Phối cảnh phố đi bộ Nguyễn Huệ (Q.1, TP.HCM), một trong những công trình trọng điểm chào mừng 40 năm thống nhất đất nước - Ảnh: Tư liệu
|
|
Nói một cách ngắn gọn, ông đánh giá chung thành tựu 40 năm là gì?
Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng, Ủy viên Ban Chấp hành T.Ư Đảng, Phó trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo T.Ư
|
|
Sau khi giành lại được một đất nước mà trước đó đã mất vào tay xâm lược bằng cuộc Cách mạng tháng 8 năm 1945, đưa một dân tộc nô lệ lên làm chủ, nhân dân ta với sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản VN đã phải trải qua hai cuộc kháng chiến vệ quốc chống lại các đạo quân xâm lược hùng mạnh hàng đầu thế giới để giữ vững độc lập và toàn vẹn lãnh thổ, thống nhất đất nước, giang sơn thu về một mối kể từ năm 1975.
Nói 40 năm hòa bình và thống nhất đất nước, nhưng thực chất chỉ có 30 năm xây dựng trong hòa bình. Còn 10 năm đầu thì chiến tranh biên giới tây nam, giúp dân tộc
Campuchia anh em khỏi nạn diệt chủng và chiến tranh biên giới phía bắc để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ. Đất nước lại phải tiếp tục đương đầu với muôn vàn khó khăn, thử thách, khắc phục hậu quả chiến tranh; vượt qua các thế lực bao vây, cấm vận và thù địch trong thời kỳ hậu chiến đầy biến động, để giữ vững ổn định chính trị và xây dựng lại đất nước trong hòa bình, đưa nền kinh tế lên 6 - 7 lần, phổ cập giáo dục trung học, số trường phổ thông tăng gấp 4 lần, số trường đại học và cao đẳng tăng 6,3 lần, đời sống nhân dân được nâng lên rõ rệt… Đó là những thành quả rất đáng kể. Có những sai lầm, vấp váp trong khó khăn, nhưng những thành tựu, thành tích, những cố gắng đạt được là rất đáng ghi nhận, là to lớn. Từ chỗ bị bao vây cô lập đến nay ta đã có quan hệ ngoại giao với 185 quốc gia và vùng lãnh thổ. VN ngày nay đã là “bạn của tất cả các nước” và ngày càng có vị trí quan trọng về nhiều mặt trong khu vực và trên thế giới.
Tuy nhiên, không chỉ nhìn bề mặt của vấn đề, mà cần nhìn sâu vào bản chất của tình hình, đánh giá đúng thực trạng, để có giải pháp một cách căn bản, nhằm vượt qua khó khăn để tiếp tục tiến lên, tránh khủng hoảng về kinh tế - chính trị - xã hội...
Vậy thực trạng tình hình đến lúc cần phải quan tâm là gì, thưa ông?
|
|
|
Tôi nghĩ có thể tóm tắt phương hướng - mục tiêu sắp đến bằng chữ Dân. Nên chăng, cần khẳng định thông điệp dứt khoát: Dân chủ và đổi mới, Dân chủ và giàu mạnh, Dân giàu - nước mạnh, Dân chủ - công bằng - văn minh... trên thực tế. Làm vậy, Đảng sẽ thành công với sứ mệnh lịch sử của mình, đất nước sẽ phát triển bền vững và cả dân tộc VN sẽ phát triển
|
|
|
|
|
|
Nhìn một cách tổng thể, đồng thời với những thành tựu đáng kể như đã nêu, theo tôi, 30 năm thực hiện công nghiệp hóa, có thể nói là chúng ta chưa thành công: Năng suất lao động là vấn đề cốt lõi của công nghiệp hóa nhưng với ta hiện nay là quá thấp và tụt hậu bậc nhất Đông Á. Chỉ bằng 1/5 Malaysia và Thái Lan, 1/10 Hàn Quốc, 1/15
Singapore. Giá trị GDP hiện nay ta còn cách Thái Lan 17 năm,
Indonesia 19 năm, Hàn Quốc 26 năm... Thu nhập bình quân đầu người rất thấp và đang rơi vào bẫy thu nhập trung bình. Theo tính toán của các nhà kinh tế, nếu phát triển như thế này thì ít nhất cũng phải 45 năm nữa chúng ta mới vượt qua mức thu nhập trung bình.
Chúng ta chưa có sản phẩm công nghiệp gì đáng kể do chính mình làm ra để xuất khẩu, mà chủ yếu là làm thuê và cho thuê mặt bằng. Công nghệ nước ta bị lạc hậu 2 - 3 thế hệ so với trung bình của thế giới. Hiệu quả đầu tư rất thấp, mà muốn có ăn và trả nợ (chưa nói đến tích lũy), thì phải tính từ hiệu quả đầu tư; thất thoát, lãng phí, tham nhũng nhiều và khá nghiêm trọng; nhiều doanh nghiệp nhà nước thua lỗ lớn và kéo dài; nợ nần đã đến mức báo động. Trong 5 năm (2010 - 2014) số doanh nghiệp nội địa phá sản, đóng cửa, ngừng hoạt động đã lên mức gần 300.000 doanh nghiệp... Tới nay, còn 5 năm nữa, chúng ta không thể hoàn thành mục tiêu đã đề ra là năm 2020 cơ bản thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.
Còn những vấn đề chủ yếu về xã hội và an sinh?
Tuy trình độ dân trí được nâng lên, an sinh xã hội tốt hơn, quyền con người được quan tâm hơn, nhưng mấy năm gần đây rất nhiều người đang quan tâm lớn đến vấn đề đạo đức xã hội suy đồi, tiêu cực và tội phạm gia tăng, “lợi ích nhóm” tiêu cực đang phát triển rất phức tạp, có biểu hiện kiểu như ở các nước trong thời kỳ “chủ nghĩa tư bản hoang dã” (tích lũy và tập trung tư bản bằng mọi thủ đoạn và chi phối mạnh quyền lực, một phần không nhỏ nguồn lực quốc gia tập trung vào tay các “nhóm lợi ích”). Một bộ phận nông dân mất đất là tư liệu sản xuất chủ yếu; công nhân bị bóc lột, quỵt lương và mất khả năng tham gia làm chủ; phân hóa giàu nghèo đang giãn ra…
Xã hội chủ nghĩa (XHCN) là xã hội lý tưởng, là cái gì tốt đẹp thật sự chứ không phải là cái có tên gọi đặt ra. Với cách hiểu ấy, tôi cho rằng trong xã hội ta, nhìn chung, thực tế tạo ra các yếu tố XHCN còn quá ít. (Liên Xô “dinh lũy và thành trì” của CNXH cùng khối XHCN Đông Âu sụp đổ là bài học đáng suy ngẫm về vấn đề danh nghĩa và thực chất). Các nước Bắc Âu còn XHCN hơn nước ta trên nhiều mặt. Chế độ XHCN ở VN phải chăng chủ yếu mới chỉ là tên gọi, là mong muốn, còn về thực chất thì còn quá ít và không loại trừ đang có mặt “chệch hướng” dần sang chủ nghĩa tư bản hoang dã độc quyền nhà nước… (loại hình rất lạc hậu, kìm hãm sự phát triển và khác xa tư bản hiện đại ngày nay có nhiều mặt tiến bộ đáng nghiên cứu).
Quan điểm của ông về thực tiễn và phương hướng tiếp tục đổi mới, kể cả tổ chức Đảng?
Kinh tế thị trường mới đi hơn nửa đường, phải đi tiếp, đến cùng. Quan tâm hàng đầu mục tiêu phải vượt qua “bẫy thu nhập trung bình” để tiến tới thu nhập cao với sự phân hóa giàu nghèo không bị bất hợp lý. Tích cực tái cơ cấu nền kinh tế, ưu tiên những ngành có giá trị gia tăng cao, cải cách quản lý và nâng cao trình độ và năng lực quản trị quốc gia. Đổi mới căn bản nền giáo dục và chấn hưng văn hóa, hình thành những con người mới có nhân cách, năng lực tốt, có tư duy độc lập, sáng tạo, có bản lĩnh, không phải thụ động nói theo làm theo, biết tự chủ và làm chủ. Đảng đã có chủ trương phải đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng. Đó là chủ trương rất đúng. Thực tế phương thức lãnh đạo của Đảng chưa đổi mới theo kịp yêu cầu. Phải có cơ chế kiểm soát quyền lực (quyền lực thì luôn có mặt trái là tự làm tha hóa nếu như không được kiểm soát, trong khi đó ta lại chưa quan tâm đúng mức đến cơ chế kiểm soát quyền lực), tăng cường các cơ chế để thực hành dân chủ rộng rãi và minh bạch thông tin.
Đảng lãnh đạo chủ yếu không phải bằng quyền lực, mệnh lệnh hành chính áp đặt, mà bằng thuyết phục để nâng cao nhận thức, mở mang đầu óc, khai phá văn minh; lãnh đạo việc xây dựng Hiến pháp, luật pháp bảo đảm bản chất nhà nước của dân, quyền lực tối thượng là của dân (nói gọn là chế độ dân chủ, dân quyền, nền dân trị); pháp quyền phải trên nền tảng dân quyền; Đảng làm nòng cốt lãnh đạo và tổ chức việc giám sát của nhân dân; Đảng chăm lo xây dựng nhà nước của dân nhưng không xâm phạm công việc của nhà nước và đoàn thể, không làm thay, không chỉ huy nhà nước, không biến Đảng thành “nhà nước” trên nhà nước. Đảng lãnh đạo chủ yếu bằng các giá trị, các chủ trương hợp lòng dân, bằng thuyết phục và nêu gương, giới thiệu với nhân dân những cán bộ tốt và giỏi để tham gia tranh cử bình đẳng, làm nòng cốt trong xây dựng nhà nước của dân, bảo vệ Tổ quốc và trong các tổ chức dân sự để thông qua đó mà tổ chức các phong trào hành động xã hội.
Đảng phải tiếp tục giương cao ngọn cờ dân tộc và dân chủ, là người đại diện chân chính cho ngọn cờ ấy. Dân chủ thật sự và dân chủ ở trình độ cao là bản chất của xã hội XHCN. Tập trung lãnh đạo thành công công cuộc xây dựng nền dân chủ. Bằng dân chủ, thông qua dân chủ mà thúc đẩy sự phát triển bền vững của đất nước, phát triển con người. Nói cho cùng, vấn đề cốt lõi của CNXH là dân chủ, tự do, hạnh phúc và phát triển con người trong một xã hội phát triển bền vững. Không có dân chủ thực sự thì bản thân Đảng và nhà nước cũng sẽ bị tha hóa, không thể thành công trong xây dựng và phát triển đất nước, trong chống tham nhũng và chống “lợi ích nhóm” tiêu cực, có thể sẽ dẫn đến mất quyền lãnh đạo và tự đổ vỡ. Để phát huy dân chủ, cần tiếp tục đổi mới tư duy ở tầm cao mới, mà trong thời đại kinh tế tri thức và cạnh tranh toàn cầu, thì tinh thần dân tộc và vai trò của trí thức ngày càng có ý nghĩa to lớn trong sự thành công.
Để có một dân tộc phát triển, cần có một đội ngũ trí thức trưởng thành. Dân chủ và tự do là môi trường và điều kiện để tập họp và sử dụng nhân tài, để trí thức phát triển, trưởng thành, sáng tạo và lan tỏa ra cả dân tộc. Nhớ lại thời lịch sử phong kiến VN trước kia, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng hoặc đứng trước nguy cơ tồn vong, thì nhân tài từ bốn phương tụ hội về dưới cờ nghĩa để chung sức cứu nước, sau khi thắng lợi, thái bình, thì nhân tài dần dần thưa vắng trong triều chính, kẻ cơ hội thì chen vào. Đây là bài học lịch sử mà Đảng và Nhà nước phải ra sức tránh.
Tôi nghĩ có thể tóm tắt phương hướng - mục tiêu sắp đến bằng chữ Dân. Nên chăng, cần khẳng định thông điệp dứt khoát: Dân chủ và đổi mới, Dân chủ và giàu mạnh, Dân giàu - nước mạnh, Dân chủ - công bằng - văn minh... trên thực tế. Làm vậy, Đảng sẽ thành công với sứ mệnh lịch sử của mình, đất nước sẽ phát triển bền vững và cả dân tộc VN sẽ phát triển.
Đảng đang cầm quyền trong điều kiện và hoàn cảnh ngày càng hội nhập sâu rộng và đa phương hóa các quan hệ quốc tế. Thực hiện cơ chế “Tam quyền phân lập” và phát triển “xã hội dân sự” (XHDS) tại sao không? Thưa ông?
Theo tôi, không nên định kiến mà cần phải nghiên cứu một cách khách quan và nghiêm túc vấn đề tam quyền phân lập. Có thể không dùng cụm từ ấy nếu không muốn, nhưng nội dung kiểm soát quyền lực thì cần phải nghiên cứu. Đó là cơ chế phổ biến và cũng là thành quả của xã hội văn minh. Tất nhiên, nó có thể còn khiếm khuyết mà phải tiếp tục điều chỉnh, bổ sung và hoàn thiện nhiều nữa. Ta không làm theo một cách thụ động mà cần chủ động nghiên cứu thấu đáo kinh nghiệm của họ và thực tiễn của ta để có cách kiểm soát quyền lực tốt nhất, không để thoái hóa do quyền lực. Chúng ta nói nhiều đến dân chủ nhưng chưa có cơ chế hiệu quả để thực thi dân chủ, làm cho tập thể bị thụ động, nhân dân chưa thực sự được quyền tham chính và giám sát các hoạt động của Đảng và Nhà nước trên thực tế. Trong khi đó lại định kiến với vấn đề XHDS là một trong những phương thức thực hành dân chủ. Tất nhiên, XHDS có mặt trái dễ bị kẻ xấu lợi dụng, nhưng không vì vậy mà không thừa nhận hoặc chống lại XHDS, bởi đó là thực tế khách quan có tính quy luật, và thực tế nước ta đã và đang tồn tại XHDS. Cái cần chống là việc lợi dụng vấn đề XHDS để gây nguy hại cho cộng đồng chứ không phải chống lại XHDS. Các đoàn thể chính trị xã hội nói là đại diện cho dân nhưng thực chất là cánh tay nối dài của phía cầm quyền. Trong khi đáng lý ra, phải làm nòng cốt trong XHDS để bảo vệ quyền lợi chính đáng của nhân dân, làm đối tác bình đẳng, cùng nhà nước tổ chức tốt cuộc sống nhân dân, tăng cường chức năng phản biện, góp phần hoàn thiện cơ chế quản trị quốc gia. Hạn chế phản biện là kìm hãm dân chủ và phát triển, tức là chưa có tự do ngôn luận - việc quan trọng hàng đầu của dân chủ... đồng thời phải chống “bao cấp về tư duy”, chống “chủ nghĩa minh họa” dưới mọi hình thức. Tôn trọng XHDS cũng đồng nghĩa với tôn trọng và giải phóng tự do cá nhân; tránh quy chụp, áp đặt khi nhân dân thể hiện chính kiến. Tất nhiên, đó là sự tự do gắn với tất yếu, gắn với trách nhiệm xã hội, chứ không phải “loạn ngôn” - ai muốn vu cáo, xúc phạm ai cũng được.
Nên nhớ lại rằng, trước khi giành được chính quyền, Đảng ta cũng đã từng dựa vào XHDS để tồn tại và hoạt động đấu tranh. Trong lịch sử nước nhà, có lúc chúng ta đã mất nước, không có nhà nước của ta, ngày ấy dân tộc và xã hội VN đã tồn tại bằng XHDS (dù nó chưa phải đã hiện đại) và nhờ đó mà đã giành lại được đất nước...
|