Bản sắc Việt: Người bình dân quảng đại
|
Chỉ cần học một chữ “đói”
Giáo sĩ Cristophoro Borri (1583 - 1632) trong khảo cứu viết dưới dạng hồi ký - du ký về xứ Đàng Trong đã hết lời ca ngợi tính quảng đại của người Việt. Người bản xứ tự coi là “một nết rất xấu” nếu ai đó ăn món gì mà không chia sẻ hay bẻ cho mỗi người một miếng. “Họ có tính quảng đại, hay bố thí cho người nghèo, họ có thói quen không bao giờ từ chối, không cho kẻ xin bố thí. Họ nghĩ là sẽ không làm đủ bổn phận nếu từ chối”, C.Borri viết trong cuốn Xứ Đàng Trong năm 1621.
Tác giả người Ý còn dẫn câu chuyện những người ngoại quốc bị đắm tàu, cần được cứu giúp để minh họa cho tính quảng đại của người bản xứ. Ông thuật lại, có mấy người ngoại quốc bị đắm tàu được cứu tại Đàng Trong, chỉ cần học một chữ “đói” là cũng đủ cho họ xin thức ăn để sống. Người dân bản xứ dễ động lòng thương, nên chỉ trong thời gian ngắn người gặp nạn đã nhận được rất nhiều thức ăn dự trữ. Kể cả khi đã được chúa Nguyễn cấp cho chiếc tàu để trở về quê quán, những người ngoại quốc ấy chẳng ai muốn đi vì quyến luyến một lãnh thổ “ở đó họ gặp những người rộng rãi”. Đến nỗi, thuyền trưởng buộc phải vác gậy đánh đập thì họ mới chịu… sửa soạn xuống tàu.
Hơn 170 năm sau, John Barrow trong chuyến du hành đến xứ Nam Hà cũng nhận ra người bản xứ rất cởi mở, thân thiện. Xứ Nam Hà, từ chữ Cochinchina (hay Cochinchine), chỉ phần đất miền Nam nước Việt nói chung, được J.Barrow đề cập chủ yếu về thời kỳ giao tranh Nguyễn Ánh - Tây Sơn. Thừa nhận việc phác họa tổng quát đặc tính của một quốc gia rất dễ rủi ro và sai lệch, nhưng J.Barrow vẫn mạnh dạn đưa ra những bình luận tốt đẹp. Tính cách cởi mở và thân thiện của người Việt đã được tác giả cuốn Một chuyến du hành đến xứ Nam Hà 1792 - 1793 mang ra so sánh với sự kín đáo, dè dặt của người Trung Quốc.
|
Giản tiện
Nhưng tính quảng đại, cởi mở liệu có trở nên quá đà và đối diện nguy cơ phung phí?
|
Gần đây, nhiều người ngầm thán phục khi biết tin một doanh nhân giàu có đã từ chối gửi xe do bị đòi giá đắt hơn vài nghìn đồng so với ngày thường, sẵn sàng gửi ở nơi khá xa (nhưng lấy đúng giá) rồi đi bộ tới nơi cần đến để thoải mái rút ví hàng chục triệu đồng làm từ thiện. Phép so sánh nào đủ để cân đong đo đếm hết các khác biệt trong cách ứng xử của nhà hảo tâm qua tình huống đó?
Câu chuyện ấy ít nhiều cho thấy chỗ tương đồng với một số đoạn mà nhà văn Vũ Hạnh đã viết trong cuốn Người Việt cao quý (dưới bút hiệu A.Pazzi). Ông dẫn ra hình ảnh áo dài màu đen vốn thích hợp với những sinh hoạt ruộng đồng cũng như không khí trang nghiêm của xã hội nông nghiệp phong kiến thuở xưa, để bàn về óc thiết thực - một căn bản tinh thần quý giá của người Việt.
Sau này, Hồng Kim Linh viết Người Việt (NXB Phương Đông, 2010) cũng ngợi khen Vũ Hạnh sử dụng “một thuật tuyệt xảo” khi mượn bút hiệu nước ngoài (A.Pazzi) để dạy lại cho người mình về tinh thần vọng ngoại và làm đúng một vai trò lịch sử: chặn đứng trào lưu vọng ngoại. Đáng chú ý hơn, tác giả Hồng Kim Linh cũng liệt kê 3 nhân tố đặc hữu của căn tính tinh thần Việt (tình thương, hòa nhã, khiêm nhu), cho thấy sự đồng điệu giữa các nhà nghiên cứu khi bàn về tính quảng đại và giản tiện.
Hơn 15 năm trước, gia đình một thương gia gốc Quảng Nam đang rất thành đạt ở TP.HCM đã xuất tiền mua khoảng 10 tấn gạo, rồi thuê xe chở lên tận huyện miền núi cao Hiên (nay là Đông Giang) để cứu trợ sau đợt mưa bão lớn. Dịp ấy, được phân công theo dõi tin tức chuyến từ thiện, chúng tôi phải chú ý lắm mới phân biệt được vợ của vị thương gia với hình ảnh người buôn chuyến lên vùng cao. Bà theo xe chở gạo từ điểm xuất phát Hòa Vang (TP.Đà Nẵng). Có lẽ người phụ nữ sang trọng này muốn chứng kiến những ký gạo được trao tận tay đồng bào đang thiếu đói…
Người thành đạt mở lòng với người khốn khó, đã quý. Người chả dư dả gì mà vẫn chia sớt những gì họ đang có, càng quý. Những người bình dân xứ Đàng Trong của hơn 390 năm trước sẵn lòng đùm bọc những người ngoại quốc đắm tàu, lại càng hiếm. Theo thời gian, tính cách ấy mỗi ngày thêm lộ sáng. Người giàu, người nghèo dường như đã “lẫn” vào nhau để làm nên câu “lá lành đùm lá rách”. Cứ sau lời kêu gọi của cơ quan truyền thông qua đợt bão lũ, gần như ngay lập tức cộng đồng hưởng ứng, mỗi người góp một kiểu…
Những bài học trong sách Luân lý giáo khoa thư ngày trước về lòng thí xả, sự bố thí, cách bố thí… thật thấm thía. “Nghĩa bố thí” được sách giảng giải rằng: không cứ là cho ít hay cho nhiều, miễn mình có lòng thành thực, biết thương xót kẻ nghèo khổ. Có điều, lằn ranh giữa hào sảng với phung phí, dè sẻn với ky bo đôi khi rất mong manh. Mặc dầu vậy, mỗi sáng lướt xem trên các trang mạng xã hội bắt gặp những nhóm riêng lẻ nào đó đang kêu gọi làm việc thiện, chúng ta bất giác thấy lòng ấm áp. Mới hay tính quảng đại một cách vô tư, sự giản tiện từ sâu trong bản tính… vẫn âm thầm chuyển lưu nơi huyết quản người Việt.
Theo thanhnien