Nội, ông Nguyễn Văn Minh cho rằng báo chí không nên đưa tin việc Búp sen xanhcó quyết định thu hồi, vì: “Bây giờ mà đưa thông tin về cuốn Búp sen xanh đang được Cục XB có ý kiến thu hồi, lập tức người ta đổ xô đi mua, mua cháy hàng luôn”. Điều khiến phóng viên ngạc nhiên vô cùng là dường như vị chánh thanh tra này không hiểu rằng vụ in lậu Búp sen xanh là vấn đề bản quyền, chứ cuốn sách đã được NXB Kim Đồng tái bản liên tục gần 30 lần trong 30 năm qua thì làm gì có sai phạm về nội dung! Không để cho phóng viên trao đổi ý kiến, ông Minh quyết liệt khẳng định: “Việc tổ chức xử lý việc này như thế nào là thẩm quyền của cơ quan nhà nước, báo chí không được phép đăng, nếu đăng phải chịu trách nhiệm”.

 

 

“Đây là nỗi đau của tác giả”

Ông Bùi Sơn Định, con trai nhà văn Sơn Tùng, tâm sự: “Búp sen xanh ra đời năm 1982 với bà đỡ mát tay là NXB Kim Đồng. Bản in năm 2010 của NXB Kim Đồng, cũng là năm cha tôi ngã bệnh, là bản in hoàn thiện, với đầy đủ lời tựa của Thủ tướng Phạm Văn Đồng, lời bạt của GS Phan Ngọc, bìa và minh họa của họa sĩ Văn Cao. Bác Văn Cao và cha tôi là hai người bạn thân thiết cùng sẻ chia những nỗi niềm. Khi tôi về nói với cha tôi người ta in lậu sách, cha tôi không nói gì, vì khi ông khỏe mạnh cũng đã có vài trường hợp in trái phép Búp sen xanh.Nhưng khi tôi nói đến chuyện họ bỏ minh họa của bác Văn Cao, bỏ lời tựa của cụ Phạm Văn Đồng, bỏ cả lời bạt của bác Phan Ngọc, cha tôi rơi nước mắt. Đây là nỗi đau của tác giả. Cha tôi muốn chấm dứt việc in lậu xẻ thịt tác phẩm, chứ không phải là đòi tiền nhuận bút”.

 

Theo ông Chu Văn Hòa, việc để cho sách lậu in và phát hành trên địa bàn Hà Nội trách nhiệm đầu tiên thuộc về Sở TT-TT Hà Nội. Theo quy định, sách lậu trên địa bàn nào, sở TT-TT địa phương đó phải chịu trách nhiệm đầu tiên, cũng như không thể vô can với việc in lậu trên địa bàn quản lý.

Tung hoành sách lậu

Trong đợt tổng rà soát các đơn vị liên quan đến vụ in lậu Búp sen xanh, đoàn công tác liên ngành đã làm việc cả với NXB Thời Đại và Công ty CP sách Nhân dân. Tuy nhiên, điều đáng lưu ý là họ đã bỏ sót nhà sách Tiến Thọ là nơi phát hành cuốn sách Búp sen xanh in lậu. Hiện nay, những cuốn sách in lậu được NXB Kim Đồng, gia đình nhà văn Sơn Tùng và một số phóng viên mua tại nhà sách Tiến Thọ có biên lai đủ để làm bằng chứng cho việc này.

Khi các cơ quan chức năng đi tìm sách lậu mà không tìm ra, thì ông Đỗ Hàn - Phó giám đốc Trung tâm bản quyền tác giả văn học VN (VLCC) cho rằng: “Ở đây không phải là chuyện cơ quan chức năng đi tìm sách lậu mà phải là tìm nơi in sách lậu”. Ông Đỗ Hàn lý giải, chuyện tìm ra nhà in nào đã in lậu cuốn sách Búp sen xanh không khó đối với cơ quan chức năng. Vấn đề là cơ quan chức năng có vào cuộc quyết liệt hay không? “Tôi cho rằng cơ quan chức năng vẫn chưa vào cuộc quyết liệt để nghiêm trị nạn in lậu. Việc một nhà in muốn in tài liệu gì đều phải có chứng từ, biên lai tài chính. Tất cả những giấy tờ ấy đều thể hiện ra hết. Vấn đề là có muốn làm hay không”, ông Đỗ Hàn nhấn mạnh.

Lâu nay, sách lậu ung dung tung hoành trên thị trường. Các tác phẩm Dế mèn phiêu lưu ký của Tô Hoài, Đất rừng phương Nam của Đoàn Giỏi, Hồ Quý Ly và Mẫu thượng ngàn của Nguyễn Xuân Khánh, Góc sân và khoảng trời của Trần Đăng Khoa... đều bị in lậu. Tác giả thiệt hại vì không được tiền nhuận bút. Bạn đọc thiệt thòi vì không được tiếp xúc với các ấn phẩm đẹp. Một trong những nguyên nhân là cơ quan quản lý nhà nước về văn hóa vẫn đang tin vào các báo cáo trên giấy như hiện nay. 

Theo thanhnien

In Gửi Email
THỐNG KÊ TRUY CẬP

Hôm nay:

Hôm qua:

Trong tuần:

Tất cả:

ipv6 ready