Bệnh nhân tăng ồ ạt, bệnh viện quá tải
Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện đa khoa tỉnh có 35 giường bệnh, song từ đầu tháng 7 đến nay, tại khoa lúc nào cũng có trên 100 bệnh nhân điều trị nội trú, cao điểm có ngày lên tới 195 bệnh nhân, trong đó hầu hết đều là bệnh nhân mắc SXH. Khoa đã huy động thêm 7 phòng từng là kho chứa dụng cụ y tế để kê thêm 28 giường bệnh, song số giường này vẫn không đáp ứng đủ cho số bệnh nhân điều trị tại khoa. Vì thế, người bệnh phải mua giường xếp kê ở hành lang, chân cầu thang để có chỗ nằm điều trị. Bác sĩ Nguyễn Hai, Trưởng khoa Truyền nhiễm cho biết: “Hiện bình quân mỗi ngày khoa tiếp nhận từ 30-40 bệnh nhân SXH mới vào điều trị, cao điểm có ngày lên đến 60 bệnh nhân. Mặc dù bệnh viện đã điều động 4 bác sĩ và 9 điều dưỡng từ các khoa, phòng khác đến hỗ trợ khoa trong công tác khám, chữa bệnh, song lượng bệnh nhân quá đông khiến khoa luôn ở trong tình trạng quá tải trầm trọng cả về cơ sở vật chất cũng như nhân lực phục vụ khám chữa bệnh”.
Bệnh nhân đông, các bác sĩ phải làm việc trong tình trạng quá tải. |
Bệnh nhân quá đông không chỉ khiến các y bác sĩ phải làm việc quá tải mà ngay bản thân mỗi người bệnh cũng thấy mệt mỏi, lo lắng. Ông Phạm Minh Quang, 53 tuổi, ở thôn 6, xã Ea Hiao, huyện Ea H’leo cho biết: “Tôi bị SXH, vào điều trị ở bệnh viện đa khoa huyện 3 ngày thì được chuyển lên bệnh viện tỉnh. Từ khi vào khoa điều trị đến nay đã được 6 ngày mà vẫn phải kê giường xếp nằm ngoài hành lang. Bệnh nhân quá đông, riêng vấn đề vệ sinh thôi đã rất bất tiện huống hồ nhân viên y tế lại ít nên tôi sợ khó bảo đảm được chất lượng điều trị”.
Thông tin từ Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên, đến nay, khu vực Tây Nguyên đã ghi nhận gần 10.000 người mắc SXH. Trong đó, Gia Lai là tỉnh có số người mắc cao nhất với gần 4.000 ca bệnh. Ngoài nguyên nhân dịch phát triển theo chu kỳ, việc phòng chống bệnh SXH, công tác tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức phòng chống chưa thật sự chủ động là nguyên nhân chính khiến bệnh SXH bùng phát. Bên cạnh đó, khu vực Tây Nguyên không phải vùng lưu hành SXH phổ biến trong những năm qua, miễn dịch đối với SXH của người dân trong cộng đồng ở mức thấp nên khi xuất hiện, bệnh sẽ lây lan và bùng phát nhanh. |
Số liệu thống kê của ngành Y tế cho thấy, tính đến ngày 3-8, toàn tỉnh ghi nhận trên 3.000 trường hợp mắc SXH (tăng gấp 11 lần so với cùng kỳ năm 2015), trong đó có 1 trường hợp tử vong. Bệnh được ghi nhận tại 145/184 xã, phường, thị trấn của 15 huyện, thị xã, thành phố. Hai địa phương có số mắc SXH cao nhất là huyện Ea H’leo (806 trường hợp) và TP. Buôn Ma Thuột (809 trường hợp). Theo bác sĩ Bùi Trường Phong, Phó Giám đốc Sở Y tế, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh, những ngày gần đây, mặc dù mưa nhiều nhưng thời tiết lại khá nóng bức, là điều kiện thuận lợi để muỗi mang mầm bệnh SXH phát triển mạnh khiến cho số người mắc bệnh tăng nhanh. Hơn nữa, theo chu kỳ của bệnh SXH 3 năm bùng phát một lần thì năm nay là năm bệnh sẽ tăng cao. Đáng lưu ý, đỉnh dịch SXH hằng năm thường rơi vào tháng 10, 11 nhưng năm nay mới ở thời điểm này, bệnh SXH đã có những diễn biến phức tạp. Do đó, trong những tháng tới dự báo bệnh sẽ còn bùng phát mạnh nếu công tác phòng, chống SXH không hiệu quả.
Người dân cần chủ động phòng, chống SXH
Trước diễn biến phức tạp của bệnh SXH, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch SXH của tỉnh và các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh đã tổ chức nhiều cuộc họp triển khai các biện pháp cấp bách phòng chống bệnh SXH trên địa bàn. Sở Y tế đã ban hành văn bản chỉ đạo các cơ sở y tế tăng cường công tác giám sát phát hiện ca bệnh, chuẩn bị đầy đủ cơ số thuốc chống dịch, phương tiện cấp cứu để sẵn sàng tiếp nhận bệnh nhân điều trị, hạn chế thấp nhất các trường hợp tử vong do SXH. Đồng thời chỉ đạo Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh và Trung tâm y tế các huyện, thị xã, thành phố đẩy mạnh biện pháp phòng chống SXH: tăng cường truyền thông phòng, chống dịch SXH; phun hóa chất chủ động tại những địa phương có nhiều bệnh nhân mắc SXH; tập huấn giám sát, xử lý ổ dịch, phác đồ điều trị cho cán bộ y tế từ tuyến tỉnh, huyện đến xã; phối hợp với chính quyền và các đoàn thể ở địa phương thành lập các tổ, đội xung kích mở các chiến dịch tuyên truyền, vận động nhân dân diệt lăng quăng, bọ gậy, dọn dẹp vệ sinh môi trường, loại bỏ những nơi ứ đọng nước để muỗi không còn nơi trú ngụ và sinh sản...
Tuy nhiên, theo bác sĩ Bùi Trường Phong, hiện nay thời tiết mưa nắng bất thường tạo điều kiện thuận lợi cho muỗi truyền bệnh SXH phát triển mạnh. Bên cạnh đó, nhiều hộ gia đình và cá nhân vẫn còn lơ là, chủ quan chưa tự giác tham gia vào việc diệt muỗi, lăng quăng tại hộ gia đình và cộng đồng. Đây là những trở ngại đáng kể trong công tác phòng chống dịch sốt xuất huyết ở tỉnh ta. Vì vậy, để công tác phòng chống SXH đạt hiệu quả, ngoài nỗ lực của chính quyền và các ngành chức năng, rất cần sự chung tay tích cực của người dân trong việc thực hiện các biện pháp diệt lăng quăng, diệt muỗi.
Bộ Y tế thành lập 8 đoàn kiểm tra, giám sát, chỉ đạo công tác phòng chống SXH
Trước diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết (SXH) trên cả nước, Bộ Y tế đã có Quyết định số 4067 ngày 29-7-2016 thành lập 8 đoàn công tác kiểm tra, giám sát, chỉ đạo công tác phòng chống sốt xuất huyết tại 18 tỉnh, thành phố trọng điểm.
Công tác kiểm tra, giám sát được các đoàn thực hiện từ cuối tháng 7 đến hết tháng 8-2016. Các địa phương được kiểm tra, giám sát trong đợt này là những địa bàn trọng điểm về SXH, gồm: TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, An Giang, Bình Phước, Đắk Lắk, Gia Lai, Bến Tre, Đồng Tháp, Đồng Nai, Bình Dương, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Đắk Nông, Kon Tum, Phú Yên, Bình Định, Khánh Hòa, Bình Thuận.
|
Theo baodaklak