Thứ ba, ngày 26 tháng 11 năm 2024
Cập nhật lúc: 13/02/2019

Bia trấn ải được dựng tháng 5.2013 ở cổng Đồn biên phòng Pha Long (Mường Khương, Lào Cai), nơi cách đây 40 năm diễn ra chiến sự ác liệt chống quân Trung Quốc xâm lược /// Ảnh: Mai Thanh Hải

Bia trấn ải được dựng tháng 5.2013 ở cổng Đồn biên phòng Pha Long (Mường Khương, Lào Cai), nơi cách đây 40 năm diễn ra chiến sự ác liệt chống quân Trung Quốc xâm lược. ẢNH: MAI THANH HẢI

Sáng sớm 17.2.1979, Trung Quốc đưa hơn 600.000 quân cùng hàng ngàn xe tăng, xe cơ giới ồ ạt tràn qua biên giới, tấn công 6 tỉnh phía bắc nước ta, tàn sát dân lành vô tội. Trên từng tấc đất, vạt rừng Tổ quốc, những người lính, người dân Việt đã kiên cường đánh trả quân xâm lược. Rất nhiều người đã ngã xuống, dựng nên trang sử hào hùng của dân tộc mà mỗi chúng ta mãi mãi không thể quên, không được phép lãng quên.

Trung Quốc xâm lược

Thiếu tướng Đinh Văn Tuy (thứ 3 từ trái sang), Phó chính ủy Bộ Tư lệnh Công an nhân dân vũ trang kiểm tra công tác sẵn sàng chiến đấu tại Hoàng Liên Sơn cuối năm 1978. ẢNH: TƯ LIỆU BĐBP

Trong căn nhà nhỏ nằm nép bên chợ Phố Ràng (TT.Phố Ràng, H.Bảo Yên, Lào Cai), cựu chiến binh Phan Doãn Năm (61 tuổi, quê H.Vũ Thư, Thái Bình) ngồi nhớ rành mạch những tháng ngày trực tiếp chống quân xâm lược, dù đã 40 năm trôi qua.

Đánh đến viên đạn cuối cùng

Tháng 7.1977, ông Năm nhập ngũ vào Công an nhân dân vũ trang (CANDVT, nay là Bộ đội biên phòng (BĐBP) tỉnh Hoàng Liên Sơn, nay tách ra thành 2 tỉnh Lào Cai, Yên Bái). Đầu tháng 1.1978, khi tình hình biên giới có dấu hiệu căng thẳng, ông được đưa về trường hạ sĩ quan cảnh sát bảo vệ (nay là trường trung cấp cảnh sát vũ trang) học võ thuật. Tháng 8.1978, hạ sĩ Phan Doãn Năm được rút về CANDVT Hoàng Liên Sơn làm tiểu đội trưởng huấn luyện chiến sĩ mới nhập ngũ. Cuối năm 1978, cả đại đội tân binh được chuyển phiên hiệu thành Đại đội 3 cơ động của CANDVT tỉnh, cấp tốc hành quân lên Mường Khương xây dựng trận địa, sẵn sàng chiến đấu.
“Tháng 12.1978, chúng tôi lên tới thôn Sả Chải của xã Pha Long. Việc đầu tiên là nhận điểm chốt, đào hầm hào công sự và ngăn chặn lính Trung Quốc xâm nhập biên giới”, ông Năm nhớ lại.
Đêm gần Tết Kỷ Mùi 1979, tổ công tác 4 người do ông làm tổ trưởng tuần tra đến ngã ba sông Xanh (đầu nguồn sông Chảy, giáp giới 2 huyện Mường Khương và Si Ma Cai thuộc tỉnh Lào Cai, VN và bên kia là Trung Quốc) thì gặp tốp thám báo Trung Quốc gồm 8 tên. Lính Trung Quốc ỷ đông định bắt sống bộ đội ta nhưng bị đánh trả quyết liệt và ông Năm dùng võ thuật giải cứu đồng đội, đẩy địch về bên kia biên giới.
“Chúng tôi có mang đầy đủ súng đạn nhưng hồi ấy lệnh của trên là không được nổ súng trước”, ông Năm kể.
Đánh quân Trung Quốc xâm lược
Ông Phan Doãn Năm: "... hồi ấy lệnh của trên là không được nổ súng trước...". ẢNH: MAI THANH HẢI
Rạng sáng 17.2.1979 là thứ bảy, 21 tháng giêng nên vẫn còn không khí tết. Lúc 2 giờ sáng, đang kiểm tra gác thì Tiểu đội trưởng Phan Doãn Năm nghe tiếng súng nổ bên kia biên giới. Lập tức, ông báo động đơn vị sẵn sàng chiến đấu và dẫn 1 tổ cơ động lên trận địa trên chốt, vừa lúc pháo binh từ bên kia biên giới bắn trùm lên toàn xã Pha Long. Sau khoảng nửa tiếng pháo dội cấp tập, ông Năm ra vị trí quan sát thì thấy xung quanh lô nhô toàn lính Trung Quốc. Thì ra chúng đã bao vây đơn vị từ lúc nào.
“Lúc ấy không đợi lệnh trên, tôi ra lệnh nổ súng đánh trả. Đánh nhau đến 9 giờ sáng thì chúng rút. Chúng tôi không thể liên lạc với trung, đại đội nên bảo nhau củng cố hầm hào công sự, tiếp tục chiến đấu. Từ tối 17 đến sáng 18.2, lính Trung Quốc ào ạt tấn công chúng tôi theo hiệu lệnh tù và nhưng không chiếm được chốt Sả Chải. Rạng sáng 19.2.1979, tiểu đội phải rút khỏi chốt vì sau 2 ngày đêm chiến đấu đã cạn kiệt đạn dược, đồ ăn nước uống”, ông Năm rành mạch.
Ông Lê Lừng, nguyên chiến sĩ Đại đội 3 CANDVT Hoàng Liên Sơn, kể lại: “Anh em có đường rút bởi anh Năm liều mình tiếp cận vị trí tập trung quân của địch, bắn liên tiếp 4 quả đạn B40 khiến chúng thương vong nặng, kêu khóc hoảng sợ giãn ra”.
40 năm cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc (17.2.1979 - 17.2.2019)1
Ông Phan Doãn Năm kể chuyện thăm lại chiến trường xưa Pha Long. ẢNH: MAI THANH HẢI
Đêm 19.2.1979, Tiểu đội trưởng Phan Doãn Năm mới gặp được thượng úy Đại đội trưởng Vàng Seo Sáy và được biết “Các đơn vị trong đại đội bị mất liên lạc với nhau ngay từ rạng sáng 17.2 vì địch bao vây tấn công. Nhiều cán bộ trung đội đã hy sinh”. Nhận lệnh phối hợp cùng đồn Pha Long và chốt 177 của bộ đội địa phương cầm cự bảo vệ đồn bằng mọi cách, nhưng đến rạng sáng 23.2 Tiểu đội trưởng Phan Doãn Năm và chiến sĩ Nguyễn Văn Hiền cũng phải rút khỏi Pha Long bởi bộ đội bị thương vong, bị lạc và mỗi người chỉ còn nửa băng đạn AK.
Nhóm của ông Năm mất gần 2 ngày ở khu vực Pha Long, Tả Gia Khâu, Tả Ngải Chồ và bị phục kích ngay bản Lũng Pâu của xã Tung Chung Phố. Lính Trung Quốc bắn như đổ đạn khiến ông bị gãy chân, nằm sau vách đá bắn tỉa cản đường cho đồng đội rút. Mãi đến khuya, khi lính Trung Quốc bỏ ý định bắt sống, ông mới bò lết gần 2 ngày đêm về TT.Mường Khương, trên lưng là khẩu AK hết đạn và ngực đeo quả lựu đạn “để giật nổ tự sát và diệt địch, nếu bị chúng bao vây bắt sống”.
Từ TT.Mường Khương, ông Năm được 2 nữ nhân viên thương nghiệp thay nhau cõng về xã Cao Sơn (H.Mường Khương), men theo bờ sông Chảy tới trạm phẫu thuật tiền phương ở đầu cầu Bảo Nhai. Hành trình của ông và 2 cô gái kéo dài 4 - 5 ngày đêm.
cờ Tổ quốc trên rừng hoa mận Pha Long
Cờ Tổ quốc trên rừng hoa mận Pha Long. ẢNH: MAI THANH HẢI

Xin được trở lại mặt trận

 

 

Từ 3 giờ 30 ngày 17.2.1979, Trung Quốc sử dụng pháo binh bắn phá một số mục tiêu trong lãnh thổ nước ta, sau đó huy động hơn 600.000 quân cùng hàng ngàn xe tăng, xe cơ giới tiến công sang lãnh thổ VN. Hướng tiến công chủ yếu là Lạng Sơn và Cao Bằng; hướng quan trọng là Lào Cai (Hoàng Liên Sơn); hướng phối hợp là Phong Thổ (Lai Châu) và hướng nghi binh, thu hút lực lượng ta là Quảng Ninh và Hà Tuyên.

Từ trước đó, năm 1975, phía Trung Quốc gây ra 234 vụ lấn chiếm lãnh thổ, khiêu khích vũ trang. Đến năm 1978, con số này tăng lên 2.175 vụ, gần gấp 10 lần...

 

“Ngày tôi chiến đấu ở Mường Khương, mẹ và em tôi bị lính Trung Quốc giết hại. Cúng 100 ngày cho mẹ và em xong, bố tôi cũng nằm xuống”, người cựu binh lặng lại.

Thời điểm tháng 2.1979, gia đình ông Năm ở KP.5, khu Duyên Hải, TX.Lào Cai (nay là P.Duyên Hải, TP.Lào Cai). Ông là con thứ 4 trong gia đình, trên có 3 anh chị và sau ông là em gái Phan Thị Sáu đang học lớp 10. Rạng sáng 17.2.1979, Trung Quốc bất ngờ nã pháo và bắc cầu phao cho lính tràn sang tấn công TX.Lào Cai. Gia đình ông Năm cũng như hàng nghìn gia đình trong thị xã phải tứ tán chạy giặc. Anh trai Phan Nhật Quang đưa vợ vừa sinh con và bố Phan Doãn Năng đang ốm về phía sau. Chị gái Phan Thị Tư lạc đường, mãi mới tìm về Yên Bái với chị Phan Thị Lịch. Riêng mẹ Đoàn Thị Dần (lúc đó 54 tuổi) cùng cô út Phan Thị Sáu kẹt lại thị xã, lính Trung Quốc tràn vào bắn chết cả 2 mẹ con ngay ngã ba Công Ty, trên đường từ thị xã lên H.Bát Xát.

Đầu tháng 3.1979, khi đang nằm điều trị tại bệnh viện 6 tiền phương (lúc ấy đóng tạm ở xã Tây Cốc, H.Đoan Hùng, Phú Thọ), ông Năm bất ngờ thấy anh Quang và chị Tư đạp xe đến tìm và òa khóc: “Tìm thấy em rồi, nhưng vẫn không thấy mẹ và út đâu”. Ông nằng nặc xin ra viện, chống nạng về quê nội Thái Bình tìm mẹ nhưng không thấy, đành về lại đơn vị điều trị. Được mấy ngày thì nghe tin hàng xóm tìm thấy xác của mẹ và em nằm dưới tấm liếp ven đường, chỉ cách nhau vài mét. Không biết chính xác ngày mất, gia đình ông Năm lấy ngày 22.2 làm ngày giỗ cho 2 người thân.

Ngày cúng 100 ngày là 24.5.1979, vừa làm xong lễ thì bố Phan Doãn Năng không chịu nổi mất mát, ra đi theo vợ con. “Cuộc chiến tranh xâm lược của Trung Quốc cướp đi nửa gia đình tôi. Hồi ấy, tôi xin được đi chiến đấu tiếp nhưng cấp trên không đồng ý vì là thương binh và cuối tháng 12.1980 cho tôi xuất ngũ”, ông Năm ứa nước mắt và cho biết gần 40 năm nay, sáng 17.2 nào ông cũng dậy sớm thắp 3 bát hương không có ảnh thờ...
Sau khi xuất ngũ, thượng sĩ Phan Doãn Năm chuyển ngành sang Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Hoàng Liên Sơn. Khi tách tỉnh, ông chuyển công tác lên Viện Kiểm sát nhân dân H.Bảo Yên (Lào Cai) và năm 2011 nghỉ hưu với chức danh kiểm sát viên sơ cấp 4. Là thương binh 3/4 nên việc di chuyển đi lại rất khó khăn, mãi đến tháng 7.2016 ông mới có điều kiện quay trở lại chiến trường xưa Pha Long (Mường Khương, Lào Cai) trong dịp cầu siêu cho đồng đội đã hy sinh trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới tháng 2.1979. Ông bảo: “Tôi được sống, vẫn còn may mắn hơn những anh em đã hy sinh. Gia đình tôi tìm được thi hài người thân, còn may mắn hơn hàng nghìn gia đình mất mát trong thị xã. Đã có quá nhiều hy sinh, mất mát trong cuộc chiến đấu chống quân xâm lược, bảo vệ biên giới phía bắc của Tổ quốc nên tôi và đồng đội luôn tự dặn mình không thể quên, không được phép lãng quên”.
(còn tiếp)
Theo thanhnien.vn
In Gửi Email
THỐNG KÊ TRUY CẬP

Hôm nay:

Hôm qua:

Trong tuần:

Tất cả:

ipv6 ready