Ông Phạm Quý Tỵ cho rằng ngoài đất đai, tòa cấp huyện vẫn “rụt rè” khi xử các quyết định khác của chính quyền cấp huyện - Ảnh: Thái Sơn
|
Một trong những nội dung được nhiều người quan tâm thảo luận tại cuộc họp Ban soạn thảo dự án luật Tố tụng hành chính (sửa đổi) do TAND tối cao tổ chức chiều 14.1 là phân định thẩm quyền của TAND cấp quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh và tương đương.
“Tránh sự ảnh hưởng”
Theo ông Lê Văn Minh, Viện trưởng Viện Khoa học xét xử, Tổ trưởng tổ biên tập dự án luật Tố tụng hành chính (sửa đổi), dự thảo luật quy định tòa cấp quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh có thẩm quyền giải quyết sơ thẩm các khiếu kiện, quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan hành chính từ cấp huyện trở xuống trên cùng phạm vi địa giới hành chính với tòa án hoặc của người có thẩm quyền trong cơ quan nhà nước đó. Tuy nhiên đối với các quyết định hành chính, hành vi của UBND cấp huyện và chủ tịch UBND cấp huyện trong lĩnh vực đất đai thì giao cho tòa cấp tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư giải quyết để tránh sự ảnh hưởng của cơ quan quản lý hành chính ở địa phương đối với việc giải quyết vụ án của tòa án. Cho biết có nhiều ý kiến ủng hộ phương án này nhưng ông Minh cũng nói rõ, đang có luồng ý kiến khác ủng hộ thẩm quyền quy định như luật Tố tụng hành chính hiện hành. Việc loại trừ một số quyết định hay vi phạm hành chính không phù hợp với định hướng cải cách tư pháp theo hướng tăng thẩm quyền cho tòa cấp quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh.
Trong khi đó, đa số thành viên ban soạn thảo đều tán đồng phương án theo dự thảo đưa ra. Nguyên Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phạm Quý Tỵ cho rằng trong khiếu kiện hành chính hiện nay có tới 70% liên quan đến đất đai. Lâu nay, khi đụng đến các quyết định, hành vi hành chính nói chung của UBND huyện hoặc chủ tịch huyện thì tòa cấp huyện thường đẩy cho tòa cấp cao hơn xét xử. “Nếu để như hiện hành tôi cho rằng sẽ không đảm bảo tính khách quan, độc lập, vẫn khiến tòa huyện rụt rè khi xét xử các khiếu kiện”, ông Tỵ nói.
|
Cũng quan điểm này, bà Lê Thị Thu Ba, Phó trưởng ban Chỉ đạo cải cách tư pháp T.Ư, đề nghị nên để tòa cấp tỉnh giải quyết tất cả các khiếu kiện về quyết định hành chính của UBND và chủ tịch cấp huyện chứ không chỉ hạn chế trong lĩnh vực đất đai.
Tòa án phải độc lập
Trao đổi thêm với PV Thanh Niên bên lề cuộc họp về việc quy định như vậy có đi ngược với định hướng cải cách tư pháp, bà Lê Thị Thu Ba nói: “Định hướng cải cách tư pháp là tòa án phải độc lập, phải được tăng thẩm quyền nhưng thực tế của chúng ta hiện nay năng lực, bản lĩnh của thẩm phán tòa cấp huyện là chưa đáp ứng được yêu cầu. Do vậy khi nào tổ chức được tòa khu vực thì mới tính đến việc để cho tòa cấp huyện giải quyết các khiếu kiện”.
Liên quan đến một số nội dung khác trong dự thảo luật, ông Trần Đức Lượng, Phó tổng thanh tra Chính phủ, cho rằng khiếu kiện hành chính rất rộng, có nhiều vấn đề phức tạp mà luật Tố tụng hành chính năm 2010 chưa lường hết được nên đòi hỏi Ban soạn thảo dự án phải khảo sát, đánh giá thật kỹ nhiều vấn đề trước khi đưa vào quy định của luật. Theo ông Lượng, tố tụng hành chính là giải quyết tranh chấp giữa người dân và cơ quan nhà nước nên phải nhìn từ bản chất này để đưa ra các cơ chế bảo đảm việc xử lý được khả thi, nếu không sẽ gây khó khăn cho tòa án, trong đó nếu có tranh chấp giữa các cơ quan hành chính nhà nước với nhau thì xử lý ra sao hay quyết định hành chính và vi phạm hành chính của các đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước có liên quan đến quyền lợi người dân, người tiêu dùng thì phải áp dụng như thế nào.
Bà Lê Thị Thu Ba cũng kiến nghị cần cân nhắc khoản lệ phí kháng cáo bởi người dân đã đóng thuế “nuôi” bộ máy nhà nước, nếu giải quyết chưa thỏa đáng thì bị kháng nghị phải giải quyết chứ không cần phải đòi dân nộp lệ phí kháng cáo.
Không đúng với tinh thần Hiến pháp
Trao đổi với PV chiều qua, GS-TS Lê Hồng Hạnh, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý, cho biết ông khá bất ngờ với đề xuất sửa đổi thẩm quyền tòa cấp huyện theo hướng né “quan” huyện. “Luật giao cho tòa theo thẩm quyền xử lý, dù là lĩnh vực đất đai hay là gì, nếu sai thì còn có phúc thẩm, giám đốc thẩm thì sẽ đảm bảo hơn”, ông Hạnh nói và cho rằng thẩm quyền nên quy định như luật hiện hành. Đề cập lại câu chuyện “thẩm phán ta sợ đủ thứ” từng đăng trên Thanh Niên, GS-TS Lê Hồng Hạnh nói lâu nay dư luận thường cho rằng có sự can thiệp của chính quyền hay Đảng về hoạt động xét xử, nhưng Hiến pháp năm 2013 đã thêm một lần nữa khẳng định tòa án xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật, việc đưa ra quy định né tránh như dự thảo là không đúng với tinh thần Hiến pháp.
Thạc sĩ - luật sư Phạm Văn Phất (Văn phòng luật sư An Phát Phạm), cho rằng lâu nay nhiều người, đặc biệt là trong giới luật sư đã phản ánh rất nhiều về những hạn chế trong tính khách quan, độc lập của các thẩm phán, đặc biệt là trong việc giải quyết các vụ án hành chính ở cấp huyện. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên có ý kiến chính thức tại hội nghị xác định tòa án cấp huyện “rụt rè” khi xét xử.
|
Theo thanhnien