50 năm ngày hy sinh của anh hùng liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi: Giải thưởng mang tên anh
|
Đảm bảo an toàn vận hành lưới điện
Vinh dự đoạt giải thưởng Nguyễn Văn Trỗi liên tục trong ba năm liền 2012, 2013 và 2014, Đỗ Tiến Trung (33 tuổi), làm việc tại Công ty điện lực Hóc Môn, TP.HCM, đã khiến bạn bè, đồng nghiệp phải nể phục. Từ một người thợ điện bình thường, anh luôn ý thức phải cố gắng và nỗ lực hết mình trong quá trình làm việc để cho ra đời nhiều sáng kiến nổi bật làm lợi cho đơn vị.
Cụ thể, đó là sáng kiến, cải tiến đấu nối điểm sự cố của cáp suất đồng hạ thế bằng ống nối đồng và ống khò với tiết diện phù hợp. Theo đó, anh đã cải tiến bằng cách dùng ống nối đồng trong bộ hộp nối cáp ngầm để áp dụng đấu nối cho cáp xuất nổi 240 - 300 mm2, đồng thời bọc vị trí ống nối bằng 2 lớp ống khò cách điện để đảm bảo an toàn trong vận hành lưới điện. Việc áp dụng giải pháp trên đã tiết kiệm cho công ty hơn 200 triệu đồng/năm và hàng ngàn giờ công lao động trực tiếp của công nhân.
Học tập ở anh Nguyễn Văn Trỗi, Trung cho biết: “Đó là một tấm gương sáng cho lớp lớp thanh niên ở mọi thế hệ noi theo. Tôi học tập ở anh rất nhiều điều, từ lòng yêu nghề, yêu công việc và trên hết là lòng yêu nước. Chính vì thế, tôi luôn ra sức học tập, sáng tạo ra những cái mới giúp giảm sức lao động, thời gian và chi phí cho đơn vị”.
Tỉ phú sáng tạo
Trần Thanh Thuận (32 tuổi), kỹ thuật viên thuộc Công ty CP công nghiệp cao su Miền Nam, được mọi người trong đơn vị gán cho cái tên “tỉ phú sáng tạo”. Điều đó cũng không có gì là quá đáng bởi anh đã có rất nhiều sáng tạo, sáng kiến làm lợi hàng tỉ đồng mỗi năm cho công ty.
Đó là sáng kiến làm giảm giá thành sản xuất lốp xe máy bằng cách thay đổi đơn pha chế, giảm bề dày vải mành cán tráng lốp xe gắn máy để tiết kiệm chi phí sản xuất... Với sáng kiến này, mỗi năm Thuận đã làm lợi cho công ty khoảng 15 tỉ đồng.
Bên cạnh đó, anh còn thường xuyên cho ra đời những mẫu mã mới đáp ứng nhu cầu của thị trường khi có những dòng xe mới, có nhiều đối thủ cạnh tranh, đa dạng hóa sản phẩm để thu hút khách hàng, góp phần mở rộng thị trường tiêu thụ và làm tăng lợi nhuận cho công ty.
Thuận đã vinh dự được nhận giải thưởng Nguyễn Văn Trỗi hai năm liền (2013, 2014) và được Đoàn khối doanh nghiệp công nghiệp T.Ư tại TP.HCM trao giải thưởng “Tuổi trẻ lao động sáng tạo” năm 2012.
Đấu tranh đến hơi thở cuối cùng Anh Trỗi sinh ra và lớn lên ở làng Thanh Quýt, nay là xã Điện Thắng Trung, Điện Bàn, trong một gia đình nông dân nghèo, chẳng may lại mồ côi mẹ từ thuở nhở. Tuổi thơ anh theo cha ra Đà Nẵng kiếm kế sinh nhai. Năm 10 tuổi vào Sài Gòn học nghề thợ điện, rồi đạp xích lô. Từ đó, anh Trỗi được các chú, các anh dìu dắt giác ngộ cách mạng, tham gia lực lượng vũ trang Sài Gòn - Gia Định. Đầu năm 1964, anh nhận nhiệm vụ đánh sập cầu Công Lý và phục kích diệt Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ McNamara. Để phục vụ cho trận đánh, anh bán chiếc nhẫn cưới mua dây điện. Vào ngày 9.5.1964, tại cầu Công Lý, trong lúc làm nhiệm vụ nối dây điện tới quả mìn thì bị địch phát hiện. Anh sa vào tay giặc. Trong nhà ngục kẻ thù, dù bị đòn roi tra tấn anh vẫn khẳng khái vạch mặt tội ác kẻ thù “Còn giặc Mỹ không có hạnh phúc”. Không khuất phục được anh, vào ngày 15.10.1964, kẻ thù tử hình anh Trỗi tại khám Chí Hòa, ở tuổi đời 24. Trước pháp trường, với tư thế hiên ngang cùng tinh thần quyết chiến, quyết thắng, anh tranh thủ từng giây, từng phút vạch mặt kẻ thù. Trước lúc hy sinh, anh đã nhiều lần hô lớn: “Hãy nhớ lấy lời tôi! Đả đảo đế quốc Mỹ! VN muôn năm! Hồ Chí Minh muôn năm!”. |
Theo thanhnien