Điều tra viên thực hiện điều tra dân số và nhà ở. (Ảnh: Hồng Kỳ/TTXVN)
Thông tin chung về dân số, tình trạng di cư, hôn nhân, mức độ sinh-chết và phát triển dân số, tình trạng lao động, việc làm, tình trạng về nhà ở và nhiều nội dung thông tin khác sẽ được Tổng cục Thống kê tiến hành thu thập, với sự tham gia của hơn 122.000 điều tra viên
Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm, tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 nhằm thu thập thông tin cơ bản về dân số và nhà ở phục vụ nghiên cứu, phân tích quá trình phát triển dân số và nhà ở trên toàn bộ lãnh thổ Việt Nam.
Cuộc tổng điều tra nhằm đáp ứng nhu cầu thông tin đánh giá kết quả thực hiện các kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2011-2020 và xây dựng chiến lược và các kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2021-2030; phục vụ việc giám sát thực hiện Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới; giám sát các Mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc mà Chính phủ Việt Nam đã cam kết; cung cấp thông tin phục vụ xây dựng cơ sở dữ liệu tổng hợp về dân số.
Nội dung điều tra, bao gồm thông tin chung về dân số; tình trạng di cư; trình độ học vấn và trình độ chuyên môn kỹ thuật; tình trạng khuyết tật; tình trạng hôn nhân; mức độ sinh, chết và phát triển dân số; tình hình đăng ký khai sinh của trẻ em; tình hình lao động-việc làm; thực trạng về nhà ở; điều kiện sinh hoạt cơ bản của hộ dân cư.
Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 là cuộc tổng điều tra có quy mô lớn nhất được Tổng cục Thống kê thực hiện theo qui trình 10 năm một lần trên phạm vi toàn quốc, theo Quyết định số 772/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ký ngày 26/6/2018 về tổ chức Tổng điều tra Dân số và nhà ở năm 2019. Đây là cuộc Tổng điều tra dân số và nhà ở lần thứ 8 do Tổng cục Thống kê tiến hành.
Tổng điều tra năm 2019 thu thập thông tin trên 2 nhóm phiếu là điều tra toàn bộ và điều tra mẫu. Nhóm phiếu điều tra toàn bộ gồm 22 câu hỏi gồm điều tra các thông tin về dân số cơ bản và thông tin về nhà ở của hộ.
Nhóm phiếu điều tra chọn mẫu phức tạp hơn và mẫu được tiến hành trên 15% dân số cả nước, với 65 câu hỏi, ngoài các câu có trong phiếu điều tra toàn bộ, còn có thêm các nhóm thông tin khá nhạy cảm liên quan đến dân số; lịch sử sinh của nữ vị thành niên từ 10-14 tuổi và phụ nữ từ 15-49 tuổi; thông tin về người chết; thông tin về nhà ở…
Tổng điều tra năm 2019 sử dụng phương pháp thu thập thông tin trực tiếp và điều tra viên đến từng hộ để hỏi người cung cấp thông tin và ghi đầy đủ các câu trả lời vào phiếu điều tra điện tử được thiết kế trên máy tính bảng hoặc điện thoại thông minh – phiếu điện tử. Trong một số trường hợp, điều tra viên có thể sử dụng phiếu giấy để điền thông tin. Hộ tự cung cấp thông tin trên trang thông tin điện tử của tổng điều tra.
Đối tượng của cuộc điều tra bao gồm tất cả người Việt Nam thường xuyên cư trú trên lãnh thổ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam tính đến thời điểm điều tra; người Việt Nam được cơ quan có thẩm quyền cho phép xuất cảnh ra nước ngoài trong thời hạn quy định; các trường hợp chết của hộ dân cư đã xảy ra từ ngày mùng 1 Tết Âm lịch Mậu Tuất, tức ngày 16/2/2018 theo dương lịch đến hết ngày 31/3/2019; nhà ở của hộ dân cư.
Tổng điều tra lần này, Tổng cục Thống kê đưa vào ứng dụng công nghệ thông tin ở hầu hết các công đoạn, từ thu thập thông tin đến khâu tiếp nhận, xử lý, tổng hợp, phân tích thông tin điều tra.
Thời gian thu thập thông tin của cuộc Tổng điều tra là 25 ngày, bắt đầu từ ngày 1/4/2019.
Kết quả sơ bộ được công bố vào tháng 7/2019, kết quả điều tra mẫu được công bố vào quý 4 năm 2019, kết quả điều tra toàn bộ được công bố vào quý 2 năm 2020.
Các báo cáo phân tích chuyên đề công bố vào quý 4 năm 2020./.
Theo dangcongsan.vn