Ấn tượng đêm chung kết tìm kiếm Đại sứ Truyền thông khoa học- FameLab VN 2016
Năm 2016 là năm thứ hai cuộc thi tìm kiếm Đại sứ truyền thông khoa học - FameLab VN 2016 được tổ chức. Cuộc thi là mô hình phát hiện, đào tạo và tư vấn cho các chuyên gia trong lĩnh vực khoa học tự nhiên và kỹ thuật công nghệ trong việc chia sẻ tình yêu khoa học và đam mê sáng tạo với cộng đồng, biến các vấn đề khoa học vốn rất hàn lâm trở nên gần gũi, dễ hiểu, thú vị như khoa học thường thức với mọi người dân, những khán giả không chuyên.
Thí sinh trao đổi, nghe nhận xét và trả lời câu hỏi từ Ban Giám khảo
Trước đó, FameLab VN được phát động từ tháng 1/2016 và đã nhận được sự hưởng ứng của đông đảo những người đam mê khoa học từ các bạn sinh viên. Trải qua vòng chung khảo và tham gia tập huấn với sự giảng dạy của TS. Emily Grossman - Chuyên gia về sinh học phân tử và di truyền học đến từ Vương Quốc Anh, 12 thí sinh xuất sắc nhất đã được lựa chọn để tham dự đêm chung kết.
Đêm chung kết FameLab Vietnam 2016 với sự tranh tài của 12 thí sinh đến từ các trường đại học trên cả nước như: ĐH Kiến trúc TP.HCM, ĐH Hàng hải, ĐH Dược Hà Nội, ĐH Ngoại ngữ, ĐH Khoa học Huế, ĐH Cần thơ...Mỗi thí sinh là một hạt nhân có niềm đam mê với khoa học, tham gia FameLab với mong muốn truyền lửa cho thế hệ trẻ và mang tới những thông điệp ý nghĩa của khoa học với cuộc sống.
Tại chung kết, mỗi thí sinh sẽ trình bày phần thuyết trình của mình về một chủ đề về khoa học, công nghệ và kỹ thuật để kết nối và cuốn hút người nghe với thời gian tối đa là 3 phút và có 2 phút để trao đổi, trả lời câu hỏi từ Ban Giám khảo.
Các thí sinh đã lựa chọn cho mình những đề tài thú vị, từ việc lý giải những hiện tượng khoa học đơn giản hàng ngày như tại sao chúng ta lại rửa rau trong dung dịch muối; sự bí ấn dưới vùng cánh tay; khả năng giúp làm lành vết thương của nước bọt cho đến hiện tượng khoa học chuyên sâu như hiện tượng kháng thuốc kháng sinh, hiện tượng trái đất nóng lên- những cơ hội và thách thức; niềm hi vọng mới trong ung thư bằng việc tăng cường hệ miễn dịch; mô hình thành phố bọt biển ứng phó với biến đổi khí hậu… Mỗi phần thuyết trình được thí sinh thể hiện thể hiện tự tin, kết hợp ngôn ngữ hình thể và các đạo cụ mô phỏng giúp cho vấn đề khoa học trở nên gần gũi, dễ hiểu đã gây ấn tượng và tạo nên sự hào hứng theo dõi của đông đảo khán giả yêu khoa học.
Phạm Tuấn Thạch giành chiến thắng FameLab VN 2016
Kết quả, nam sinh ĐH Khoa học tự nhiên – ĐHQGHN Phạm Tuấn Thạch đã giành chiến thắng thuyết phục với đề tài “Thú cưng của nhà khoa học” phân tích tầm quan trọng của việc nghiên cứu tế bào gốc máu để chống lại các tế bào ung thư. Đây là một trong những vấn đề nghiên cứu được các nhà khoa học đặc biệt quan tâm trong những năm gần đây. Chính vì vậy, Thạch so sánh rằng, nghiên cứu ứng dụng tế bào gốc máu giống như là "thú cưng của các nhà khoa học". Nam sinh ĐH Khoa học tự nhiên- ĐHQGHN còn ví von "người yêu có thể không có nhưng chó (thú cưng) nhất định phải có một con" để thể hiện niềm say mê nghiên cứu của các nhà khoa học với tế bào gốc máu.
Với cách trình bày thú vị và phần trả lời câu hỏi từ BGK dí dỏm, thông minh, bài thuyết trình của Phạm Tuấn Thạch đã đạt được cả ba tiêu chí của cuộc thi là: nội dung khoa học, trình bày logic và cuốn hút, giúp nam sinh giành chiến thắng cao nhất, trở thành đại sứ truyền thông khoa học của Việt Nam tham dự vòng chung kết toàn cầu FameLab International Final tại Liên hoan Khoa học Cheltenham được tổ chức tại Vương Quốc Anh vào đầu tháng 6/2015.
Theo Doanthanhnien