Thứ ba, ngày 26 tháng 11 năm 2024
Cập nhật lúc: 07/11/2017

Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT & TKCN) tỉnh cho biết, từ ngày 1 đến ngày 4-11, trên địa bàn tỉnh có mưa diện rộng. Các huyện khu vực phía Đông, Đông Nam và phía Nam tỉnh có mưa to đến rất to, tổng lượng mưa từ ngày 1 đến 17 giờ ngày 4-11 phổ biến đạt từ 150 – 200 mm, cá biệt tại một số điểm cao hơn như xã Cư Klông (huyện Krông Năng) 375 mm; xã Cư Prao (huyện M’Đrắk) đạt 368 mm; các vùng khác lượng mưa phổ biến đạt khoảng 70 – 100 mm. Về ảnh hưởng của bão, các huyện phía Đông, Đông Nam tỉnh có gió mạnh cấp 8 đến cấp 9, giật cấp 11; sau đó vùng chịu ảnh hưởng gió mạnh mở rộng lên các huyện phía Bắc và vùng trung tâm tỉnh; tại TP. Buôn Ma Thuột gió mạnh cấp 6 đến cấp 8, giật cấp 9 gây nhiều thiệt hại về nhà cửa, tài sản, cây trồng...

Đồng chí Nguyễn Hải Ninh, Ủy viên Dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh trao tiền hỗ trợ hộ gia đình bị thiệt hại nặng do bão  ở xã Yang Mao (huyện Krông Bông) .

Đồng chí Nguyễn Hải Ninh, Ủy viên Dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh trao tiền hỗ trợ hộ gia đình bị thiệt hại nặng do bão ở xã Yang Mao (huyện Krông Bông).

Theo thống kê sơ bộ, tính đến 17 giờ ngày 4-11, trên địa bàn tỉnh có 1 người chết do nhà sập tại huyện Krông Bông, 3 người bị thương tại huyện M’Đrắk. Về nhà cửa, trụ sở làm việc, trường học có 113 nhà bị sập (chủ yếu là nhà chưa kiên cố); 1.307 nhà dân, 5 trụ sở cơ quan và 11 trường học bị tốc mái, trong đó, 302 hộ dân phải di dời. Về công trình cơ sở hạ tầng khác, nhiều trụ điện bị đổ, gãy, nhiều tuyến đường giao thông sạt lở, cầu, cống bị trôi, hư hỏng gây chia cắt giao thông, làm 2.323 hộ dân bị cô lập. Về sản xuất nông nghiệp có 7.759 ha cây trồng các loại bị gãy, đổ và ngập lụt, trong đó, 60 ha lúa nước, 3.845 ha ngô, 300 ha rau các loại; 3.554 ha mía, sắn, cây công nghiệp dài ngày và cây ăn quả lâu năm, tập trung chủ yếu ở các huyện phía Đông, Đông Nam tỉnh.

M’Đrắk là địa phương hứng chịu thiệt hại nặng nề do bão gây ra. Theo thống kê sơ bộ, bão đã khiến 3 người trên địa bàn huyện bị thương, trong đó 1  người bị thương nặng do cây đè;  577 ngôi nhà  dân bị tốc mái; 2.000 người dân ở  thôn 7 và 9 xã Cư Króa đã bị cô lập hoàn toàn; hàng ngàn ha cây trồng các loại bị gãy đổ, chủ yếu là ngô vụ  thu đông, mía, rừng trồng, tiêu...; ngầm tràn liên hợp Ea H’mlay, xã Cư Prao bị cuốn trôi. Trong đó, xã Ea M’doan, khu vực chịu thiệt hại nặng nề nhất của huyện, bão qua để lại một khung cảnh hoang tàn, đau thương. Nhà cửa tốc mái, cây trồng gãy đổ, ngã rạp khắp nơi. Đang dọn dẹp căn bếp bị bão làm tốc mái, anh Đỗ Văn Thiềm ở  thôn 6 vẫn chưa hoàn hồn sau khi chứng kiến cơn bão mạnh như vậy trong đời. “30 năm sống ở đây chưa bao giờ biết bão là gì, 4 giờ sáng dậy đi lấy hàng trời còn yên ắng vậy mà chỉ ít phút sau gió rầm kéo đến, mái tôn bị gió giật văng, nước vào lênh láng nhà cửa, hơn 300 trụ tiêu 2 năm tuổi của gia đình cũng bị gãy đổ, không còn khả năng khôi phục” – anh Thiềm kể. Cách đó không xa, bà Nguyễn Thị Tình đang đứng thẫn thờ trong căn nhà bị tốc mái hoàn toàn. Bão đến, bà cùng các con chỉ kịp chạy thoát thân, giờ bão tan quay về thì toàn bộ tài sản đã ướt sũng.

Cán bộ Sở Giao thông Vận tải kiểm tra tình hình giao thông trên tỉnh lộ 13 đoạn qua huyện M'Đrắk.

Cán bộ Sở Giao thông Vận tải kiểm tra tình hình giao thông trên tỉnh lộ 13 đoạn qua huyện M'Đrắk.

Theo thống kê, xã Ea M’doan có 35 ngôi nhà bị tốc mái hoàn toàn, 90% số nhà bị hư hại, nhiều diện tích cây trồng bị ảnh hưởng, trong đó nặng nhất là 1.000 ha keo lai bị gãy đổ.

Tại huyện Ea Kar – địa phương giáp ranh với huyện M’Đrắk, tình hình thiệt hại cũng rất lớn, toàn huyện có 43 nhà dân bị tốc mái; 2 hộ phải sơ tán do nhà có nguy cơ bị sập; thôn 11 xã Cư Yang có 23 hộ dân bị cô lập do đường vào thôn bị chia cắt (cống qua đường bị cuốn trôi); 600 ha cây trồng các loại bị đổ gãy. Trong đó, riêng xã Cư Prông có khoảng 200 ha hoa màu bị hư hại, nhiều cây công nghiệp bị gãy đổ và 14 nhà dân bị tốc mái hoàn toàn.

Một số địa phương còn lại như Krông Năng, Lắk, Krông Bông thiệt hại do bão gây ra cũng không hề nhỏ. Theo báo cáo của Phòng NN-PTNT Krông Năng, toàn huyện có 3 nhà bị sập; 21 nhà bị tốc mái; khoảng 100 ha cà phê bị ngập; 30 ha tiêu, 200 cây cao su và 200 cây bơ 5 năm tuổi bị gãy, đổ. Tại huyện Lắk, có khoảng 350 ha cây trồng ngắn ngày như lúa, ngô và khoai lang bị ngập; 30 con bò tại xã Đắk Phơi và Đắk Liêng bị nước cuốn trôi; 8 nhà dân bị sập do cây đổ và gió lốc; 23 nhà dân bị tốc mái và đường dẫn vào cầu sắt buôn Pai, xã Đắk Phơi bị hư hỏng dài khoảng 35 mét, gây chia cắt. Trong đó, nhiều buôn tại xã Đắk Liêng nước dâng cao gần 1 mét, nhiều hộ dân phải sơ tán đến các hộ khác hoặc đến trường học trên địa bàn để bảo đảm an toàn tính mạng. Còn tại huyện Krông Bông có 720 nhà bị sập, tốc mái; hơn 1.500 ha cây trồng bị thiệt hại. Ngoài ra, một số công trình giao thông nông thôn ở thôn 5, 6 xã Hòa Phong; thôn 2, xã Cư Đrăm… cũng bị ngập, gây chia cắt.

Căn nhà của bà  Nguyễn Thị Tình,  xã Ea M'doan (huyện M'Đrắk)  bị tốc mái  hoàn toàn.

Căn nhà của bà Nguyễn Thị Tình, xã Ea M'doan (huyện M'Đrắk) bị tốc mái hoàn toàn.

Trước tình hình diễn biến bất thường của bão, các hồ thủy lợi lớn đã  tiến hành xả lũ: hồ Krông Búk Hạ: 38m3/s; hồ Ea Súp Thượng: 70m3/s. Cùng với đó, các hồ chứa thủy điện cũng xả lũ trong ngày 4-11: hồ Buôn Tua Srah bắt đầu xả lũ 664m3/s; hồ Buôn Kuôp xả 284m3/s; hồ Srêpốk 3 xả 425m3/s…

Nhằm đánh giá kịp thời, chính xác về những thiệt hại do bão gây ra, từ ngày 4-11, lãnh đạo UBND tỉnh, UBND các huyện và các sở, ngành đã tổ chức các đoàn kiểm tra thực tế tại khu vực bị thiệt hại nặng do bão gây ra. Qua đó, có những chỉ đạo kịp thời về giải pháp khắc phục hậu quả sau bão, bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản cho người dân.

Theo baodaklak

In Gửi Email
THỐNG KÊ TRUY CẬP

Hôm nay:

Hôm qua:

Trong tuần:

Tất cả:

ipv6 ready